Khuyến công
Đồng Nai: Chú trọng các cuộc thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm
Theo thống kê, toàn tỉnh Đồng Nai hiện nay có khoảng 19.091 cơ sở thực phẩm, trong đó có 1.244 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; 2.909 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 14.938 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.
 
Đồng Nai: Chú trọng các cuộc thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm

Đồng Nai với vị trí là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dân số hơn 3 triệu người, có 34 khu công nghiệp tập trung với hơn 800 doanh nghiệp, thu hút trên 1 triệu lao động, thu nhập bình quân của người lao động cao hơn so với mức thu nhập bình quân chung của cả nước.Thời gian qua, trên địa bàn Đồng Nai các loại hình cơ sở thực phẩm của phát triển nhanh, đa dạng, điều này đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó thách thức lớn nhất là vấn đề ngộ độc thực phẩm vẫn chưa có giải pháp kiểm soát căn cơ.

Trong năm 2021 tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng toàn tỉnh thực hiện thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm 14.098 lượt cơ sở, số cơ sở vi phạm là 2.421 cơ sở, số cơ sở bị xử lý là 458 cơ sở với tổng số tiền phạt 2.690.698.000 đồng.

6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra ATTP: 8.802 cơ sở, vi phạm 785 cơ sở chiếm tỉ lệ 8,9%, số cơ sở vi phạm bị xử lý là 225 cơ sở với tổng số tiền phạt là 1.399.162.280 đồng. Trong đó, ngành y tế đã kiểm tra ATTP 7.629 cơ sở. Số cơ sở đạt là 7.321 cơ sở, chiếm tỉ lệ 95,96%.

Số cơ sở vi phạm là 308 cơ sở, chiếm tỉ lệ 4,04%. Số cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính là 25 cơ sở với tổng số tiền phạt 228.650.000 đồng (riêng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã kiểm tra 43 cơ sở, phát hiện và xử lý 16 cơ sở, số tiền phạt là 182.800.000 đồng, tiêu hủy nhiều loại hàng hóa vi phạm).

Có thể nói, công tác thanh tra, kiểm tra góp phần tích cực trong việc phát hiện, xử lý, chấn chỉnh các vi phạm về an toàn thực phẩm góp phần từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Ý thưc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và người dân không ngừng được nâng cao. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo đảm ATTP nói chung và công tác thanh tra, kiểm tra nói riêng vẫn còn nhiều những tồn tại và hạn chế. Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm với 05 người mắc.

Mặt khác, việc xử lý vi phạm hành chính tại một số địa phương chưa kiên quyết, đặc biệt là cấp xã kiểm tra nhiều nhưng hầu như không xử phạt chủ yếu nhắc nhở, nguyên nhân là do nhân lực làm công tác ATTP còn mỏng, chưa đủ mạnh, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, tuyến xã không có cán bộ chuyên trách chủ yếu là kiêm nhiệm nên hiệu quả mang lại chưa cao.

Bên cạnh đó, các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đa phần là nhỏ lẻ, mang tính chất hộ gia đình, điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt, các nguy cơ tiềm ẩn gây ngộ độc thực phẩm hàng loạt và bệnh truyền qua đường thực phẩm vẫn còn tồn tại.

Qua thực tế kiểm tra, cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai nhận thấy, hệ thống pháp luật về ATTP chưa thống nhất và đồng bộ với các luật khác; hay khi triển khai Luật ATTP còn gặp phải các khó khăn vướng mắc như các quy định các nhóm sản phẩm phải thực hiện công bố sản phẩm hay tự công bố sản phẩm; các quy định về giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP cho chủ cơ sở và người chế biến thực phẩm chưa cụ thể, chưa thống nhất giữa các Bộ.

Từ những thực tế trên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai cho rằng, việc phân cấp, phân công quản lý cần chú trọng bảo đảm nguồn nhân lực của các cấp (tỉnh, huyện, xã), các ngành (Y tế, Nông nghiệp và Công Thương) để tạo hiệu quả cao nhất cho quá trình thực thi Luật ATTP. Sau khi Quốc hội ban hành Luật, Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết, mỗi ngành chỉ ban hành một văn bản quy định điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, hạn chế ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu liên kết, lãnh phí nguồn lực.

Rà soát các khái niệm, các quy định của các Luật liên quan để tạo sự thống nhất khi triển khai, việc giải thích các thuật ngữ trong Luật cần định nghĩa một cách rõ nghĩa như: Cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, cơ sở sản xuất ban đầu, chỉ tiêu ATTP, chỉ tiêu chất lượng ATTP, cửa hàng kinh doanh…

Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đảm bảo an toàn thực phẩm. Xác định rõ tầm quan trọng của công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật cần đi trước một bước.

Nâng cao hiệu quả các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về ATTP và xử lý nghiêm vi phạm về ATTP. Trong thực tế, có không ít các cuộc thanh tra, kiểm tra đánh giá cơ sở chấp hành tốt các quy định về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ, con người nhưng khi lấy mẫu để đánh giá chất lượng sản phẩm thì kết quả kiểm nghiệm không đạt yêu cầu. Do đó, cần xác định thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm phải dựa trên bằng chứng là kết quả đánh giá nguy cơ của sản phẩm hay nhóm sản phẩm chứ không phải là giấy tờ hành chính thuần tuý. Do đó, bên cạnh việc tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, cần phải chú trọng hơn trong việc nâng cao hiệu quả các cuộc thanh tra, kiểm tra ATTP.

Triển khai có hiệu quả mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, chợ kinh doanh thực phẩm an toàn, ban hành tiêu chuẩn về chợ kinh doanh thực phẩm. Đây sẽ là tiền đề để có thực phẩm an toàn cung cấp cho các bếp ăn tập thể và người dân.

Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác ATTP, đặc biệt là nghiệp vụ về điều tra và xử lý ngộ độc thực phẩm.(tapchicongthuong)

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news