Khuyến công
Khuyến Công Đồng Nai Góp Phần Thúc Đẩy Công Nghiệp Nông Thôn Chế BIến Sâu

Đồng Nai có vị trí đặc biệt quan trọng trong vùng Đông Nam Bộ - vùng kinh tế phát triển và năng động nhất cả nước. Với lợi thế về giao thông đường bộ và đường thủy, thuận lợi cho việc tập kết nông sản từ các tỉnh, có chợ đầu mối Dầu Giây cùng với vùng nguyên liệu nông sản, đặc biệt là cây ăn trái với nhiều loại đặc sản như: chôm chôm, sầu riêng, bưởi... Đồng Nai còn là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước khi thuộc tốp đầu về tổng đàn gia súc, gia cầm. Theo định hướng của Bộ Công Thương và UBND tỉnh, trong thời gian tới sẽ tập trung nguồn lực đầu tư để Đồng Nai trở thành trung tâm chế biến sâu nông sản của cả khu vực.
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/05/2012 của Chính phủ về khuyến công, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản và chế biến thực phẩm là ngành, nghề được xếp trên hết trong danh mục ngành, nghề  được hưởng các chính sách khuyến công. Cũng theo quy định tại điểm c khoản 25 Điều 8 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 53/2018/QĐ-UBND ngày 11 tháng 12 năm 2018 của UBND tỉnh Đồng Nai về Ban hành Quy định mức chi cụ thể cho các hoạt động khuyến công và công tác quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh Đồng Nai, ngành nghề chế biến nông sản, thực phẩm là ngành nghề được hưởng mức kinh phí khuyến công ưu tiên hỗ trợ bằng 1,3 lần mức kinh phí quy định tại Quy định này.

 

Chế biến trau củ quả sấy -Cty TNHH TMSX Thuận Hương Định Quán


Theo số liệu thống kê, Đồng Nai hiện có 782 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đang hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm, chủ yếu là các hộ kinh doanh với tỷ lệ trên 89 %. Năm 2021 giá trị sản xuất CNNT ở lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm của Đồng Nai đạt khoảng 15.454 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm 2020. Hầu hết các cơ sở CNNT chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh sử dụng công nghệ trung bình, thậm chí dưới mức trung bình nên sản phẩm tạo ra chưa có sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường. Cùng đó, nhận thức về quản lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký thương hiệu sản phẩm ở một vài cơ sở vẫn chưa được tốt. Trong khi đó, nguồn lực để đầu tư ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và tăng sức cạnh tranh trên thị trường ngày một khó khăn, đặc biệt sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhằm giúp cơ sở CNNT nâng cao năng lực chế biến nông sản, hoạt động khuyến công Đồng Nai thời gian qua tập trung hỗ trợ các cơ sở đầu tư đổi mới công nghệ mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra giá trị cao hơn cho nông sản địa phương.

Chế biến sinh tố thơm tại Công ty TNHH Long Kim – Nhơn Trạch

Trong giai đoạn 2016-2021, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp tỉnh Đồng Nai (Trung tâm) đã hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến cho 18 cơ sở CNNT chế biến nông sản, thực phẩm tại các huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Định Quán, Tân Phú, thành phố Lonbg Khánh  với tổng kinh phí khoảng 3,12 tỷ đồng. Máy móc được hỗ trợ là những thiết bị có công nghệ tiên tiến được điều khiển tự động, bán tự động, thay thế lao động thủ công, giảm độc hại cho người lao động, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm hao hụt nguyên liệu, tỷ lệ hư hỏng thấp so với công nghệ đang sử dụng. Ghi nhận từ các đối tượng thụ hưởng cũng cho thấy, việc đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến đã giúp các cơ sở có khả năng đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng, đặc biệt là đơn hàng số lượng lớn mà điều kiện công nghệ, thiết bị trước đó của cơ sở không thể thực hiện được.
Để phát huy được hiệu quả các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất CNNT, Trung tâm đã phối hợp cùng Phòng kinh tế/kinh tế và hạ tầng khảo sát tại cơ sở CNNT ngay từ lúc cơ sở chuẩn bị đầu tư để hướng dẫn, trợ giúp về thông tin công nghệ, thiết bị cần khuyến khích đầu tư theo mục tiêu chương trình kế hoạch khuyến công với định hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh và địa phương. 
Cùng đó, công tác khuyến công cũng sẽ dần chuyển hướng từ hỗ trợ theo chiều rộng cho tất cả các cơ sở chế biến nông sản có nhu cầu sang hỗ trợ có chọn lọc theo hướng khuyến khích chế biến sâu những loại nông sản chủ lực đang có lợi thế của tỉnh. Trong đó, ưu tiên cho các đề án có quy mô và sức lan tỏa lớn trong lĩnh vực chế biến nông sản. Đây cũng nhiệm vụ của ngành công công thương được UBND tỉnh phân công tại Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 1454/QĐ-UBND ngày 06/06/2022 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh năm 2022. Để thực hiện hiệu quả công tác này, Trung tâm sẽ tập trung tổ chức khảo sát năng lực công nghệ của cơ sở thuộc nhóm ngành ưu tiên và tư vấn ứng dụng máy móc thiết bị tiến tiến trước khi xây dựng đề án khuyến công với mục tiêu tăng tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao. Khuyến khích các doanh nghiệp thông qua liên doanh, liên kết thực hiện chuyển giao công nghệ tiên tiến, trong đó ưu tiên sử dụng thiết bị chế tạo trong nước tương đương chất lượng thiết bị nhập khẩu vào sản xuất CNNT.
Dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2022, khuyến công Đồng Nai sẽ hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho 04 cơ sở CNNT trong lĩnh vực chế biến nông sản; tổ chức 04 hội thảo phổ biến công nghệ, kỹ thuật mới có khả năng áp dụng vào sản xuất chế biến nông sản, 01 đoàn học tập kinh nghiệp chế biến, tiệu thụ nông sản tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng.  Ngoài ra, Trung tâm cũng sẽ triển khai 05 lớp tập huấn, bồi dưỡng về nâng cao năng lực quản lý, giúp cơ sở CNNT tiếp cận và nâng cao nhận thức, kiến thức trong công tác quản lý, điều hành, nhằm hoàn thiện hệ thống quản lý sản xuất, chất lượng ở các nhà máy theo hướng tiên tiến, hiện đại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao năng lực thương mại phù hợp với hội nhập kinh tế thế giới./.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news