Khuyến công
CƠ SỞ CỐM DẸP NGUYỄN ANH TRÍ

Là nghề truyền thống của miền Bắc, vậy mà nghề làm cốm dẹp lại du nhập và bám trụ với người dân xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch đến hôm nay. Để làm ra mẻ cốm mang sắc xanh như ngọc, hương thơm nức lòng như tiếng gọi thu về thì cốm phải được làm từ nếp cái hoa vàng, phải gặt đúng thời điểm. Tức là, từng hạt cốm được ngậm tất cả những tinh túy của hạt lúa non, phải vừa chớm mẩy và căng sữa. Cốm dẹp nay đã trở thành đặc sản của xã Vĩnh Thanh, món ăn dân dã mà gây thương nhớ bồi hồi cho những người xa quê, thêm xuyến xao cho những người vừa thử. 

Cũng như bao cơ sở khác làm nghề và gìn giữ nghề làm cốm dẹp lâu đời của gia đình, cơ sở của anh Nguyễn Anh Trí cũng gắn bó với nghề từ năm 2014 trên đất Vĩnh Thanh này. Các mẻ cốm bây giờ không còn làm bằng thủ công như trước đây nữa mà được thay thế bằng máy nên giảm đi nhiều vất vả. Tuy là bằng máy tự chế nhưng năng suất cũng tăng lên đáng kể và chỉ cần 4 -5 người thợ đứng máy trong khi trước đây phải cần gấp đôi. Trung bình 1 ngày cơ sở sản xuất gần 700 kg cốm, phân phối cho các tiểu thương tại chợ đầu mối Chợ Lớn và cung cấp cho các một số công ty khác tại khu vực miền Nam.   

Công đoạn rang cốm tại cơ sở Nguyễn Anh Trí 

Chủ cơ sở cho biết, do đây là nghề truyền thống của gia đình mang từ Bắc vào nên anh quyết tâm gắn bó chứ nếu là tay ngang thì chắc không dễ dàng mà bám trụ nỗi. Được xem là món ăn dân dã nhưng quy trình làm ra nó không hề đơn giản. Cứ 2 kg lúa nếp thì làm được 1 kg cốm. Muốn làm được cốm dẹp phải trải qua nhiều công đoạn. Lúa mua về đem ngâm nước để loại bỏ hết hạt lép, sau đó đem luộc vừa chín tới rồi sấy khô, bỏ vào xay tróc vỏ trấu, đem rê cho sạch bụi, cán dẹp nhiều lần và đưa ra sàng lọc hạt vụn rồi đem rang. Để làm thành công một mẻ cốm, mọi công đoạn đều không được phép để xảy ra sơ suất. Ngay từ lúc chọn gạo nếp, cũng phải là loại gạo nếp thơm, chắc mẩy, không được chín quá. Đến công đoạn luộc cũng phải luộc chín vừa. Hay như công đoạn rang thì thợ phải thật tập trung và có kinh nghiệm vì nếu rang quá già, hạt cốm sẽ bị gãy nát và ngược lại, rang non thì hạt cốm lại bị nhão…Đặc trưng của cốm Vĩnh Thanh là hạt cốm rất dẻo, vị béo và luôn giữ được hương thơm của nếp. Lợi thế tại đây là có nguồn lúa nếp rất dồi dào. Trên địa bàn xã có khoảng 300 ha đất nông nghiệp thì hơn nửa trong số đó được người dân trồng nếp để phục vụ cho các cơ sở sản xuất cốm. Nguồn tiêu thụ luôn ổn định, nhưng với cơ sở vật chất hiện có thì cơ sở đôi lúc chưa thể đáp ứng được hết tất cả các đơn hàng. Vừa qua, cơ sở Nguyễn Anh Trí vừa đầu tư máy lựa cốm với trị giá 320 triệu đồng. Thông qua phòng kinh tế huyện Nhơn Trạch, anh Trí được tìm hiểu các chính sách hỗ trợ khuyến công, đặc biệt là “Chương trình hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất” và mong muốn được hỗ trợ.   

Máy lựa cốm tại cơ sở Nguyễn Anh Trí

Chương trình hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến là một trong những chương trình thuộc Kế hoạch khuyến công được UBND Tỉnh giao triển khai hàng năm. Từ phía là đơn vị triển khai thực hiện Kế hoạch khuyến công trên địa bàn Tỉnh, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp luôn nỗ lực hết mình trong công tác hướng dẫn, hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đồng hành cùng các chính sách khuyến công. Tin tưởng rằng đây sẽ là một động lực giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển bền vững, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bản Tỉnh./.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news