Khuyến công
khuyến công Đồng Nai Xây dựng đội ngũ cộng tác viên

Sở Công Thương Đồng Nai đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Đề án "Thành lập và duy trì mạng lưới cộng tác viên khuyến công tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 - 2025". Đây được nhận định là giải pháp kịp thời giúp tỉnh khắc phục "lỗ hổng" nhân lực, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác khuyến công.

Tổ chức bộ máy hoạt động khuyến công của Đồng Nai hiện chỉ có ở cấp tỉnh là Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp; cấp huyện cũng chỉ có 1 cán bộ công chức theo dõi kiêm nhiệm; cấp xã không có cán bộ theo dõi hay phụ trách. Lực lượng cán bộ làm công tác khuyến công quá mỏng khiến quá trình tổ chức thực hiện hoạt động trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai chính sách khuyến công.

Khía cạnh khác, theo số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai, tính đến cuối năm 2018 trên địa bàn tỉnh có 9.738 cơ sở công nghiệp nông thôn, trong đó hộ kinh doanh cá thể chiếm 85,9%. Giai đoạn 2014 - 2018, tăng trưởng bình quân số cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh là 1,92%. Số lượng cơ sở công nghiệp nông thôn tuy không lớn so với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, tuy nhiên, với số lượng nhân lực có hạn, việc tiếp cận và tìm hiểu nhu cầu của cơ sở, đặc biệt là cơ sở tại vùng sâu, vùng xa, vùng công nghiệp chậm phát triển để có giải pháp hỗ trợ cũng là bài toán khó của khuyến công Đồng Nai.

Tìm giải pháp cho trở ngại trên, Sở Công Thương Đồng Nai đã hoàn thành việc xây dựng và lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Đề án "Thành lập và duy trì mạng lưới cộng tác viên khuyến công tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019-2025". Đề án đã đưa ra phương án khả thi cho xây dựng đội ngũ cộng tác viên khuyến công.

Theo đó, trong năm 2019, tỉnh sẽ thành lập và duy trì thí điểm mạng lưới cộng tác viên khuyến công với số lượng 11 người, bố trí tại 11 phòng kinh tế, kinh tế - hạ tầng của các huyện, thị xã Long Khánh, TP. Biên Hòa. Từ năm 2020 - 2025, số lượng cộng tác viên là 63 người, gồm: 11 cộng tác viên cấp huyện; 52 cộng tác viên cấp xã bố trí tại 52 xã, phường, thị trấn cần tăng cường hoạt động khuyến công. Kinh phí thực hiện phương án này là trên 6,472 tỷ đồng.

Phương án này có nhiều ưu điểm khi giảm được số lượng cộng tác viên khuyến công, tận dụng nguồn lực tại chỗ phục vụ cho công tác khuyến công khi chỉ bố trí cộng tác viên tại những địa bàn trọng tâm, trọng điểm; tiết kiệm chi phí thành lập và duy trì hoạt động mạng lưới cộng tác viên khuyến công. Hạn chế của phương án là: Cộng tác viên khuyến công khó thiết lập mối quan hệ và triển khai công việc ở nhiều địa bàn do không phải người địa phương; phải sử dụng cộng tác viên cấp huyện để nắm bắt thông tin nhu cầu khuyến công tại các xã, phường, thị trấn làm gia tăng áp lực công việc. Tuy vậy, xét ở bối cảnh hiện tại về nhu cầu, thực trạng phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn các huyện, thị trấn và khả năng bố trí ngân sách địa phương, phương án này vẫn được nhận định khả thi trong triển khai, thực hiện.

Bên cạnh việc xây dựng cơ cấu tổ chức, trong đề án, Sở Công Thương Đồng Nai cũng đã xây dựng kế hoạch cho công tác đào tạo, tập huấn với 3 lớp nghiệp vụ khuyến công; tổ chức hội nghị ra mắt nhằm sớm đưa mạng lưới cộng tác viên khuyến công vào triển khai công việc. (Web congthuong)

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news