Khuyến công
NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM THỰC HIỆN CÔNG TÁC KHUYẾN CÔNG NĂM 2019

Năm 2019 là năm thứ 4 thực hiện Chương trình Khuyến công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020 nên có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chương trình Khuyến công giai đoạn 2016-2020 nói riêng và Kế hoạch ngành công thương giai đoạn 2016-2020 nói chung.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2019 mà UBND tỉnh Đồng Nai đã nêu trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ và Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 17/01/2019 của Tỉnh uỷ về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 trên địa bàn tỉnh là “Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật;…”

       Sản xuất bao tay cao su công ty TNHH Nam Long

Do đó, để góp phần thực hiện Chương trình hành động trên, theo kế hoạch khuyến công năm 2019, Đồng Nai đặt mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) tăng khoảng 6% so với năm 2018 (ước đạt 63.492 tỷ đồng); Tạo việc làm cho từ 320 lao động nông thôn; hỗ trợ trực tiếp cho 12 cơ sở CNNT và có từ 175 lượt cơ sở sản xuất CNNT, từ 950 lượt cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, người lao động của các cơ sở công nghiệp nông thôn, cán bộ làm khuyến công được hỗ trợ gián tiếp thông qua các hoạt động Khuyến công; Tạo ra trên 160 mẫu sản phẩm có thiết kế mới trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, 18 sản phẩm được vinh danh. Dự kiến từ 02 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp Quốc gia; 20 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh; 60 cá nhân được vinh danh nghệ nhân thợ giỏi, người có công đưa nghề về địa phương; Khuyến khích các cơ sở CNNT tự bỏ kinh phí khoảng 3,110 tỷ đồng cùng với một phần kinh phí hỗ trợ của Tỉnh để đầu tư phát triển CNNT.

 

Nhiều hoạt động khuyến công sẽ được triển khai như: (1) Tổ chức đào tạo nghề cho 400 lao động của các cơ sở công nghiệp nông thôn; (2) Tập huấn khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh cho 400 người; Tổ chức 01 đoàn khảo sát học tập kinh nghiệm tại các tỉnh về công tác quản lý nhà nước đối với khuyến công, công tác quản lý và phát triển các làng nghề; đồng thời giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn tìm kiếm đối tác trong nước, kết nối cung cầu, phát triển sản xuất...; (3) Hỗ trợ 01 mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ sản xuất mới để giới thiệu, phổ biến nhân rộng; Hỗ trợ 06 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp – TTCN; (4) Tham gia 03 hội chợ triển lãm trong nước; Hỗ trợ kinh phí 10 gian hàng tham gia hội chợ triển lãm trong nước; Hỗ trợ 01 cơ sở CNNT đầu tư phòng trưng bày sản phẩm; Tổ chức Cuộc thi sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ; Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và tham gia bình chọn cấp quốc gia; Xét tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề về địa phương tỉnh Đồng Nai; (5) Hỗ trợ 02 cơ sở CNNT thuê tư vấn các lĩnh vực như marketing, quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực…; (6) Thu thập, cập nhật thông tin Website Trung tâm Khuyến công, cơ sở dữ liệu CNNT tỉnh Đồng Nai. Thiết kế, nâng cấp website. Xây dựng 24 chuyên đề khuyến công trên Đài phát thanh truyền hình Đồng Nai, định kỳ 02 chuyên đề/tháng. Thực hiện 2.000 Đặc san chuyên ngành Công Thương, 1.600 Bản tin Khuyến công. Thống kê cung cấp số liệu CNNT; Xuất bản 1.000 cuốn catalogue giới thiệu ngành nghề TTCN truyền thống; Tổ chức 04 Hội thảo với khoảng 200 người để giới thiệu, phổ biến công nghệ kỹ thuật mới; (7) Tổ chức tập huấn chuyên đề khuyến công cho 550 người; Hình thành và duy trì mạng lưới cộng tác viên khuyến công.

Trong các hoạt động khuyến công trên thì trọng tâm là hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (dự kiến tổng kinh phí thực hiện chiếm 32% tổng kinh phí thực hiện các hoạt động khuyến công năm 2019); phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn (dự kiến tổng kinh phí thực hiện chiếm 21% tổng kinh phí thực hiện các hoạt động khuyến công năm 2019); tuyên truyền khuyến công (dự kiến tổng kinh phí thực hiện chiếm 20% tổng kinh phí thực hiện các hoạt động khuyến công năm 2019); đào tạo nghề, truyền nghề (dự kiến tổng kinh phí thực hiện chiếm 11% tổng kinh phí thực hiện các hoạt động khuyến công năm 2019).

Kinh phí bố trí cho các hoạt động khuyến công dự kiến là 5,2 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp khuyến công tỉnh năm 2019.

Ngoài ra, thực hiện hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp theo quy định về chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020.

Một số giải pháp trọng tâm để thực hiện các nhiệm vụ trên như sau: (1) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hoà trong việc quản lý nhà nước về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và triển khai chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020 tại địa bàn cấp huyện; (2) Thực hiện quy trình đăng ký, phê duyệt kế hoạch khuyến công hàng năm theo đúng quy định về việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; (3) Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đề án, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và đạt hiệu quả; kinh phí hỗ trợ sử dụng đúng mục tiêu, yêu cầu của đề án cũng như các quy định khác về hoạt động khuyến công; (4) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các văn bản, quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng hình thức tuyên truyền trực tiếp cho cán bộ làm công tác khuyến công cấp huyện, xã và tại cơ sở công nghiệp nông thôn; tạo điều kiện cho các địa phương và cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp cận được chính sách khuyến công để chủ động tham gia; (5) Thường xuyên cập nhật thông tin, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ làm công tác khuyến công; (6) Hình thành và duy trì mạng lưới cộng tác viên khuyến công trên địa bàn tỉnh; (7) Xây dựng, sửa đổi Văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện địa phương.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news