Khuyến công
HOẠT ĐỘNG KHUYẾN CÔNG GẮN VỚI CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU CÔNG NGHIỆP CỦA TỈNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015.
Hoạt động khuyến công trong những năm qua được sự quan tâm của UBND tỉnh Đồng Nai và các cấp, các ngành đã tạo điều kiện thuận lợi để Trung tâm Khuyến công xây dựng, tổ chức triển khai các chương trình, đề án khuyến công, các đề án phát triển ngành nghề công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp và Chương trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015, đã góp phần hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn tồn tại trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong những năm qua, hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh nói riêng ngày càng phát triển đa dạng về dịch vụ, về chủng loại sản phẩm và mở rộng sang nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của địa phương. Nếu trước đây, hoạt động của các doanh nghiệp chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị, các khu vực có hệ thống giao thông thuận lợi các khu công nghiệp tập trung đông dân cư, thì nay doanh nghiệp đã mở rộng tầm hoạt động ở những khu vực nông thôn, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, chế biến hàng xuất khẩu với quy mô ngày càng lớn, thu hút lực lượng lao động nông thôn ngày càng nhiều, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập của bà con vùng xâu vùng xa ngày càng sung túc.... Tuy nhiên, tình hình suy thoái kinh tế thế giới trong những năm qua diễn ra phức tạp và được dự báo còn nhiều khó khăn thách thức, chưa có dấu hiệu ổn định; tình hình xuất khẩu sẽ rất khó khăn do suy giảm kinh tế, sản xuất và tiêu dùng bị thu hẹp; nguồn vốn đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn,… đã ảnh hưởng rất lớn đến các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
 

 

Cơ sở sản xuất Lồng Chim Công Thành - Tp Long Khánh
 
Với những thuận lợi và khó khăn thách thức như trên, để góp phần hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong tình hình hiện nay, ngoài những chính sách hỗ trợ hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh trong những năm qua,  năm 2011 UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 2048/QĐ-UBND ngày 16/8/2011 về việc phê duyệt Chương trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2015 và Quyết định số 51/2011/QĐ-UBND ngày 16/8/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành quy định về việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp tham gia Chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp. Với quan điểm, mục tiêu và định hướng là: Đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, các ngành công nghiệp tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ và có giá trị gia tăng cao như các ngành điện - điện tử; cơ khí; hóa chất - cao su - plastic - công nghệ sinh học và ngành công nghiệp hỗ trợ (gọi chung là nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn). Tập trung đầu tư chiều sâu, đổi mới nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng sản phẩm cho các ngành công nghiệp như ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, dệt may giày dép; sản xuất và chế biến gỗ; giấy và sản phẩm từ giấy; khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng; ngành sản xuất, phân phối điện nước, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống (gọi chung là nhóm ngành công nghiệp ưu tiên phát triển) và phân bố hợp lý công nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương, gắn với bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, các ngành công nghiệp tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ và có giá trị gia tăng cao nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của ngành công thương theo Kế hoạch 05 năm (2011 - 2015) phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh và Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ IX nhiệm kỳ 2010 - 2015. 
Từ khi có Chương trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2015 và Quyết định số 51/2011/QĐ-UBND ngày 16/8/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành quy định về việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp tham gia Chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp. Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Chương trình, Trung tâm Khuyến công đã tích cực triển khai đến các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa tỉnh tham gia chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp các nội dung, chính sách hỗ trợ kinh phí của Chương trình và đồng thời phối hợp với các địa phương, các ngành chức năng thực hiện công tác hỗ trợ các hoạt động về Khuyến công, cụ thể như sau: 
- Về lĩnh vực quản lý sản xuất, thiết kế, phát triển sản phẩm: Trung tâm đã Phối hợp với Tỉnh đoàn Đồng Nai, Hội Nông dân tỉnh, Liên Minh HTX và các Phòng Kinh tế & Hạ tầng các huyện Nhơn Trạch, Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc và Thống Nhất tổ chức 05 lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp, tăng cường khả năng kinh doanh và các chuyên đề về quản trị doanh nghiệp cho 664 lượt người tham gia. Tổ chức 03 chuyến đi tham học tập kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác nghề tre trúc tại các tỉnh phía Bắc, nghề dệt thổ cẩm ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng và tham học tập kinh nghiệm nghề chế biến đá, tìm kiếm đối tác nghề chế biến gỗ tại tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh Tây nguyên. Tư vấn quản lý sản xuất và tạo cầu nối cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa tỉnh thực hiện mối liên kết, liên doanh và là vệ tinh cho các doanh nghiệp sản xuất - Thương mại ở các tỉnh bạn trong việc sơ chế nguyên vât liệu đầu vào và gia công hoàn chỉnh sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho lao động, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp.
- Về lĩnh vực hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bô khoa học kỹ thuật. Trung tâm đã phối hợp với phòng Kinh tế huyện Trảng Bom, huyện Cẩm Mỹ tổ chức mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác tại DNTN Anh Nghĩa huyện Trảng Bom và hỗ  trợ ứng dụng máy bóc tách vỏ hạt điều tại Cơ sở gia công chế biến hạt điều Nguyễn Thị Huyền huyện Cẩm Mỹ. Tổ chức Hội thảo giới thiệu công nghệ sấy nông sản tiết kiệm năng lượng tại 04 huyện Xuân Lộc, Định Quán, Thống Nhất và Thị xã Long Khánh. Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho 07 cơ sở công nghiệp nông thôn trên 05 huyện, Thị xã và Thành phố như: huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Cẩm Mỹ, Thị xã Long khánh và Thành phố Biên Hòa. Qua đó đã từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chất lượng của sản phẩm, bảo vệ môi trường và tăng thu nhập cho người lao động… Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại. 
 
- Về lĩnh vực hỗ trợ phát triển sản phẩm. Hàng năm Trung tâm Khuyến công đều tổ chức cuộc thi sáng tạo kiểu dáng hàng thủ công mỹ nghệ, được các cơ sở, doanh nghiệp các tỉnh trong khu vực nhiệt liệt hưởng ứng và tham gia như Bình Dương, Bình Phước, Bến Tre, Long An, Tây Ninh, Bạc Liêu... Nhằm tôn vinh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, có tính sáng tạo, tôn vinh các giá trị văn hóa của ngành nghề thủ công mỹ nghệ trong và ngoài tỉnh, đồng thời, khuyến khích các nghệ nhân, thợ thủ công, nhà sản xuất và người yêu thích nghề thủ công mỹ nghệ sáng tạo ra những mẫu mã sản phẩm mới, độc đáo, góp phần phát triển nghề thủ công mỹ nghệ ngày càng phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Mặt khác, duy trì khả năng phát triển sự sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công và những người yêu thích sáng tạo hàng thủ công mỹ nghệ, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn Đồng Nai nói riêng và các tỉnh khu vực nói chung tôn vinh và tìm ra những sản phẩm mẫu mã độc đáo của mình để tiếp cận thị trường xuất khẩu và duy trì được sự sáng tạo mẫu mã mới của cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Ngoài ra, hàng năm Trung tâm cũng đã tổ chức vận động hàng chục cơ sở, doanh nghiệp tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm đặc trưng của mình đến với các Hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, đây cũng là cơ hội để các cơ sở, tổ chức và các doanh nghiệp tiếp cận, giao lưu cùng trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cũng là nơi để các doanh nghiệp trao đổi, cung cấp thông tin, nhu cầu, thị hiếu, thị trường... nhằm giới thiệu rộng rãi sản phẩm đến trực tiếp tay người tiêu dùng, đồng thời tạo điều kiện để các đối tác gặp gỡ để tìm kiếm bạn hàng, ký kết các hợp đồng mua bán sản phẩm và hợp tác phát triển kinh doanh. 
- Về lĩnh vực hỗ trợ liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển các cụm công nghiệp và di dời. Hỗ trợ lập quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm điểm công nghiệp. Trung tâm Khuyến công đã và đang triển khai thực hiện các đề án phát triển ngành nghề TTCN truyền thống đã được UBND Tỉnh phê duyệt như: Đề án khôi phục và phát triển nghề dệt Thổ cẩm của người Châu Mạ huyện Tân Phú; Đề án phát triển nghề Mây tre đan trên địa bàn huyện Định Quán; Đề án phát triển nghề gỗ mỹ nghệ trên địa bàn huyện Trảng Bom; Đề án phát triển nghề Đúc gang trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu; Đề án duy trì và phát triển nghề tre trúc trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu; Đề án khôi phục và phát triển nghề sản xuất và chế biến nấm các loại trên địa bàn thị xã Long Khánh; Đề án phát triển nghề gỗ mỹ nghệ trên địa bàn huyện Xuân Lộc; Đề án phát triển nghề dệt lưới xã Suối Nho, huyện Định Quán. 
Một số định hướng và giải pháp đẩy mạnh hoạt động khuyến công góp phần thúc đẩy Chương trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò và nhiệm vụ của công tác  khuyến công trong chương trình Chương trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của tỉnh, hoạt động khuyến công cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:
 Một là tăng cường công tác phối hợp với các Sở, ngành chức năng, UBND các Huyện, Thị xã Long Khánh và TP Biên Hòa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai chính sách hỗ trợ của Chương trình đến với các tổ chức, cơ sở, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công thương để các doanh nghiệp nắm bắt thông tin về các nội dung cụ thể, từ đó đối chiếu với nhu cầu thực tế của mình để đăng ký tham gia chương trình
Hai là tiếp tục đẩy mạnh chương trình đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề cho lao động, nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp. Tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; Mở rộng hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin và hỗ trợ xây dựng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia Chương trình.  
Ba là tập trung vào các mô hình sản xuất tiên tiến, nhằm khai thác lợi thế của các vùng, miền theo chủ trương tái cơ cấu ngành, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất mới cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao để phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực. Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để gia tăng giá trị và phát triển bền vững.
 

 

 

Đoàn HTKN tỉnh Tra Vinh tham quan Công ty TNHH mây tre đan DiBi tỉnh Đồng Nai 
 
Bốn là trên cơ cơ sở xác định mục tiêu khuyến công đồng hành cùng với doanh nghiệp. Trung tâm Khuyến công Đồng Nai tiếp tục xây dựng, tổ chức và triển khai thực hiện các chương trình, đề án khuyến công. Song song đó, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung của Chương trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2011 – 2015 cụ thể như:  Công tác đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề; đào tạo nghề cho lao động phục vụ phát triển các ngành công nghiệp chủ lực; Hỗ trợ thành lập doanh nghiệp mới, hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh và tư vấn về khởi nghiệp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn mới thành lập, đào tạo khởi sự doanh nghiệp, tăng cường khả năng kinh doanh; Tổ chức các đoàn khảo sát, tìm hiểu thị trường, đối tác kinh doanh, học hỏi kinh nghiệm về phát triển sản xuất kinh doanh và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; Hướng dẫn, tư vấn cho các cơ sở sản xuất CNNT trong việc sơ chế nguyên liệu đầu vào, gia công lắp ráp sản phẩm,… để giảm chi phí đầu tư và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất CNNT phát triển ổn định và bền vững. Tư vấn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn mở rộng sản xuất và mở rộng thị trường, xây dựng vệ tinh, tìm kiếm lao động; Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và hỗ trợ, tư vấn chuyển giao công nghệ, đầu tư mở rộng sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm cho cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Tổ chức hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn; Tổ chức hội thi sáng tạo kiểu dáng, mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ; Phát triển hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin thông qua hình thức phát hành bản tin, chuyên đề khuyến công trên Đài Truyền hình, các lớp tập huấn, bồi dưỡng, tài liệu tạp chí công nghiệp; Hỗ trợ hình thành các cụm, điểm công nghiệp; hỗ trợ thành lập hiệp hội ngành nghề; hỗ trợ tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng làng nghề; tư vấn giới thiệu các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp. Hỗ trợ lập dự án di dời các cơ sở sản xuất vào cụm, điểm sản xuất tập trung; Bằng nhiều hình thức khác nhau, thường xuyên gặp gỡ trao đổi với các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn nhằm hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đề xuất những cơ chế chính sách phù hợp đối với cấp trên nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Chương trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2011 – 2015./.

 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news