Khuyến công
Ngành Công Thương khu vực phía Nam đạt nhiều kết quả quan trọng trong bối cảnh khó khăn chung

Khu vực phía Nam là khu kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước.  

Khu vực phía Nam gồm 2 vùng: vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long với 02 thành phố trực thuộc Trung ương (Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ) và 18 tỉnh (An Giang, Bạc Liêu, Bà Rịa–Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh và Tây Ninh). Diện tích tự nhiên của toàn khu vực khoảng 72.278,7 km2, chiếm 21,8% diện tích cả nước; dân số khoảng 35,7 triệu người, chiếm 38,1% dân số cả nước, mật độ dân số bình quân 494 người/km2.

Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, Ngân hàng Trung ương của nhiều quốc gia vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt đã tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tiêu dùng. Nhiều nền kinh tế lớn trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của nước ta đã tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái.

Ở trong nước, do tác động từ tình hình thế giới dẫn tới giá xăng dầu và một số nguyên liệu đầu vào trong nước liên tục tăng cao, đã ảnh hưởng đến nguồn cung và sức mua trong nước, tăng chi phí vốn sản xuất của doanh nghiệp; sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid -19 cần có thời gian để phục hồi. Trong khi đó, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, năng lực nội tại, sức chống chịu, khả năng thích ứng còn hạn chế, lại đang trong quá trình phát triển và chuyển đổi với những tồn tại kéo dài từ trước chưa thể khắc phục triệt để… đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực.

Trước những khó khăn, thách thức của kinh tế-xã hội toàn cầu, UBND các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 27/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cùng nhiều chính sách, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra. Được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, với sự nỗ lực của toàn ngành trong việc phối hợp với các sở, ngành ở từng địa phương, đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất, phát triển thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu; cùng với sự linh hoạt, chủ động vươn lên của các doanh nghiệp để cải thiện điều kiện sản xuất, huy động thêm nhiều nguồn lực, tích cực phát triển thị trường nên tình hình hoạt động công nghiệp, thương mại tiếp tục được duy trì và phát triển.

Sản xuất vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực; trong đó, tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mang tính quyết định đối với sự phát triển công nghiệp của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Chỉ số sản xuất công nghiệp của các tỉnh, thành khu vực phía Nam có mức tăng khá so với năm 2021. Có 15/20 tỉnh, thành có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (cả nước tăng 7,8%); 8 tháng đầu năm 2023 chỉ số sản xuất công nghiệp của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022. Có 18/20 tỉnh, thành có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (cả nước giảm 0,4%), bao gồm: Trà Vinh +25,52%; Hậu Giang +12,22%; Kiên Giang 12,05%; Bình Dương +9,89%; Bà Rịa – Vũng Tàu +8,36%; Bạc Liêu +8,34%; An Giang +8,32%; Thành phố Hồ Chí Minh +2,8%; Bình Phước +7,31%; Cà Mau +6,10%; Tây Ninh +6,03%; Long An +5,26%; Bình Thuận +5,02%; Đồng Tháp +4,85%; Bến Tre +4,52%; Đồng Nai +4,02%; Cần Thơ +3,27%; Tiền Giang +2,60%,....

Hoạt động thương mại và dịch vụ trong khu vực năm 2022 và 8 tháng năm 2023 tiếp tục phát triển với tốc độ khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của cả khu vực đạt 2.939,717 nghìn tỷ đồng, tăng 26,29% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 51,75% so với cả nước. 8 tháng đầu năm 2023 đạt 2.113,357 nghìn tỷ đồng, tăng 13,75% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 52,26% so với cả nướcCó 16/20 tỉnh, thành tăng trưởng cao và cao hơn mức tăng trưởng bình quân cả nước như: Bình Thuận +31,22%; Sóc Trăng +31,54%; Trà Vinh +22,98%; Bình Phước +21,07%; Kiên Giang 18,52%; An Giang +17,48%; Tây Ninh +11,48%; Bạc Liêu +18,87%; Hậu Giang + 17,47%; Đồng Nai + 13,72%; Cà Mau + 15,78%%; Tiền Giang + 13,79%; Bình Dương + 12,9%; Bà Rịa Vũng Tàu + 12,88%; Vĩnh Long + 11,93%; Đồng Tháp + 13,57%.

Mặc dù hoạt động xuất nhập khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng đa số các doanh nghiệp đã chủ động trong việc tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của cả khu vực thực hiện 139,31 tỷ USD, tăng 18,41% so với năm 2021, chiếm tỷ trọng 37,46% so với cả nước; 8 tháng đầu năm 2023 thực hiện 81,436 tỷ USD, giảm 4,49% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 35,76% so với cả nước. Có 8/20 tỉnh, thành phố vẫn duy trì được mức tăng trưởng so với cùng kỳ, gồm: Tiền Giang +17,01%; Hậu Giang +14,29%; Cần Thơ +7,36%; Bạc Liêu +6,91%; An Giang +3,98%; Bình Phước + 3,89%; Kiên Giang +2,83%; Long An +2,2%.

Hoạt động liên kết phát triển giữa các địa phương trong khu vực đã được chú trọng như: Chia sẻ thông tin về công tác quản lý nhà nước; kết nối giao thương hàng hoá được thực hiện thông qua việc tổ chức, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, hội nghị xúc tiến đầu tư... tạo cơ hội cho các doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, liên kết, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giao thương giữa các địa phương; Chia sẻ kinh nghiệm về triển khai xây dựng và thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong năm và dịp Tết Nguyên đán đối với các mặt hàng thiết yếu; trao đổi kinh nghiệm tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn và công tác xã hội hóa phát triển chợ. Thường xuyên trao đổi thông tin và kinh nghiệm xây dựng kế hoạch ứng dụng thương mại điện tử, xây dựng website, tổ chức triển khai và tổ chức đào tạo thương mại điện tử cho doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành công nghiệp – thương mại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục: Một số địa phương tốc độ tăng trưởng thấp so với tiềm năng phát triển công nghiệp của khu vực, chất lượng, hiệu quả tăng trưởng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, hàng hóa chưa được cải thiện nhiều; khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu còn rất hạn chế, sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt; công nghiệp hỗ trợ chưa thật sự phát triển mạnh, tỉ lệ nội địa hoá của các ngành công nghiệp chưa cao; tình trạng ô nhiễm môi trường từ phát triển công nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại cần giải quyết, khắc phục…

Việc mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài theo cam kết WTO, thực hiện hiệp định FTA, Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định CPTPP là thách thức lớn cho hàng hóa trong nước cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là sản phẩm đến từ các quốc gia có nền công nghiệp phát triển. Tình hình nội thương và lưu chuyển hàng hóa ở một số nơi còn gặp nhiều khó khăn, giá cả các nhiều mặt hàng nông sản luôn biến động và ở mức thấp làm cho thu nhập người dân không ổn định, ảnh hưởng đến sức mua của thị trường; khả năng tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó khăn, trong khi các doanh nghiệp này phụ thuộc nhiều vào vốn vay; Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm logistics, cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh... phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn của các tỉnh; tình hình tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng được mùa, rớt giá vẫn xảy ra, do vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến phát triển chưa theo quy hoạch, còn manh mún, nhỏ lẻ và thiếu bền vững; sự hợp tác, gắn kết giữa nông dân sản xuất, doanh nghiệp và cơ sở chế biến chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ và cơ chế ràng buộc.

Hoạt động xúc tiến thương mại hiện nay thiếu sự đồng bộ, có sự chồng chéo, trùng lặp chưa đạt hiệu quả cao. Mỗi địa phương đều tiến hành một chương trình xúc tiến thương mại của riêng mình mà không có kế hoạch phối hợp, gắn kết các tỉnh khác để thực hiện một chương trình xúc tiến thương mại hoàn chỉnh, đa dạng và có quy mô lớn.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tập trung mọi điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế.

Để đạt mục tiêu kế hoạch năm 2023, ngành Công Thương các địa phương cần tiếp tục chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ theo các Nghị quyết và văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Công Thương; tham mưu, đề xuất Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc triển khai và đưa cơ chế, chính sách vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.

Đối với lĩnh vực công nghiệp: Các địa phương tiếp tục phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; Thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ; tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Khuyến khích các thành phần kinh tế đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng mẫu mã sản phẩm, ưu tiên công nghệ sạch, phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; tham mưu rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới cơ chế, chính sách về phát triển công nghiệp. Xây dựng chính sách đột phá tạo lập môi trường khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao. Triển khai đồng bộ và quyết liệt các đề án, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Đối với lĩnh vực thương mại: Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu; chủ động, phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai hiệu quả chương trình bình ổn thị trường. Tăng cường mở rộng các điểm bán hàng bình ổn, tổ chức các chuyến bán hàng lưu động về vùng nông thôn...; phối hợp thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên tổ chức, phối hợp với các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam triển khai các chương trình tiêu thụ hàng hoá tại thị trường nội địa thông qua các kênh thương mại điện tử; chủ động kêu gọi nhà đầu tư và tích cực tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống chợ, củng cố và nâng cấp hệ thống bán lẻ truyền thống, tạo lập các kênh, luồng lưu thông hàng hóa giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời quan tâm khai thác tối đa tiềm năng thị trường trong nước. Tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước... ( Nguồn website cuccongthuongdiaphuong)

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news