Khuyến công
Kết quả hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý giai đoạn 2016-2020

Tính đến cuối năm 2019 tổng số cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là 9.839 cơ sở, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã chỉ chiếm 14,3% tổng số cơ sở CNNT, còn lại là loại hình hộ kinh doanh. Trong 05 năm 2016-2020 đã có 802 lượt cơ sở CNNT được hỗ trợ từ chương trình khuyến công để nâng cao năng lực công nghệ, quản trị. Bình quân 72,9 doanh nghiệp/huyện tiếp cận chính sách khuyến công, tỷ lệ còn thấp so với số cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh.
 

Thời gian qua công tác phối hợp với địa phương trong việc khảo sát, nắm bắt tình hình sản xuất CNNT để xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm chưa tốt, thiếu sự tham gia của cơ sở CNNT. Công tác tuyên truyền, tiếp cận cơ sở CNNT phổ biến về chính sách khuyến công tuy đã triển khai nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Một trong những nguyên nhân chính là lực lượng phụ trách triển khai khuyến công ở cấp huyện, xã còn mỏng và chưa nắm bắt, chưa hiểu rõ về khuyến công, chưa cập nhật kịp thời các chính sách quy định mới bổ sung chỉnh sửa, từ đó gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ khuyến công ở địa phương. Để giải quyết cơ bản vấn đề này cần tập huấn về chính sách khuyến công cho cán bộ làm công tác khuyến công cấp huyện, xã hiểu rõ để hướng dẫn, thông tin cho các cơ sở CNNT một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời về chủ trương, chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Mặt khác, hầu hết cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh hạn chế, đa số các cơ sở CNNT chọn giải pháp đầu tư theo đơn hàng, nghĩa là có đơn hàng mới tính đến đầu tư nâng cao năng lực sản xuất. Điều này dẫn đến thụ động trong việc định hướng chiến lược mở rộng sản xuất, không mở rộng thị trường nhất là thị trường xuất khẩu, dẫn đến tăng trưởng thấp, sức cạnh tranh kém. Ngoài hạn chế về nguồn lực tài chính thì yếu kém về trình độ quản lý là rào cản rất lớn cho sự phát triển của cơ sở CNNT. Để giải quyết vấn đề này cần phải nâng cao năng lực quản lý, quản trị cho chủ và cán bộ quản lý của cơ sở CNNT thông qua các hoạt động đào tạo, tư vấn về quản lý, quản trị doanh nghiệp. Trong đó đào tạo kỹ năng quản lý, quản trị là then chốt. Đồng thời qua đào tạo tập huấn khởi sự doanh nghiệp sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tiềm năng đầu tư sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và ổn định an ninh, kinh tế địa phương.
 
Từ thực tiễn trên thì nội dung hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý là một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020 nhằm nâng cao năng lực tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công cho các cán bộ phụ trách công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở sản xuất CNNT, các đối tượng theo công tác phối hợp giữa Sở Công Thương với các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, với mục tiêu là đào tạo khởi sự doanh nghiệp cho 1.100 học viên và nâng cao năng lực quản lý cho 650 học viên; tập huấn công tác khuyến công cho 900 học viên.
Kết quả giai đoạn 2016-2020 về đào tạo khởi sự doanh nghiệp và các chuyên đề nâng cao năng lực quản lý cho cơ sở CNNT: đã tổ chức đào tạo khởi sự doanh nghiệp cho 1.269 người (năm 2016: 200 người, năm 2017: 264 người, Năm 2018: 320 người, năm 2019: 245 người, năm 2020: 240 người),  đạt 115,4% kế hoạch; các chuyên đề quản lý cho 924 người (năm 2016: 240 người, năm 2017: 200 người, năm 2018: 160 người, năm 2019: 164 người, năm 2020: 160 người), đạt 142,2% kế hoạch. Về tập huấn cán bộ khuyến công: đã tổ chức các lớp tập huấn phổ biến, triển khai các văn bản, chủ trương, chính sách của Nhà nước, của UBND Tỉnh về khuyến công cho 1.422 lượt cán bộ làm công tác khuyến công các huyện, thành phố, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, các hội, hiệp hội nghề nghiệp và một số doanh nghiệp, cơ sở CNNT (năm 2016: 132 người; năm 2017: 190 người; năm 2018: 550 người; năm 2019: 550 người) đạt 158% kế hoạch. 


Đánh giá hiệu quả triển khai đối với nội dung hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý: Đào tạo khởi sự doanh nghiệp, tăng cường khả năng kinh doanh, kiến thức về quản trị doanh nghiệp là giải pháp chính để góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng quản lý cho các cơ sở CNNT, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế xã hội và ổn định an ninh, trật tự tại địa phương.Tập huấn chuyên đề khuyến công cho đối tượng cán bộ cấp xã nhằm phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong việc hỗ trợ triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ và phát triển công nghiệp nông thôn trực tiếp đến cơ sở CNNT trên địa bàn kịp thời và mang lại hiệu quả cao. Các đối tượng được tập huấn nghiệp vụ khuyến công không chỉ tư vấn, hướng dẫn cho cơ sở CNNT tiếp cận chính sách khuyến công mà còn hỗ trợ cho địa phương trong việc nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở CNNT để kịp thời đề xuất những giải pháp nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công.
Với tầm quan trọng của nội dung hỗ trợ này tiếp tục được thực hiện theo Chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đào tạo khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp cho 1.500 học viên và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 1.200 cán bộ làm công tác khuyến công./.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news