Khuyến công
CHỢ ĐẦU MỐI NÔNG SẢN THỰC PHẨM DẦU GIÂY THU HÚT ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ

Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây được khánh thành và đi vào hoạt động ngày 28/6/2017. Chợ có quy mô trên 55ha với tổng vốn đầu tư trên 1.400 tỷ đồng, Giai đoạn 1, chợ có quy mô 7ha, gồm 216 vựa trái cây, rau quả, hoa tươi và 317 nhà phố chợ với hạ tầng hoàn chỉnh, chuyên kinh doanh buôn bán hàng nông sản thực phẩm trái cây, rau, củ, quả. Đây là công trình chợ đầu mối nông sản trọng điểm và lớn nhất của tỉnh Đồng Nai, do Công ty cổ phần bất động sản Thống Nhất (thuộc Tổng Công ty Tín Nghĩa) làm chủ đầu tư và Công ty TNHH MTV Proton là đơn vị hợp tác đầu tư phát triển. Chợ được tọa lạc gần ngã ba Dầu Giây, ngay nút giao chính của 4 trục quốc lộ, gồm: Dầu Giây - Đà Lạt, Dầu Giây - TPHCM, Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Cao tốc Long Thành Trung Lương; tuyến tàu lửa Bắc Nam và tuyến hàng không quốc tế Sân bay Long Thành trong tương lai, đồng thời tiếp giáp với 6 tỉnh, thành phố: TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Lâm Đồng và Bình Thuận, với hơn 60 cụm khu công nghiệp và hàng chục triệu lao động và dân cư quanh khu vực … Với quy hoạch vị trí chiến lược, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây rất thuận tiện cho việc chuyên chở và phân phối hàng hóa nông sản thực phẩm từ các địa phương trong khu vực, đặc biệt là các địa phương tỉnh Đồng Nai.


Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây là đầu mối kinh doanh buôn bán hàng nông sản thực phẩm: trái cây, rau, củ, quả, các sản phẩm nông sản từ thực phẩm tỉnh Đồng Nai và cả nước. Với mô hình hoạt động suốt ngày đêm, chợ còn là nơi ký gửi, trao đổi hàng nông sản thực phẩm hàng tươi, hàng khô, hàng đông lạnh, hàng giữ mát… Đến nay, chợ đã có trên 110 ô, vựa, kiốt,  nhà phố chợ mở cửa đi vào hoạt động (chiếm trên 70% trên tổng số ki-ốt của chợ), với sản lượng trên 500 tấn/ngày đêm, đây  là kênh phân phối nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đạt các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap và có thể truy xuất được nguồn gốc. Nhiều doanh nghiệp, HTX, trang trại, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã tăng cường công tác phối hợp tiêu thụ sản phẩm nông sản, hình thành chuỗi liên kết bền vững trong hoạt động sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn giữa nhà sản xuất và nhà tiêu thụ trong tỉnh với các tỉnh thành khu vực Đồng Nam bộ và các vùng miền trong cả nước, đồng thời góp phần tăng cường khả năng kết nối đa chiều, nâng cao hiệu quả lưu thông, phân phối, thúc đẩy giao thương hàng hóa, sản phẩm nông sản, đặc sản, đặc trưng vùng, miền khu vực Đông Nam bộ và các tỉnh thành lân cận.
Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trên thị trường nội địa, phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của các địa phương trên cả nước thông qua hệ thống chợ. Ngày 11/5/2018 tại Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây – Đồng Nai, Bộ Công Thương phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức Chương trình kết nối tiêu thụ hàng hóa và đặc sản vùng miền thông qua hệ thống chợ (PMAX 2018) từ ngày 11 đến 15/5/2018, tham dự Chương trình có đại diện Lãnh đạo Bộ Công Thương; Vụ thị trường trong nước; Liên minh Hợp tác xã; UBND, các Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại các tỉnh, thành phố và đại diện các Hợp tác xã, trang trại, nhà vườn và nông hộ, Báo Đài Trung ương và địa phương.


Về dự Hội nghị có đại diện của 25 tỉnh, thành cùng hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã, thương lái, chủ trang trại của Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành khác đã đến tham gia hội thảo Kết nối tiêu thụ hàng hóa và đặc sản vùng miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa và hải đảo thông qua hệ thống chợ (PMAX) tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất). Chương trình là diễn đàn để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thương nhân trao đổi, kết nối sản xuất và tiêu thụ thông qua hệ thống chợ đầu mối tới các cơ sở bán lẻ và người tiêu dùng. Đồng thời là cơ hội tốt để các nhà sản xuất, các cơ sở gia công, chế biến, đóng gói hàng hóa và đặc sản vùng miền mở rộng và phát triển ổn định đầu ra, nâng cao sức cạnh tranh và nâng cao thương hiệu hàng hóa... Đây còn là cơ hội để tăng cường liên kết 3 nhà (nhà quản lý, nhà sản xuất và nhà phân phối) thông qua các hoạt động ký kết hợp tác tiêu thụ hàng hóa và đặc sản vùng miền, từ đó hướng tới phương thức kinh doanh nông sản hiện đại và bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển hạ tầng thương mại, nâng cao thu nhập của người dân, nhất là các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Nằm trong khuôn khổ Chương trình kết nối này, ngày 12/5/2018 tại Hội trường UBND huyện Thống Nhất cũng đã diễn ra Hội thảo với chủ đề “Kết nối tiêu thụ hàng hóa, đặc sản vùng miền thông qua hệ thống chợ”. Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã trình bày ra nhiều phương án để phát triển hệ thống chợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa và nông sản; trong đó, giải pháp xây dựng chợ quốc tế được các đại biểu quan tâm và chú trọng. Xây dựng tổ hợp dự án Chợ quốc tế là 1 tổ hợp kinh tế mới kết hợp liên ngành; trong đó, phạm vi hoạt động đa quốc gia; thường được quy hoạch trong cụm kinh tế liên kết đa ngành; quy hoạch thiết kế hướng đến phục vụ tham quan du lịch; tối ưu hóa cơ khí tự động trong các khâu. Chợ này sẽ có điểm mới là có trung tâm thu mua tập trung hàng hóa và nông sản, trung tâm dịch vụ logistics và có thể thông quan ngay tại dự án. Ngoài ra, còn có khu để những đơn vị tham gia có thể vừa sản xuất vừa tương tác làm du lịch và các sản phẩm hướng tới sản xuất là các trang trại mẫu. Trong chợ, có khu là trang trại mẫu để sản xuất theo nhu cầu đặt hàng của người tiêu dùng và thị trường, đặt hàng bao nhiêu sẽ sản xuất bấy nhiêu. Sau đó, trang trại mẫu này được tất cả các nhà nhập khẩu đóng gói trong nước và quốc tế đặt hàng cũng như những tiêu chí để sản xuất. Từ đó sẽ nhân rộng cho bà con nông dân cũng như những hợp tác xã nhà vườn khác.


Nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc lưu thông hàng hóa, quảng bá, giới thiệu cho nông sản các địa phương, qua đó kết nối thương mại, đầu tư vào chợ đầu mối, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan, nhất là ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn và công thương cần có sự phối hợp đồng bộ để chuẩn hóa nông sản từ khâu sản xuất đến thu mua, sơ chế đạt chuẩn xuất khẩu và yêu cầu chủ đầu tư chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư chợ giai đoạn 2 đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch. Tăng cường kết nối đa chiều, nâng cao hiệu quả lưu thông, phân phối; thúc đẩy giao thương hàng nông sản, đặc sản vùng Đông Nam bộ, phát triển thành chợ đầu mối trung chuyển sản phẩm nông sản tập trung trong cả nước và xuất khẩu./.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news