Khuyến công
Giải pháp phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020

Năm năm qua, tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn thách thức, nhất là suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng, hoàn thành khá toàn diện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra như: chỉ số GRDP tăng bình quân mỗi năm 12%, cao hơn so với mức tăng bình quân chung cả nước và một số địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng giảm nhẹ ngành công nghiệp - xây dựng và phát triển mạnh các ngành dịch vụ; GRDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 3.089 USD, tăng hơn 2 lần so với năm 2010.


Trong những năm tới, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, để thực hiện hóa mục tiêu trên, cần xây dựng các giải pháp mang  tính đột phá đối với việc phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ. 
1. Đối với việc phát triển công nghiệp trong giai đoạn 2016-2020.
Thứ nhất, tập trung đầu tư và thu hút đầu tư 
- Đẩy mạnh việc thu hút các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nâng cao giá trị gia tăng các ngành công nghiệp; tăng cường công tác quản lý nhà nước, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính, minh bạch hóa cơ chế, chính sách; tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất, mặt bằng đất đai và hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Triển khai nhanh khu công nghệ cao Long Thành, Trung tâm công nghệ sinh học và Khu liên hợp công nông nghiệp để mời gọi các dự án có công nghệ cao và ứng dụng công nghệ sinh học. Rà soát các Khu công nghiệp đã hoạt động từ nhiều năm trước để có biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp này đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu. 
- Tiếp tục triển khai việc đầu tư các cụm công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề nông thôn theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa bàn nông thôn. 
- Tập trung thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng để mời gọi, thu hút nhà đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng bên trong khu, cụm công nghiệp, nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp. 
- Tổ chức rà soát thu hút đầu tư đối với những khu, cụm công nghiệp chưa lấp đầy, tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc đối với các dự án đầu tư mới theo hướng ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao, dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. 
Thứ hai, tập trung phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ
Để góp phần kéo giảm tình hình nhập siêu (đặc biệt là nhập siêu từ Trung Quốc) yêu cầu bức thiết là phát triển nhanh công nghiệp hỗ trợ, đây là tiền đề bảo đảm phát triển công nghiệp bền vững. Tỉnh Đồng Nai mặc dù đã được Chính phủ chấp thuận thực hiện thí điểm thành lập 03 phân khu công nghiệp hỗ trợ trong các khu công nghiệp Giang Điền, Nhơn Trạch 6 và An Phước. Tuy nhiên đến nay, 03 phân khu công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa được hình thành. Để có thể phát triển mạnh hơn nữa công nghiệp hỗ trợ  trong giai đoạn tới theo đúng định hướng đề ra, cần thực hiện các giải pháp như:
- Tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng 03 phân khu công nghiệp chuyên sâu công nghiệp hỗ trợ đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thành lập. Đầu tư xây dựng nhà xưởng với nhiều quy cách khác nhau để các nhà đầu tư công nghiệp hỗ trợ có nhu cầu thuê diện tích nhỏ trong các khu công nghiệp với giá hợp lý, phù hợp với đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Có chính sách ưu đãi đặc thù đối với các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các phân khu công nghiệp hỗ trợ. Ưu tiên hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
- Đa dạng hoá trong hợp tác, liên doanh liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài để cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Chú trọng liên doanh, liên kết dưới dạng đối tác chiến lược, doanh nghiệp vệ tinh, chuyển nhượng bản quyền, thương hiệu...
- Tăng cường công tác xúc tiến thương mại - đầu tư hướng vào các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Đài Loan, Asean…, các đối tác có tiềm lực về công nghệ, tài chính. Xúc tiến đầu tư thông qua các kênh thông tin, các hiệp hội, các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại Đồng Nai, chủ động tìm kiếm và làm việc với một số nhà đầu tư có tiềm năng để mời gọi đầu tư theo đúng danh mục ưu tiên của tỉnh về phát triển công nghiệp hỗ trợ.


Thứ ba, giải pháp về thị trường
- Thực hiện có hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại hàng năm của tỉnh, chú trọng xúc tiến thương mại ngoài nước, mở rộng thị trường nước ngoài, khuyến khích các doanh nghiệp thâm nhập thị trường mới và xuất khẩu các mặt hàng mới, mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Liên kết với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hợp tác tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, tham gia các hoạt động phát triển thị trường thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. 
- Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghệ cao. Mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chú trọng thị trường truyền thống và thị trường mới có nhiều tiềm năng... 
- Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng mối liên kết chặt chẽ trong việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, cung cấp nguyên vật liệu. 
 Thứ tư, giải pháp về nâng cao khả năng cạnh tranh ngành
- Tập trung chuyển đổi cơ cấu ngành hợp lý, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tập trung phát triển các ngành có hàm lượng công nghệ cao, tỷ trọng giá trị tăng cao, có lợi thế so sánh, từng bước giảm tỷ trọng các ngành gia công, sơ chế và khai thác tài nguyên. Ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài đối với các dự án đầu tư sản xuất có hàm lượng công nghệ cao, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, thiết bị, nhằm nâng tỷ lệ đổi mới công nghệ trong sản xuất, áp dụng công nghệ hiện đại, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao. 
- Tập trung hoàn thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, vốn đầu tư.... Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm chất lượng và đồng bộ; tập trung triển khai nhanh các dự án kết cấu hạ tầng mang tính trọng điểm, có sức lan tỏa cao làm nền tảng cho phát triển công nghiệp. Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển các hoạt động logistic (kho bãi, cầu cảng, dịch vụ vận chuyển, hậu cần) tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm bớt chi phí. 
2. Đối với việc phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016 – 2020.
Thứ nhất, Phát triển thương mại nội địa kết hợp các loại hình thương mại truyền thống và thương mại hiện đại, phù hợp với từng địa bàn đô thị, nông thôn, vùng sâu vùng xa. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 10,5- 12%/năm trong giai đoạn 2016- 2020
- Huy động đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng thương mại, ưu tiên xây dựng hệ thống kho, bãi lưu giữ, trung chuyển hàng hóa, hệ thống kho lạnh bảo quản nông sản, thực phẩm, hệ thống kho chứa xăng, dầu, khí hóa lỏng dầu mỏ; xây dựng các chợ đầu mối nông sản, chợ bán buôn kết hợp sàn giao dịch, đấu giá nông sản; khuyến khích phát triển mạng lưới siêu thị về các thị trấn, khu đô thị mới, khu vực tập trung người lao động ở các khu công nghiệp. Mở rộng mạng lưới đại lý kinh doanh xăng dầu, cung ứng vật tư về các vùng nông thôn. 
- Đầu tư xây dựng, chỉnh trang một số tuyến trung tâm của thành phố Biên Hòa thành các khu phố thương mại, thu hút đầu tư xây dựng các Trung tâm văn phòng giao dịch thương mại, Trung tâm thương mại, Trung tâm siêu thị, hiện đại ở các khu vực thuộc thành phố Biên Hòa, Long Khánh, Nhơn Trạch, Long Thành. Định hướng bố trí phát triển hệ thống Trung tâm thương mại, siêu thị trong khu vực nội thị thành phố Biên Hòa chủ yếu là Trung tâm thương mại hạng I, hạng II, siêu thị hạng I, siêu thị chuyên ngành nông sản, rau củ quả... để đưa thành phố Biên Hòa thành trung tâm thương mại lớn, đầu mối giao lưu hàng hóa tổ chức các kênh phân phối hàng hóa có qui mô cấp vùng. Phát triển các Trung tâm thương mại hạng II, hạng III, siêu thị hạng II, hạng III, chợ đầu mối trái cây, siêu thị, cửa hàng gắn với trạm dừng chân...ở các đô thị trung tâm tiểu vùng, trung tâm huyện trong tỉnh. Triển khai chuyển đổi KCN Biên Hòa I thành khu đô thị thương mại dịch vụ lớn của thành phố Biên Hòa. 
- Rà soát, dành quỹ đất cho xây dựng mạng lưới chợ, từng bước xóa bỏ chợ tạm, nâng cấp, chỉnh trang xây dựng các chợ trung tâm huyện, thị xã, các chợ ở thành phố Biên Hòa đạt đủ các tiêu chuẩn chợ hạng 1, chợ hạng 2 theo hướng văn minh, văn hóa. Phát triển mạng lưới chợ đến 2020, toàn tỉnh có khoảng 8- 9 chợ hạng 1; 31- 33 chợ hạng 2; 170- 175 chợ hạng 3. 
- Bổ sung cơ chế chính sách phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yếu về các vùng sâu, vùng miền núi. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển mạng lưới cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch, an toàn có truy xuất nguồn gốc ở các khu vực đô thị. Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng và quảng bá thương hiệu hàng hoá, sản phẩm của địa phương ra trong và ngoài nước. 
 - Xây dựng hệ thống thông tin dự báo thị trường nông sản phục vụ nông dân sản xuất, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm Thông tin triển lãm tỉnh làm đầu mối tổ chức các hoạt động thông tin, triển lãm, hội chợ, hội thảo, quảng bá sản phẩm của địa phương và các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Tăng cường các biện pháp giám sát tạo môi trường kinh doanh thương mại lành mạnh, thu hút các thành phần kinh tế tham gia; kiểm soát chặt chẽ chống hàng giả, hàng lậu, đầu cơ tăng giá các mặt hàng thiết yếu. 
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển xuất khẩu, phấn đấu đến năm 2020 kim ngạch xuất đạt 22,5 tỷ (tăng bình quân 10-11%/năm) đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Đổi mới công tác tổ chức xúc tiến thương mại, áp dụng các hình thức xúc tiến thương mại hiện đại như marketing điện tử, khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các mặt hàng xuất khẩu xây dựng website nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thị trường. Duy trì các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường truyền thống như Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc... đồng thời, mở rộng xúc tiến thương mại khai thác các thị trường có nhu cầu lớn về các loại nông sản, hàng hóa phù hợp với đặc điểm, điều kiện sản xuất của tỉnh như Hoa Kỳ, Nhật, EU, Hàn Quốc, Trung Đông, Nga, Ấn Độ. 


- Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về sản phẩm và năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và dự báo nhu cầu ở một số thị trường xuất khẩu trọng điểm đối với những sản phẩm xuất khẩu chủ lực, mũi nhọn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, thu thập, tổng hợp và cung cấp thông tin thị trường trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp địa phương. 
- Tổ chức các hoạt động giao thương, hội nghị, hội chợ, triển lãm để kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn với các doanh nghiệp trong, ngoài nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng sản phẩm trong nước và quốc tế. Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản, thực phẩm liên kết chặt chẽ với người sản xuất cung ứng nguyên liệu để thực hiện các quy trình sản xuất sạch, an toàn và có truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu phổ biến của các nước nhập khẩu; đồng thời cũng là giấy thông hành vào các thị trường cao cấp. 
- Kết hợp các biện pháp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng gia tăng xuất khẩu những mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng lớn, tỷ lệ nội địa hóa cao, các sản phẩm nông sản chế biến sâu, sản phẩm công nghệ cao, hạn chế tối đa xuất khẩu nguyên liệu và sản phẩm thô. Giảm nhập khẩu phụ liệu, tăng nhập khẩu vật tư, thiết bị máy móc và công nghệ tiên tiến, kiểm soát cơ cấu hàng nhập khẩu trong tiến trình hội nhập kinh tế, từng bước hạn chế nhập siêu, tiến đến xuất siêu trong giai đoạn 2016- 2020. 
- Việt Nam đã tham gia một số hiệp định thương mại quan trọng với các nước và sẽ tiếp tục tham gia các hiệp định thương mại khác trong năm tới. Để năng cao khả năng cạnh tranh một số sản phẩm công/nông nghiệp của tỉnh, cần tập trung rà soát, xác định các mặt hàng chủ lực của tỉnh để có biện pháp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm trên.
Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thương mạị
- Khuyến khích khu vực doanh nghiệp FDI, các tập đoàn phân phối lớn liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong nước xây dựng và phát triển hệ thống phân phối hiện đại, từ đó tăng cường khả năng mở rộng thị trường ra thế giới cho các hàng hoá và dịch vụ có lợi thế của Đồng Nai.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại phát triển liên kết kinh doanh trong và ngoài nước để trở thành bạn hàng hợp tác chiến lược, phát huy ưu thế các bên, cùng nhau khai thác thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là liên kết với các doanh nghiệp công nghiệp có ưu thế khai thác thị trường quốc tế, tích cực mở rộng hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại dịch vụ quốc tế. Thúc đẩy các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ tiếp thu các kỹ thuật quản lý kinh doanh và kinh nghiệm tiên tiến của nước ngoài.
Trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2011-2015, trong thời gian tới ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ sẽ phát huy được vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ X Đảng bộ tỉnh đề ra./. BTkhuyencong2015

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news