Khuyến công
THIẾT KẾ SÁNG TẠO SẢN PHẨM THỦ CÔNG MỸ NGHỆ, KHAI THÁC TIỀM NĂNG LỢI THẾ VÀ THỂ HIỂN BẢN SẮC VĂN HÓA CỦA ĐỊA PHƯƠNG

Theo số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai về sản xuất công nghiệp nông thôn, tính đến quý I năm 2019 trên địa bàn tỉnh có 518 cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ, trong đó có 436 hộ kinh doanh cá thể, 03 hợp tác xã, còn lại là doanh nghiệp. Tập trung nhiều nhất ở 03 nhóm ngành gỗ mỹ nghệ, gốm mỹ nghệ và mây tre đan với 419 cơ sở. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2018  đạt 68 triệu USD, đến hết quý I/2019 đạt 16,8 triệu USD, doanh thu 809 tỷ đồng.

 

Hội đồng Ban giám khảo chấm giải cuộc thị Sáng tạo Hàng thủ công mỹ nghệ tại Tỉnh Đồng Nai 2018

Do đặc thù của ngành thủ công mỹ nghệ chủ yếu sử dụng phương pháp thủ công trong quá trình sản xuất nên sản phẩm làm ra phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng, tay nghề của người thợ, kể cả việc sáng tác mẫu mã. Ngoại trừ một số doanh nghiệp ngành gốm, gỗ đã áp dụng mô hình công nghiệp có đội ngũ kỹ thuật thiết kế chuyên biệt (phương pháp công nghiệp) thì các cơ sở thủ công mỹ nghệ còn lại hầu hết đều do các nghệ nhân, thợ giỏi chịu trách nhiệm chế tác mẫu mã sản phẩm mới (phương pháp dân gian). Thiết kế công nghiệp có ưu điểm là thực hiện nhanh trên bản vẽ 2D hoặc 3D, dễ kiểm tra hiệu chỉnh trước khi hoàn chỉnh mẫu thiết kế, phù hợp với điều kiện sản xuất hàng loạt nhưng có nhược điểm là hạn chế yếu tố mỹ thuật dân gian. Người nghệ nhân, thợ giỏi khi chế tác thường đề cao tính mỹ thuật và kỹ thuật chế tác, điều nãy dễ dẫn đến khuynh hướng sáng tác độc bản, mang tính phô diễn là chính, khó áp dụng vào sản xuất hàng loạt. Trong tình hình hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ vẫn còn nhiều khó khăn, đó là sự cạnh tranh của những mặt hàng cùng loại được sản xuất bằng công nghệ hiện đại từ các nước trong khu vực. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn với du lịch còn ít; các cơ sở sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ chưa gắn với các tour du lịch để tăng cường giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, để sản phẩm thủ công mỹ nghệ có sức cạnh tranh cao, ngoài việc tổ chức quản lý sản xuất hợp lý còn cần phải khai thác hiệu quả và kết hợp hài hòa cả hai phương pháp thiết kế sáng tạo mẫu mã công nghiệp và dân gian. Tuy nhiên để thực hiện được điều này trước tiên cần phải thay đổi nhận thức của chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở và vai trò, tầm quan trọng của công tác thiết kế.

Cuộc thi sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai được tổ chức từ năm 2007 với tên gọi ban đầu là “Cuộc thi sáng tạo kiểu dáng hàng thủ công mỹ nghệ” trên cơ sở chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh Đồng Nai hàng năm, với mục đích là khuyến khích khả năng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công, các cơ sở công nghiệp nông thôn, những người yêu thích nghề thủ công mỹ nghệ tích cực tham gia sáng tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, mới lạ, có khả năng đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Năm 2015 UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 58/2015/QĐ-UBND ngày 28/12/2015 ban hành Quy định giải thưởng cuộc thi sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Cuộc thi được tổ chức định kỳ hàng năm đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, các tổ chức cá nhân có quan tâm đến lĩnh vực này gặp gỡ trao đổi, chia sẽ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội liên kết hợp tác trong lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

Đối tượng tham gia cuộc thi là các cá nhân, tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh, thành khác có nhu cầu tham gia cuộc thi, sinh viên chuyên ngành thiết kế, mỹ thuật đang theo học tại các trường trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm hướng đến của cuộc thi là: sản phẩm quà tặng, các sản phẩm lưu niệm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gốm, gỗ, mây tre đan, giấy…Từ 54 sản phẩm tham gia cuộc thi tổ chức lần đầu vào năm 2007, đến năm 2018 số sản phẩm tham gia cuộc thi “Sáng tạo kiểu dáng hàng thủ công mỹ nghệ” đã tăng lên 160 sản phẩm. Tiêu chí đánh giá bao gồm: tính sáng tạo, tính thẩm mỹ, kỹ thuật thể hiện và tính ứng dụng. Nếu như trong các cuộc thi đầu, tiêu chí sáng tạo và thẩm mỹ được đánh giá cao thì đến những cuộc thi về sau này, tiêu chí kỹ thuật thể hiện và tính ứng dụng mới là những tiêu chí được Ban Giám khảo quan tâm. Việc thiết kế thang điểm theo từng tiêu chí đã được tính toán kỹ nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các tổ chức, cá nhân về yêu cầu của sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn với sản xuất và thị hiếu người tiêu dùng.

Do yêu cầu bảo hộ mẫu mã trước khi đưa ra thị trường nên có nhiều mẫu thiết kế đáp ứng tốt các tiêu chí cuộc thi nhưng doanh nghiệp không thể tham gia, điều này phần nào hạn chế tính phong phú, đa dạng của sản phẩm dự thi. Tuy nhiên, thành công lớn nhất của các cuộc thi sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ là đã tạo được sự chuyển biến trong tư duy thiết kế của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ không chỉ trên phạm vi tỉnh Đồng Nai mà còn đến các tỉnh lân cận có sản phẩm tham gia cuộc thi.

Ảnh hưởng của cuộc thi được phản ánh qua những sản phẩm tham gia cuộc thi, từ kỹ thuật sáng tác cho đến chất liệu làm ra sản phẩm đã gắn với yêu cầu của thị trường và khả năng sản xuất với số lượng lớn. Các tiêu chí đánh giá của cuộc thi đã định hướng thiết kế, sáng tác mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các cơ sở, doanh nghiệp. Cuộc thi không chỉ là cơ hội để phô diễn kỹ năng thiết kế, sáng tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ mà còn là dịp để nhà sản xuất phát hiện những nhà thiết kế tiềm năng. Đối với ngành mây tre đan vốn vẫn được biết là phụ thuộc hoàn toàn vào khách hàng trong sáng tác mẫu mã thì hiện nay đã chủ động trong khâu thiết kế sản phẩm mới. Những đơn vị có chuyển biến tốt trong việc phát triển hoạt động thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thể kể đến như: Khoa gốm Trường Cao đẳng trang trí Mỹ thuật Đồng Nai, Gỗ mỹ nghệ Thành Nhân, gỗ mỹ nghệ Nguyễn Đựng, Cơ sở Tranh gạo Thái Hoàng...

Hiện nay, Sở Công Thương đang tham mưu UBND tỉnh về Quy định giải thưởng Cuộc thi sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai phù hợp với quy định của Trung Ương và tình hình thực tế của địa phương.

Trong xu hướng hiện nay, thiết kế sáng tạo chính là giải pháp đột phá phát triển thị trường hàng thủ công mỹ nghệ. Đầu tư cho thiết kế sáng tạo đúng mức sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường không chỉ trong nước mà cả thị trường xuất khẩu, khai thác được tiềm năng lợi thế của từng địa phương, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news