Khuyến công
NGHIỆP VỤ XUẤT NHẬP KHẨU DÀNH CHO DOANH NGHIỆP

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, tổng giá trị xuất khẩu công nghiệp nông thôn (CNNT) 9 tháng năm 2022 ước khoảng 650 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021. Các ngành có giá trị xuất khẩu cao là chế biến gỗ (159 triệu USD), chế biến thực phẩm (111 triệu USD) và dệt-may (101 triệu USD).

Nhằm giúp cho doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh nói chung, DN CNNT nói riêng nắm bắt được những điểm mới (sửa đổi, bổ sung) cũng như nhận ra những sai sót thường mắc phải khi sử dụng Incoterms đồng thời có thể lựa chọn Incoterms phù hợp và vận dụng có hiệu quả vào quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa. Ngày 29/9/2022, tại Trung Tâm Hội Nghị & Tiệc Cưới Sen Vàng, đường Hà Huy Giáp, thành phố Biên Hòa, Ban chỉ đạo Phát triển Kinh tế tỉnh phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Ban quản lý dự  án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ (TFP) tổ chức Hội thảo tập huấn “Nghiệp vụ xuất nhập khẩu dành cho DN” tại tỉnh Đồng Nai. Được biết, Sở Công Thương là cơ quan được UBND tỉnh ủy quyền chủ trì hội thảo lần này.

Thành phần tham dự hội thảo gồm có: Thành viên Ban Chỉ đạo phát triển Kinh tế của tỉnh Đồng Nai; Sở Tài chính; Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Hội/Hiệp hội ngành nghề trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý dự  án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ; Chuyên gia, nhà khoa học về kinh tế trong và ngoài tỉnh; Các Tổng công ty và DN xuất nhập khẩu tại địa bàn tỉnh Đồng Nai; Báo Đồng Nai, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai. Tại hội thảo, đại biểu tham dự được các chuyên gia chia sẻ kiến thức về Hội nhập kinh tế quốc tế; hướng  dẫn, giải  thích  các  nội  dung  trong Incoterms 2020, hướng dẫn việc áp dụng và đưa ra các ví dụ minh họa.

Theo đánh giá của các tổ chức trong và ngoài nước, năm 2022 thị trường thế giới có nhiều khởi sắc khi nhu cầu tăng, sản xuất bắt đầu hồi phục là cơ sở tốt cho Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, làm được điều này không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại một số nước vẫn còn diễn biến phức tạp và tác động chưa thể đánh giá được từ những bất ổn về chính trị, xung đột Nga - Ukraine đến thị trường thế giới. Từ đó cho thấy, các DN xuất nhập khẩu cần chủ động hơn và thích ứng với thị trường mới để có thể biến thách thức thành cơ hội.

Theo nhận định của các chuyên gia tại hội thảo, trong giao dịch thương mại quốc tế, rủi ro lớn nhất mà các DN Việt Nam thường vướng phải là rủi ro về thanh toán khi người bán không xuất trình chứng từ đúng với các quy định trong hợp đồng và phù hợp với Incoterms. Để hạn chế những rủi ro trên, các DN cần vận dụng kiến thức và kinh nghiệm của mình trong việc xác nhận các quy định, thoả thuận trong hợp đồng một cách rõ ràng nhất, cũng như cần hiểu rõ Incoterms để có thể xác định cụ thể việc xuất trình các bộ chứng từ phù hợp với từng điều kiện giao hàng.

 

“Vậy Incoterms là gì và tại sao doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phải hiểu và áp dụng đúng Incoterms?”  

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại phát triển giữa các quốc gia, khi các thương nhân quốc tế bất đồng về ngôn ngữ, chịu sự điều tiết khác nhau về tập quán thương mại dể dẫn tới hiểu lầm, tranh chấp kiện tụng, phòng thương mại Quốc tế (ICC-International Chamber of Commerce) có trụ sở tại Paris, đã xây dựng điều kiện thương mại quốc tế đầu tiên vào năm 1936 có tên là International Commercial Terms, viết tắt là Incoterms. Incoterms được nhiều nhà doanh nghiệp của nhiều quốc gia thừa nhận và áp dụng. Từ ngày ra đời đến nay, Incoterms đã được sửa đổi, bổ sung sáu lần vào các năm: 1953, 1967, 1976, 1980, 1990 và 2000. Các phiên bản Incoterms được lựa chọn áp dụng phổ biến hiện nay là Incoterms 2010 hay Incoterms 2020.

Incoterms là các điều khoản thương mại quốc tế được chuẩn hóa và được nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới công nhận và sử dụng rộng rãi. Nội dung chính của các điều khoản này phải kể tới 2 điểm quan trọng: (1) Trách nhiệm của bên mua, bên bán đến đâu; (2) Điểm chuyển giao trách nhiệm, chi phí, rủi ro từ người bán sang người mua. Các giao dịch mà Incoterms đề cập phải trên phạm vi thương mại quốc tế, chứ không phải là các giao dịch trong nước. Đây cũng là nguyên nhân vì sao Incoterms có những tác động nhất định đến các hoạt động xuất nhập khẩu. Vì vậy, việc áp dụng Incoterms sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt nghĩa vụ của mình trong từng điều kiện thương mại lựa chọn.

Tại Hội thảo tập huấn “Nghiệp vụ xuất nhập khẩu dành cho DN”, Ban tổ chức đã tập trung giới thiệu các quy tắc về thương mại quốc tế được cập nhật trong Incoterms 2020 từ đó làm rõ các điểm mới và hướng dẫn áp dụng trong thực tế. Báo cáo viên chính là Thạc sỹ Tô Bình Minh, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Ngoại thương, Phó Viện trưởng, Giám đốc Phân Viện Phát triển Nguồn Nhân lực Việt Nam- Nhật Bản (VJCC), Thành viên Hội đồng khoa học Trung tâm Trọng tài Quốc Tế Việt Nam (VIAC), Giảng viên Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Geneva Thụy Sỹ.

“Doanh nghiệp cần lưu ý những gì khi lựa chọn áp dụng Incoterms”

Incoterms không phải là luật nên những quy tắc đề ra không có tính chất bắt buộc. Đó là những tập quán thương mại nhiều hơn là những luật lệ buộc phải tuân theo trong mọi trường hợp. Nghĩa là DN có thể sử dụng những quy tắc trong Incoterms như những quy tắc tham khảo cho việc mua bán quốc tế. 

Chỉ khi bên bán và bên mua đồng ý sử dụng quy tắc nào đó trong Incoterms và đưa vào trong bản hợp đồng mua bán, lúc đó nội dung của quy tắc áp dụng mới mang tính ràng buộc. Một khi đã được thống nhất áp dụng, các bên giao dịch phải có nghĩa vụ, trách nhiệm với những quy tắc này.

“Incoterms 2010” gồm có 11 điều, chia thành 4 nhóm E, F, C, D, chi tiết tên gọi như sau:

Nhóm E - 1 điều khoản: ExW (ExWork) giao hàng tại xưởng

Nhóm F - 4 điều khoản: gồm FOB (Free On Board), FCA (Free Carrier), FAS (Free Alongside)

Nhóm C - 3 điều khoản: gồm CRF (Cost and Freight), CIF (Cost Insurance and Freight), CPT (Carriage Paid To), CIP (Cost Insurance Paid to)

Nhóm D - 3 điều khoản: DAT (Delivered at Terminal), DAP (Delivered at Place), DDP (Delivered Duty Paid)

Trong 11 điều kiện trên cần lưu ý có 4 điều kiện chỉ áp dụng cho vận tải biển và thủy nội địa (FAS, FOB, CFR, CIF), 7 điều kiện còn lại có thể áp dụng cho mọi phương thức vận tải: đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không.

Trong “Incoterms 2020” có hai điểm thay đổi khác nhiều nhất so với bản 2010 đó chính là thêm điều khoản: 

- DAT (Delivered at Terminal) sẽ đổi tên thành DPU (Delivered at Place Unloaded): Về cơ bản thì hai điều này giống nhau, nhưng ICC muốn nhấn mạnh và nói rõ ra vấn đề người bán hàng phải giao hàng đến một điểm đã định trước (ga tàu, bến cảng, ICD, một điểm bất kỳ …), nghĩa là phải chịu trách nhiệm hạ hàng từ phương tiện vận tải xuống dưới “mặt đất” của điểm đích đã định. Điều này mở rộng hơn DAT (chỉ giao hàng đến một bến cảng, ga tàu nào đó), điểm giao hàng có thể là bất kỳ nơi nào theo thỏa thuận của người bán và người mua. 

Đối với việc giao hàng theo điều kiện DPU, thì người bán phải chịu mọi chi phí, rủi ro, trách nhiệm,cho tới khi hàng đã được dỡ xuống khỏi phương tiện vận tải tại điểm đã thống nhất từ trước. Đối với vấn đề mua bảo hiểm thì sẽ được thỏa thuận giữa bên bán và bên mua.

Ví dụ: Giao hàng theo DPU Đồng Nai (hàng nguyên container – FCL), thì người bán hàng cần chịu: Phí vận chuyển từ kho người bán đến cảng Cát Lái (cước vận chuyển nội địa, local charge đầu xuất và nhập, cước vận chuyển quốc tế). Riêng bảo hiểm sẽ được thỏa thuận giữa đôi bên.

- FCA (Free Carrier): Người bán miễn trách nhiệm khi giao hàng cho nhà vận chuyển (carrier được chỉ định bởi bên mua), điều khoản này có một điểm mới đó là người vận chuyển được phép cấp vận đơn sau khi đã nhận hàng từ người bán hàng. Lưu ý: giao hàng cho nhà vận chuyển, nghĩa là phải chịu trách nhiệm và chi phí xếp hàng lên trên phương tiện vận chuyển.

 

TrongIncoterms 2020”, có những điểm thay đổi khác so với “Incoterms 2010” như sau:

- Điều khoản CIF và CIP: “I” = insurance, những điều khoản có chữ “I” thì mặc định người bán sẽ phải mua bảo hiểm cho hàng hóa. Đối với điều khoản CIP thì loại bảo hiểm mặc định đó là loại (A) hoặc tương đương loại (A), trước đây theo incoterms 2010 thì loại bảo hiểm mặc định cho điều kiện CIP là loại (C) – bảo hiểm bắt buộc. Riêng điều kiện CIF thì vẫn giữ nguyên như phiên bản incoterms 2010 – điều kiện loại (A) – bảo hiểm mọi rủi ro. Loại bảo hiểm sẽ ảnh hưởng đến chi phí bảo hiểm cao hay thấp, nên đây cũng là yếu tố mà các bên phải xem xét kỹ khi ký hợp đồng ngoại thương.

- Trên bản incoterms 2020 tại mục 9A/9B thì trách nhiệm và chi phí của người bán và người mua được liệt kê rõ ràng. 

- Các điều khoản: Free Carrier (FCA), Delivered at Place (DAP), Delivered at Place Unloaded (DPU) và Delivered Duty Paid (DDP), được mở rộng thêm đó là nhà vận chuyển không nhất thiết phải là bên thứ 3, mà có thể được vận chuyển bởi phương tiện vận chuyển của người mua hoặc người bán.

- Đối với bản incoterms 2020 được bổ sung thêm các quy định về bảo mật thông tin, các bên tham gia phải bảo mật thông tin về hàng hóa, giá cả, các thông tin liên quan đến thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng.

 Sau phần trình bày của các báo cáo viên, các đại biểu dự hội thảo đã nêu nhiều tình huống thực tế và nhận được hướng dẫn, giải đáp của các Báo cáo viên. Kết thúc Hội thảo, Ban Tổ chức tiếp tục duy trì kênh tiếp nhận thông tin và hướng dẫn giải đáp các tình huống cho các tổ chức, cá nhân liên quan đến nội dung và kiến thức Hội thảo đề cập. Các DN CNNT xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh có những khó khăn, vướng mắc trong giao dịch thương mại quốc tế có thể liên hệ Phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương) để kết nối với các chuyên gia nhờ trợ giúp, hướng dẫn giải đáp các tình huống và tư vấn lựa chọn áp dụng các điều kiện của Incoterms./.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news