Khuyến công
CỤM NGHỀ TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP GÓP PHẦN GIỮ GÌN VÀ PHÁT TRIỂN NGHỀ TRUYỀN THỐNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

 

Thi công hạ tầng cụm nghề đúc gang tại xã Tân An huyện Vĩnh Cửu

Trong những năm qua, nhờ có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, số lượng cơ sở/doanh nghiệp công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh nói chung và cơ sở/doanh nghiệp nghể truyền thống nói riêng đã không ngừng phát triển về cả quy mô và số lượng. Hoạt động của các cơ sở/doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, nghề truyền thống ngày càng đa dạng về dịch vụ, về chủng loại sản phẩm và đồng thời mở rộng sang nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều cơ sở/doanh nghiệp đã từng bước ổn định và tập trung đầu tư sâu vào các lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu như: Gỗ mỹ nghệ trang trí, gỗ nội thất; hàng mây tre đan; vật liệu cơ khí …. với quy mô ngày càng lớn, giải quyết đáng kể một bộ phận lao động nông thôn, giúp đời sống kinh tế của bà con vùng xâu vùng xa ngày càng sát với đời sống kinh tế của người dân thành thị, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.

Tuy nhiên, hoạt động của các cơ sở/doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, nghể truyền thống ở Đồng Nai cũng gặp không ít khó khăn, nhất là về năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế do phần lớn doanh nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu, chưa khẳng định được uy tín trên thị trường. Địa điểm sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hầu hết là tự phát, phân tán, thiếu tập trung, chưa có quy hoạch để định hướng sản xuất quy mô lớn, nguồn vốn tự có của các cơ sở, doanh nghiệp tuy có tăng lên, song chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh thực tiễn. Việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng còn gặp nhiều khó khăn nên việc đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, trong hoạt động thương mại cũng gặp nhiều bất cập. Ðội ngũ quản lý doanh nghiệp mới thành lập tuy có trình độ song chưa được đào tạo bài bản và chưa được tập hợp vào các tổ chức Hội, Hiệp hội nghề nghiệp hoặc Hội Doanh nhân nên khả năng điều hành doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Xác định mục tiêu là đồng hành cùng với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển sản xuất, Tỉnh đã ban hành các Quyết định như:   Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 28/2/2007 về phê duyệt Đề án “Khôi phục và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 – 2010”; Quyết định số 3719/QĐ-UBND ngày 15/12/2009 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2008-2015 và tầm nhìn đến năm 2020; Quyết định số 44/2014/QĐ-UBND ngày 06/10/2014 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành quy định quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh Đồng Nai; Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND ngày 19/5/2016 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành quy định trình tự, thủ tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020….Theo đó một số Đề án duy trì và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt đặt ra mục tiêu hình thành các cụm nghề để bố trí di dời các cơ sở/doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm hoặc cần mặt bằng lớn để tập kết hàng hóa. Chính sách hỗ trợ hạ tầng các cụm nghề vận dụng từ chính sách hỗ trợ hạ tầng làng nghề theo Thông tư số 113/2006/TT-BTC ngày 28/12/2006 của Bộ Tài chính về hướng dẫn một số nội dung về nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 60% vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cụm nghề trực tiếp cho các cơ sở/doanh nghiệp đầu tư vào cụm, 40% còn lại các cơ sở/doanh nghiệp tự đóng góp. Ngoài ra, các cơ sở/doanh nghiệp còn được hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các cơ sở/doanh nghiệp di dời vào cụm (hỗ trợ sau khi cơ sở công nghiệp nông thôn đã hoàn thành việc đầu tư) áp dụng theo Quyết định số 44/2014/QĐ-UBND ngày 06/10/2014 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành Quy định quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh Đồng Nai. Mức hỗ trợ tối đa 50% lãi suất cho các khoản vay để đầu tư nhà, xưởng, máy móc thiết bị trong 02 năm đầu nhưng không quá 500 triệu đồng/cơ sở.
Thực hiện các Quyết định hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của tỉnh, được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Hàng năm Trung tâm Khuyến công đã tích cực tổ chức phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp như: tư vấn, hỗ trợ lập dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng, giới thiệu các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp; tư vấn xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đầu tư mở rộng sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh từng bước đưa doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm, giảm bớt chi phí và tăng thêm lợi nhuận. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như: hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ; tổ chức khảo sát, tìm hiểu thị trường và đối tác kinh doanh, học hỏi kinh nghiệm về phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống. Sự hỗ trợ tích cực của chương trình khuyến công đã giúp không ít cơ sở công nghiệp nông thôn dần đổi mới đưa công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến vào trong sản xuất, bước đầu đã giúp cơ sở/doanh nghiệp công nghiệp nông thôn ổn định và phát huy nguồn lực phát triển sản xuất , khai thác được lợi thế của địa phương và tạo nhiều việc làm cho người lao động. Góp phần giúp các địa phương chuyển dịch dần cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp và thực hiện xây dựng nông thôn mới. Bằng nhiều phương cách khác nhau, Trung tâm Khuyến công thường xuyên quan hệ, gặp gỡ trao đổi với các cơ sở/doanh nghiệp công nghiệp nông thôn nói riêng và doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh nói chung nhằm đồng hành, lắng nghe và chia sẻ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, để hỗ trợ và đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, từng bước thúc đẩy công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển theo hướng hiện đại.
Xác định mục tiêu là tiếp tục duy trì, phát triển và bảo tồn các nghề truyền thống thông qua việc đầu tư mở rộng sản xuất thân thiện với môi trường, tạo ra những sản phẩm có nét văn hoá độc đáo riêng của từng địa phương, gắn với phát triển du lịch, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công phối hợp với các địa phương và cơ sở/doanh nghiệp nơi có dự án xây dựng cụm nghề đã hoàn thành xây dựng hạ tầng đẩy nhanh tiến độ vận động, di dời các cơ sở/doanh nghiệp đầu tư sản xuất vào cụm, cụ thể các Cụm đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật gồm có:  cụm nghề gỗ mỹ nghệ huyện Trảng Bom, cụm nghề mây tre đan huyện Định Quán, cụm nghề đúc gang huyện Vĩnh Cửu. Đồng thời xây dựng kế hoạch hỗ trợ đào tạo về khởi sự doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp và đào tạo nghề cho lao động, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cũng như tiếp cận các tiến bộ của khoa học nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các cơ sở/doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, nghề truyền thống, từng bước ổn định và phát huy hiệu quả sản xuất./.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news