Khuyến công
Nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến - Người nặng tình với gốm Biên Hòa xưa

Nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến, sinh năm 1981, được UBND tỉnh Đồng Nai phong tặng danh hiệu nghệ nhân năm 2017. Anh là nghệ nhân có tuổi đời trẻ nhất trong số nghệ nhân đã được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu từ năm 2004 đến nay. Theo anh Hiến, được phong tặng danh hiệu nghệ nhân của tỉnh không chỉ là niềm vinh dự lớn của bản thân anh mà còn là động lực mạnh mẽ để anh tiến xa hơn, hứng thú sáng tạo dòng gốm anh yêu thích. Hiện anh Hiến đang là hội viên Ban Mỹ thuật Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai và là Hội viên Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

Nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến phục dựng gốm Biên Hòa xưa

trang trí ở Chùa Ông – Cù Lao.

 

Vốn được thừa kế kỹ thuật làm gốm từ những người Thầy trong Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí  Đồng Nai, cùng với sự chịu khó mày mò, sáng tạo nghệ thuật, anh Hiến không theo đuổi đề tài cụ thể nào mà chủ yếu dựa vào thực tế và cảm hứng. Sản phẩm gốm được thiết kế mẩu mã độc đáo, được nhiều khách hàng, đặc biệt là khách sưu tầm gốm xưa khen ngợi và đặt vấn đề hợp tác ngày càng nhiều. Hiện tại, ngoài sáng tác mỹ thuật, anh Hiến là một trong những nghệ nhân trẻ có ý thức và dồn nhiều tâm huyết dòng gốm xưa với mong muốn lưu giữ nét gốm cổ Biên Hòa trước kia.  

Xuất hiện từ cuối thế kỷ 17, dòng gốm Biên Hòa xưa là một dòng gốm rất riêng không lẫn với bất kỳ dòng gốm nào của Việt Nam và thế giới. Có người nói đây là dòng gốm được lai tạo từ nhiều cội nguồn mang phong cách chế tác khác nhau và định hình từ cuộc giao lưu văn hóa nghệ thuật Đông Tây. Bắt đầu thế kỷ 20, có thể nói đây là thời cực thịnh dòng gốm này đã làm say mê giới thưởng ngoạn khắp Âu Á cho thấy sự khác biệt về văn hóa không còn là rào cản trước một sắc gốm trông quen mà lạ, lạ mà quen… Nhờ kết hợp hài hòa giữa Đông và Tây, giữa cũ và mới, kết hợp tinh hoa truyền thống và hiện đại, phù hợp với thị hiếu và tiêu dùng của các nước khác nhau trên thế giới. Sản phẩm gốm Biên Hòa rất đa dạng về chất liệu, hình dáng, quy cách, màu sắc, họa tiết điển hình như: Đôn voi, tượng hình chim thú, trống đồng giả cổ, đỉnh hương, bình hoa, chậu kiểng….

Hiện nay, các nghệ nhân gốm tại Biên Hòa, trong đó có nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến đã và đang nỗ lực lưu giữ những nét đặc trưng của gốm Biên Hòa xưa thông qua việc học chế tạo loại men màu truyền thống vốn đã mai một. Đặc biệt, nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến rất tâm huyết với việc trùng tu, tôn tạo các hiện vật gốm xưa còn được lưu giữ tại các di tích, đình, chùa trên địa bàn, với mong muốn những giá trị kiến trúc văn hóa ấy sẽ được tiếp nối lâu dài. Tốt nghiệp lớp tu bổ di tích tại Hà Nội năm 2021, anh Hiến có thêm kiến thức, tầm nhìn để đánh giá những hiện vật gốm tại các di tích và góp phần vào công tác lưu giữ các giá trị văn hóa này.

 

Với lòng say mê công việc, Hoàng Ngọc Hiến đang ngày đêm cần mẫn tạo ra những bức tượng, phù điêu cổ bằng gỗ, đá được lưu giữ ở bảo tàng tái dựng lại trên chất liệu gốm. Đam mê, nhiệt huyết với nghề giúp anh Hiến đưa ra nhiều ý tưởng, sáng tạo trong việc thiết kế mẫu mã. Anh đã khoác chiếc áo đương đại lên gốm truyền thống. Qua các tác phẩm sắp đặt với gốm, người xem có thể nghe thấy cuộc đối thoại giữa truyền thống và hiện đại. Sản phẩm gốm của anh Hiến từng tham gia nhiều cuộc thi, nhiều triển lãm mỹ thuật trong, ngoài tỉnh và đã nhiều lần đoạt giải thưởng. Các tác phẩm tiêu biểu như: Ánh trăng (giải C, Cuộc thi Thiết kế quà tặng du lịch; Cồng chiêng Tây nguyên (giải nhất Cuộc thi Thiết kế kiểu dáng hàng thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, 2007); Đèn gốm (giải nhì Cuộc thi Sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai năm 2008); Kết bạn (giải ba Cuộc thi Sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai năm 2014); Những cây bàng vuông vững vàng trước gió (giải nhất Triển lãm mỹ thuật Đồng Nai 2015)… Bên cạnh đó, anh còn tham gia nhiều triển lãm mỹ thuật ngoài tỉnh như ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Long An. Tại xưởng gốm của anh Hiến có nhiều sinh viên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai đến học việc cũng như thực tập làm gốm. Anh nhiệt tình chỉ dạy, truyền kiến thức, kinh nghiệm cho các em rất tận tình. Tâm niệm của anh là dạy sinh viên làm gốm không chỉ tạo cho họ cơ hội học tập mà còn là cách phát triển bền vững nghề gốm, bảo tồn nghề làm gốm đang dần mai một. Anh cho rằng: “Gốm không chỉ là chất liệu để tạo ra các vật dụng hằng ngày. Đối với các nghệ sĩ, gốm còn là nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng tạo nghệ thuật. Chất liệu gốm từ lâu đã quen thuộc với mọi người, song qua bàn tay người nghệ nhân, các mạch nguồn văn hóa sẽ được nối kết với nhau một cách trọn vẹn; Làm gốm ngoài sự hiểu biết về mỹ thuật còn đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, kiên trì, óc sáng tạo và đặc biệt phải đam mê”.

Đam mê chính là động lực giúp anh Hoàng Ngọc Hiến vượt qua mọi khó khăn để sống trọn vẹn với nghệ thuật. Hiện tại, ngoài sáng tác mỹ thuật anh Hiến vẫn làm các đơn hàng phục hồi đồ gốm cổ Biên Hòa tại các đình, chùa. Là thành viên của Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai, anh Hiến được Hội tạo mọi điều kiện thuận lợi để cùng các nghệ sĩ có thời gian được giao lưu, gặp gỡ học hỏi lẫn nhau. Đó chính là động lực giúp Anh tiến xa hơn trên con đường nghệ thuật của mình.

Đến thăm xưởng của anh Hoàng Ngọc Hiến, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng gốm Biên Hòa với đủ các hình dáng với nhiều họa tiết rất khác biệt so với gốm trên thị trường và đều là sản phẩm “độc” có một không hai do anh Hiến kỳ công tạo nên. Bằng tài năng và đôi bàn tay vàng, anh Hiến đã và đang góp phần không nhỏ tạo nên những tác phẩm độc đáo, tinh xảo, có sức sống trong mỹ thuật gốm Đồng Nai nói chung và mỹ thuật gốm Việt Nam nói riêng./.

 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news