Khuyến công
LÊ KHẮC KHAM NGƯỜI THỢ GIỎI NGHỀ MỘC CỦA HUYỆN CẨM MỸ

Theo chỉ dẫn của chủ cơ sở mộc Huy Tình (huyện Cẩm Mỹ) chúng tôi tìm đến anh Lê Khắc Kham, người được UBND tỉnh Đồng Nai tôn vinh thợ giỏi nghề Mộc năm 2013.

 Anh Kham cho biết, quê anh ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, thuở nhỏ anh học rất giỏi nhưng do gia đình nghèo khó, cố gắng mãi nhưng đến năm học lớp 10 anh đành phải bỏ dở dang việc học. Năm 17 tuổi anh theo các chị vào học nghề ở tỉnh Đồng Nai, anh học qua đủ các nghề nhưng cuối cùng nghề mà anh gắn bó nhất lại là nghề mộc. Nói về nghề mộc – anh Kham cho biết, anh không theo học nghề với thầy mà do yêu thích làm mộc nên anh tự tìm hiểu và bắt chước đóng những bộ bàn ghế đơn giản. Lúc đầu anh chỉ đóng cho gia đình sử dụng, sau những người hàng xóm nhờ đóng giúp, tay nghề của anh ngày càng được nâng lên, có nhiều người tìm đến anh đặt anh đóng những bộ bàn ghế và từ đó anh chuyển hẳn sang làm nghề mộc từ năm 1990. Sau 4 năm mở cơ sở mộc, việc sản xuất kinh doanh của anh Kham gặp nhiều khó khăn do vốn ít, máy móc thiết bị làm nghề cũ kỹ không đáp ứng kịp nhu cầu của khách trong việc lựa chọn sản phẩm. Năm 2004, cơ sở mộc của anh phải đóng cửa và anh chuyển sang làm thợ cho cơ sở mộc Huy Tình ở ấp Cẩm Sơn, xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ.

Vốn là người chịu khó lại tận tụy với công việc, khi chuyển về làm việc tại cơ sở mộc Huy Tình anh đã phải cố gắng rất nhiều. Vì anh làm nghề theo kinh nghiệm của bản thân, chưa được người giỏi nghề chỉ bảo nên sản phẩm của anh làm ra chỉ ở mức trung bình. Nhận ra điểm yếu của bản thân, trong quá trình làm việc anh luôn để ý, học hỏi kinh nghiệm của những người có tay nghề cao. Thấy anh là người biết cầu tiến, một số thợ có tay nghề giỏi của cơ sở đã nhiệt tình truyền cho anh kinh nghiệm để làm ra những sản phẩm đẹp, có chất lượng cao. Từ người thợ chỉ biết đóng những bộ bàn ghế đơn giản, tay nghề của anh đã được nâng cao. Sản phẩm của anh làm ra luôn làm vừa lòng khách hàng. Không bằng lòng với những kết quả đã đạt được, anh Kham chịu khó học thêm nghề mộc mỹ nghệ.

Anh tâm sự, những năm vừa qua, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới đời sống của người dân gặp khó khăn, việc tiêu thụ sản phẩm có phần hạn chế. Nhiều người làm nghề mộc đã phải từ bỏ nghề chuyển sang làm việc khác vì làm nghề mộc thu nhập lại không cao lại thường xuyên tiếp xúc với môi trường bụi, mùi keo dầu làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Cũng giống như nhiều đơn vị khác, cơ sở nơi anh làm việc cũng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, anh động viên và kêu gọi mọi người đoàn kết, cùng nhau tìm ra biện pháp khắc phục, đảm bảo thu nhập tiền lương hàng tháng cho anh em. Anh Kham cùng tập thể cơ sở mộc Huy Tình đưa ra phương án nâng cao chất lượng sản phẩm và làm tốt hơn nữa khâu phục vụ khách hàng. Với đôi tay khéo léo cộng với tính sáng tạo, anh cùng với những đồng nghiệp tại cơ sở đã tạo ra đa dạng sản phẩm có tính mỹ thuật cao, đó là những bộ bàn ghế salong, Lộc bình, tượng Phúc – Lộc – Thọ, tủ quần áo, tủ búp phê, cầu thang, tủ thờ, bàn thờ …số lượng sản phẩm bán ra ngày càng tăng, thu nhập của người lao động trong cơ sở dần ổn định. Trong việc đào tạo nghề cho lớp trẻ, anh được mọi người tín nhiệm giao trọng trách hướng dẫn cho các em. Anh tận tình hướng dẫn cho các em kỹ thuật làm nghề và chỉ cho các en biết làm thế nào để cho ra một sản phẩm đẹp. Ngoài thời gian làm việc tại cơ sở mộc Huy Tình, tối về anh còn làm thêm nghề điện tử để kiếm thêm thu nhập lo cho các con ăn học. Anh cho biết, các con anh học rất giỏi, cháu lớn đang học đại học năm thứ 2, cháu nhỏ đang học lớp 10. Kinh tế gia đình còn hạn hẹp nhưng anh chị sẽ cố gắng nuôi dưỡng các cháu ăn học thành tài để cuộc sống các cháu không phải khổ cực như cha mẹ.

Anh nói, làm nghề mộc trước đây chỉ biết đóng giường, đóng tủ và những bộ bàn ghế đơn thuần thì ngày nay người thợ mộc đồng thời cũng phải giống như nhà điêu khắc, họ còn phải biết làm ra những sản phẩm mang tính nghệ thuật cao. Rồi anh chỉ cho chúng tôi xem gian hàng trưng bày sản phẩm của cơ sở. Tôi chợt nghĩ - Đúng là làm mộc thời hiện đại./.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news