Khuyến công
CÂU CHUYỆN KHUYẾN CÔNG

Những năm qua, công tác khuyến công tỉnh Đồng Nai đã khẳng định được vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT), thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động tại các địa phương trong tỉnh.
Thời gian qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh được đánh giá là đã bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình khuyến công từng giai đoạn. Nội dung hoạt động  khuyến công cụ thể, rõ ràng phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp, cơ sở CNNT như: Đào tạo nghề, truyền nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu; hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm CNNT; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp,…  Thông qua các chương trình khuyến công đã khuyến khích các cơ sở CNNT thúc đẩy sản xuất, đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ,...
 

Theo cách hiểu phổ biến, khuyến công là tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tiếp cận với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thông tin về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân thấy rõ hơn vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để từ đó tin tưởng hơn vào đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.
Theo số liệu Cục Thống kê Đồng Nai, tổng số cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2021 là 9.795 cơ sở, trong đó hộ kinh doanh chiếm 85,57% trong tổng số CSCNNT. Do phần lớn hoạt động ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh chỉ lo sản xuất, chưa chú trọng tới việc cập nhật thông tin về chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công và các dữ liệu thông tin khác có lợi cho việc sản xuất kinh doanh của cơ sở CNNT mà chương trình khuyến công mang lại. 
Thực trạng chung là các cơ sở CNNT tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tồn tại và phát triển tự phát, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết về kinh tế và kỹ thuật; công nghệ lạc hậu, cũ kỹ; trình độ quản lý, năng lực tài chính hạn chế; thị trường nhỏ hẹp và khả năng cạnh tranh không cao…Vì vậy, rất cần những tác động nhằm phát huy cao nội lực của cơ sở CNNT đồng thời tăng mạnh sự chia sẻ, hỗ trợ, tiếp sức của Nhà nước để khuyến khích cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư, đổi mới dây chuyền thiết bị sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết, mở rộng thị trường, tạo việc làm, nâng cao hiệu suất lao động; khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập mới doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất. 
 

Xưởng sản xuất công ty TNHH Tương Lai

Để chính sách khuyến công thực sự đi vào cuộc sống, công tác khuyến công cần lấy cơ sở CNNT làm trọng tâm. Việc hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước qua việc khảo sát, đánh giá một cách đầy đủ và có sự hỗ trợ kịp thời theo kiểu “bệnh gì có thuốc đó” sẽ giúp cho cơ sở CNNT từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế và “sống khỏe” hơn trên thị trường.
Trước hết, cán bộ khuyến công cần phải đặt mình vào vị trí cơ sở CNNT để thấu hiểu nhu cầu của các cơ sở CNNT, phải tiến hành các khảo sát mới có thể đánh giá được đúng nhu cầu của họ và là cơ sở để tư vấn cho cơ sở CNNT hiểu và đón nhận những ưu đãi chính sách từ Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành và địa phương, khuyến khích động viên cơ sở CNNT phát triển sản xuất, kinh doanh góp phần phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững.
Công tác khuyến công cần đến những cán bộ chịu khó tìm tòi, nghiên cứu để nắm vững đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và có khả năng triển khai các chủ trương trên vào công việc. Bên cạnh vận động, thuyết phục còn phải sẵn lòng cầu thị, lắng nghe ý kiến, phản hồi từ cơ sở CNNT để liên tục cập nhật, điều chỉnh quá trình triển khai công tác khuyến công cho phù hợp.
Trong thực tế, các cơ sở CNNT thường ngại tiếp cận chính sách của Nhà nước vì lo thủ tục rườm rà, sợ những phiền hà, rắc rối không mong muốn phát sinh nên không muốn tiếp xúc với cán bộ đến làm việc hay tuyên truyền, vận động. Vì vậy, người cán bộ khuyến công lại càng phải khéo léo tiếp cận cơ sở CNNT để hiểu được tâm tư của họ để có thể tư vấn, hỗ trợ khi cần thiết.
Khi cơ sở CNNT được động viên, khuyến khích kịp thời sẽ phấn khởi, có niềm tin vào chính sách của Nhà nước, công tác khuyến công sẽ gặp nhiều thuận lợi. Còn khi cơ sở CNNT thiếu niềm tin vào chính sách, niềm tin với cán bộ khuyến công, công tác khuyến công khó lòng được triển khai sâu rộng.
Ngày 17/3/2022, tại Hội trường Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp (Trung tâm) đã diễn ra Lễ ra mắt mạng lưới cộng tác viên khuyến công giai đoạn II (2022-2025) với tổng số cộng tác viên lên đến 65 người. Đây là lực lượng hỗ trợ Trung tâm triển khai hoạt động khuyến công đến cấp xã trong điều kiện không có chi nhánh tại các huyện, thành phố. Nhân dịp này, Trung tâm cũng triển khai tập huấn nghiệp vụ khuyến công cho các cộng tác viên. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực tuyên truyền, phổ biến chính sách khuyến công cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên khuyến công chính là xây dựng nguồn nhân lực góp phần thực hiện hiệu quả chính sách khuyến công. Qua đó, gắn nhiệm vụ và trách nhiệm của các đối tượng đang hoạt động trong lĩnh vực khuyến công trong việc tổ chức thực hiện, nắm được mục tiêu, giải pháp để thi hành chính sách.
Công việc của cộng tác viên ngoài phương diện cộng tác còn hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương về khuyến công. Để đảm bảo sự tham gia thực sự của các thành phần trong triển khai hoạt động khuyến công đến cấp xã, cần duy trì và quản lý tốt mối quan hệ của mạng lưới cộng tác viên với các cơ sở CNNT. Điều này đòi hỏi mỗi cộng tác viên phải thuần thục và sử dụng hiệu quả các kỹ năng tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về khuyến công đến cơ sở CNNT.  
Với tầm nhìn dài hạn hơn, bên cạnh những công việc đang được thực hiện tốt, công tác khuyến công cần tham khảo những mô hình hoạt động hiệu quả, từng bước điều chỉnh cách thức tiếp cận cơ sở CNNT theo hướng đa chức năng, đa mục tiêu, huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế./. 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news