Khuyến công
THẦY ĐINH CÔNG LAI – NGƯỜI TRUYỀN LỬA CỦA NGHỀ GỐM

Nguyên là Trưởng khoa gốm trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai, nay đã nghỉ hưu nhưng thầy Đinh Công Lai ngày ngày vẫn miệt mài làm bạn với cái bàn xoay và đất. Trong tích tắc vài giây, với vài động tác nhanh gọn, thầy đã biến cục đất sét thô trở thành những tác phẩm duyên dáng và đẹp mắt. Hơn 40 năm làm nghề gốm Thầy đã sở hữu đến hàng ngàn tác phẩm. Những bình hoa, bộ tách trà, bộ chén hay cả những đàn heo ngộ nghĩnh sinh động đều toát lên vẻ đặc sắc từ khâu tạo dáng, chấm men đến khâu cuối cùng là nung lửa.

Theo lời thầy kể, điều duy nhất khiến Thầy bén duyên với nghề đó là sự đam mê. Ngay từ khi là sinh viên khoa gốm trường Mỹ nghệ Biên Hòa xưa, Thầy đã trở thành “bàn tay vàng” của khoa và đạt rất nhiều danh hiệu như “Thanh niên điển hình”, “Chiến sĩ thi đua” nhiều năm liền của tỉnh Đồng Nai. Tốt nghiệp thủ khoa năm 1976, Thầy được chọn vào làm việc tại xí nghiệp gốm Donaco. Bắt đầu từ công việc của người thợ xoay ống đũa, không bao lâu Thầy đã lên làm thợ chính xoay bình hoa. Chỉ cần cầm cục đất, thầy đã cảm ngay được là đủ hay thiếu, quăng cục đất vào bàn xoay kéo lên là vừa đủ cái bình, mọi điều chỉnh đều từ đôi tay, nhất là hai ngón tay cái luôn dính liền nhau trong lúc tạo hình là bí quyết tạo nên các dáng thế độc đáo của bình hoa. Sau 20 năm làm nghề tại xí nghiệp, thầy trở thành “vua xoay” của nghề gốm Biên Hòa, tiếp nối các bậc tiền nhân.

Đến năm 1996, Thầy được mời về giảng dạy tại trường Trung cấp Mỹ thuật trang trí Đồng Nai và tiếp tục hành trình truyền thụ những kỹ pháp tạo hình bằng bàn xoay cho sinh viên. Thầy dạy học trò của mình sự tâm huyết, tỉ mỉ, sáng tạo không rập khuôn và hơn nữa là trách nhiệm với nghề. Để tạo điều kiện phát triển sự sáng tạo, thầy và sinh viên của mình đã tham gia nhiều cuộc thi nhằm đúc kết rút kinh nghiệm và tham gia các cuộc triển lãm trưng bày sản phẩm ở các khu du lịch trong tỉnh và ngoài tỉnh như Quảng Ninh, TP. Hà Nội. Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, thầy Đinh Công Lai và các sinh viên khoa gốm của trường đều tham gia Cuộc thi “Sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” do Sở Công Thương tổ chức hàng năm và liên tục đạt nhiều giải thưởng cao.

Tuy nhiên, hiện nay nghề gốm dần như mai một, không thu hút được giới trẻ, số lượng sinh viên khoa gốm cũng giảm so với thời gian trước. Luôn đau đáu trong lòng có lỗi với các bậc tiền nhân khi không gìn giữ được nghề gốm vang danh có từ lâu đời của Biên Hòa, tuy vậy Thầy vẫn giữ và truyền cho sinh viên ngọn lửa đam mê với nghề và luôn tin rằng nghề gốm có lúc trầm thì sẽ có lúc bay bổng trở lại. Nghề gốm Biên Hòa gắn liền với lịch sử địa phương, từng lừng danh một thuở khắp trong và ngoài nước. Chính vì thế rất cần nhiều thế hệ như Thầy Đinh Công Lai để duy trì một dòng gốm mỹ thuật trang trí có sự giao kết hài hòa đường nét tạo hình và trang trí không dễ lẫn lộn với những dòng gốm khác trong bản đồ gốm Việt Nam.

Để bảo tồn và phát triển các ngành nghề thủ công mỹ nghệ nói chung và ngành gốm nói riêng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh đã quy hoạch cụm công nghiệp gốm Tân Hạnh và ban hành chính sách đặc thù của địa phương như hỗ trợ đầu tư hạ tầng, hỗ trợ di dời... và tích cực chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nhằm kịp thời khuyến khích tạo điều kiện cho các cơ sở ngành nghề thủ công mỹ nghệ duy trì và phát triển sản xuất./.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news