Khuyến công
KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN GIÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương trong việc triển khai một số giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành các Kế hoạch bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh, cụ thể là Kế hoạch số 3498/KH-UBND ngày 27/5/2011, Kế hoạch số 3337/KH-UBND ngày 14/5/2012; Kế hoạch số 3656/KH-UBND ngày 14/5/2013.  
Để triển khai chương trình, tỉnh dành 84 tỷ cho các đơn vị tham gia chương trình vay để dự trữ hàng hóa, các đơn vị tham gia được vay vốn với lãi suất 0% thông qua Quỹ Đầu tư - Phát triển tỉnh, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, thời hạn vay 12 tháng. Về mức phí vay vốn, từ năm 2012 các đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá thực hiện trả phí với mức phí là 0,2%/tháng.
Tỷ lệ vốn được giải ngân so với tổng số vốn dành cho chương trình bình quân 67%, trong đó năm 2011 giải ngân 60,34 tỷ đồng, năm 2012 giải ngân 59,411 tỷ đồng, năm 2013 giải ngân 49,41 tỷ đồng. Nhìn chung số vốn được giải ngân qua 03 năm không có biến động lớn.
Qua 03 năm thực hiện chương trình, hầu hết các địa phương đều nhận thức được tầm quan trọng của công tác phát triển mạng lưới bán hàng bình ổn giá. Các địa phương đã chỉ đạo các ban, ngành tập trung cao cho công tác phát triển mạng lưới bán hàng bình ổn giá thông qua hoạt động thông tin, tuyên truyền về chương trình hoặc trực tiếp gặp gỡ, vận động các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tham gia. Cụ thể:
Năm 2011 là năm đầu tiên chương trình thực hiện xuyên suốt cả năm nên số đơn vị tham gia chương trình còn khiêm tốn, có 17 đơn vị tham gia với 71 điểm bán, trong đó: thành phố Biên Hòa: 26, huyện Xuân Lộc: 30, Tân Phú: 03, Trảng Bom: 02, Thống Nhất: 01, Long Thành: 01, thị xã Long Khánh: 04, Nhơn Trạch: 01, Định Quán: 02, Vĩnh Cửu 01. Các mặt hàng tham gia bình ổn giá gồm : gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gà, trứng, sách giáo khoa. 
Năm 2012, được sự vận động của địa phương, số đơn vị tham gia đăng ký tham gia chương trình gia tăng đáng kể, nâng số lượng đơn vị tham gia chương trình lên 31 đơn vị, trong đó 12 đơn vị không vay vốn, với 115 điểm bán, trong đó: Biên Hòa: 32, Long Khánh: 7, Trảng Bom: 9, Cẩm Mỹ: 7, Thống Nhất: 3, Long Thành: 4, Tân Phú : 4, Xuân Lộc: 32, Vĩnh Cửu: 15, Định Quán: 01, Nhơn Trạch: 01. Như vậy, bước sang năm thứ hai, số đơn  tham gia chương trình tăng 14, số điểm bán tăng 44. Về mặt hàng, bổ sung thêm gia vị và nước chấm.
Đến năm 2013, danh mục mặt hàng bình ổn giá của tỉnh được bổ sung thêm mặt hàng thuốc tân dược, đã nâng số đơn vị tham gia chương trình lên 37 với 127 điểm bán, gồm Biên Hoà: 32; Long Khánh 7; Cẩm Mỹ: 15; Xuân Lộc: 33; Vĩnh Cửu: 13; Long Thành: 5; Nhơn Trạch: 3; Trảng Bom: 5; Tân Phú: 3; Thống Nhất: 6; Định Quán: 5. 
Bên cạnh mạng lưới các điểm bán cố định, các địa phương cũng đã chuẩn bị một số điểm bán dự phòng, sẳn sàng tham gia can thiệp thị trường khi cần thiết. Đối với mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, các địa phương đã vận động một số cơ sở giết mổ đủ điều kiện chuẩn bị phối hợp với các doanh nghiệp trong hệ thống bình ổn giá thực hiện việc giết mổ gia súc, gia cầm cung cấp cho thị trường tại chỗ, nhất là vào dịp tết. Một số đơn vị  đã phát triển thêm nhiều điểm bán đến các địa phương khác ngoài trụ sở chính như Trại gà Thanh Đức, Công ty CP Sài gòn Lương thực, Công ty TNHH Chăn nuôi Bình Minh, Công ty Anh Hoàng Thy, HTX Xuân Tây, HTX Suối Cát.
Về doanh thu, năm 2011 doanh thu đạt được 47,8 tỷ đồng, trong đó doanh thu mặt hàng sách giáo khoa đạt 15,32 tỷ đồng. Năm 2012, với sự gia tăng của các đơn vị tham gia chương trình đã nâng doanh thu chương trình lên 104 tỷ đồng, tăng 118% so cùng kỳ, trong đó doanh thu từ mặt hàng sách giáo khoa đạt 32,1 tỷ đồng. Năm 2013, tính đến thời điểm tháng 5/2014, tổng doanh thu đạt được trong kỳ khoảng 154 tỷ đồng, nếu tính cả mặt hàng thuốc tân dược doanh thu đạt được là 154,6 tỷ đồng, trong đó mặt hàng sách giáo khoa đạt 31,2 tỷ đồng, mặt hàng thuốc tân dược đạt 600 triệu đồng. Dự kiến kết thúc chương trình, doanh thu ước đạt 160 tỷ đồng, tăng 53,85% so với năm 2012.
Sau 03 năm triển khai chương trình, tình hình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh nhìn chung biến động theo chiều hướng giảm, giá cả chỉ tăng vào thời gian cận Tết Nguyên đán đối với một số mặt hàng tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn, tuy nhiên không ảnh hưởng đến chỉ số giá cả chung. Cụ thể, chỉ số CPI năm 2012 tăng 7,02%, năm 2013 tăng 4,65%, 10 tháng đầu năm 2014 tăng 4,27%. 
Bên cạnh kết quả đạt được, chương trình cũng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như:
 Công tác phát triển mạng lưới còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa; một số huyện chưa có điểm bán hoặc điểm bán ít (Nhơn Trạch, Long Thành, Thống Nhất, Trảng Bom, Định Quán; các điểm bán chủ yếu chỉ tập trung tại chợ hoặc bán tại văn phòng hợp tác xã, địa điểm gần khu vực trung tâm huyện, thị, do đó nhiều người dân tại các xã vùng sâu, vùng xa chưa tiếp cận được chương trình.  
Hiện việc tiêu thụ sản phẩm thịt gia súc, gia cầm theo quy trình sản xuất kinh doanh an toàn tập trung chủ yếu ở thành phố Biên Hòa, thông qua hệ thống các cửa hàng của đơn vị bình ổn giá và các siêu thị, trung tâm thương mại; tiêu thụ các sản phẩm trên tại các huyện, thị khá khó khăn. Đối với sản phẩm trứng gia cầm, công tác phát triển mạng lưới bán hàng đến các huyện khác chưa thuận lợi, việc giao hàng đến các điểm bán còn gặp khó khăn do vướng về thủ tục kiểm dịch.
 Chưa có sự gắn kết tốt giữa ngành nông nghiệp và ngành công thương trong quản lý an toàn thực phẩm từ sản xuất, giết mổ và đến tay người tiêu dùng. Danh mục mặt hàng bình ổn chưa phong phú, đa dạng, phổ biến ở nhóm hàng công nghiệp thực phẩm (đường, dầu ăn, gia vị, nước chấm); mạng lưới đơn vị tham gia chưa đúng theo tiềm năng.
 Sự phối hợp giữa các đơn vị từ tỉnh đến huyện cũng như giữa các đơn vị của tỉnh trong công tác thông tin tuyên truyền còn hạn chế, chưa sự chủ động trong việc trao đổi, cung cấp cũng như cập nhật thông tin, do đó tác động của công tác này ít nhiều chưa đạt được mục tiêu đã đề ra.
Để thực hiện đạt kết quả chương trình bình ổn giá trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, thời gian tới cần tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp như:
 

 

 
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về chương trình bình ổn giá trên các phương tiện thông tin đại chúng để các chủ thể sản xuất kinh doanh, đối tượng thụ hưởng biết tham gia. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình kinh doanh, các khó khăn vướng mắc của các đơn vị tham gia bán hàng bình ổn để kịp thời hỗ trợ tạo điều kiện cho các đơn vị bán hàng thực hiện tốt nhiệm vụ.
Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chủ động nắm bắt diễn biến giá cả thị trường và cung cầu hàng hóa một số mặt hàng thiết yếu, có biện pháp kịp thời để kiểm soát ngăn chặn các hành vi thu gom làm phát sinh nguy cơ mất cân đối cung cầu hàng hóa. Kiểm tra việc chấp hành các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Rà soát lại nguồn cung, tính toán lại nhu cầu, xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa bảo đảm đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu của nhân dân, bình ổn thị trường và giá cả, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, trứng, sữa…. 
Các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tối đa về thủ tục, địa điểm...để đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá triển khai phát triển mạng lưới bán hàng tại địa phương./.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news