Khuyến công
TÀI HOA CỦA NGƯỜI HỌA SỸ VẼ TRANH TRONG CHAI.

Không chỉ được biết đến là người sáng tác tranh chân dung, phong cảnh vẽ ngược trên kính, vỏ chai, hoạ sỹ Võ Tân Thành còn chế tác mô hình 3D nguyên khối bằng nhựa cứng trong vỏ chai thủy tinh, một sản phẩm độc đáo làm quà tặng cho khách du lịch hoặc trưng bày trang trí.
Họa sỹ Võ Tấn Thành sinh năm 1950 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật, vẽ tranh trở thành niềm đam mê của ông. Nhữngng năm 1967-1970, họa sỹ Võ Tấn Thành theo học tại Trường Mỹ nghệ Biên Hòa (gọi theo dân gian thời đó là Trường Bá nghệ Thực hành), ngôi trường nổi tiếng với bộ môn đúc đồng chuyên đúc các tượng nhân vật danh tiếng thời đó. Sau khi tốt nghiệp cho dù đời sống còn nhiều bộn bề lo toan và khó khăn, nhưng ông vẫn kiên trì đeo bám nghiệp vẽ tranh của mình.   

 
Họa sĩ Võ Tấn Thành khi đang phục dựng chân dung anh hùng Điểu Cải qua lời mô tả vào năm 2014

Dưới đôi bàn tay tài hoa của họa sỹ Võ Tấn Thành, những mảnh gương và những chiếc chai đã trở thành chất liệu vẽ tranh độc đáo. Họa sỹ Võ Tấn Thành đã từng vẽ rất nhiều chân dung Bác Hồ, chân dung các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước…Với sự lao động sáng tạo và kinh nghiệm chuyên sâu qua nhiều năm hoạt động nghệ thuật, họa sỹ Võ Tấn Thành đã thực hiện hàng trăm bức chân dung Bác Hồ trong nhiều tư thế và bối cảnh khác nhau vẽ ngược trên kính tráng gương. Phần lớn các bức chân dung này để tặng các cơ quan, đơn vị trong cả nước, được treo nơi trang trọng nhất.
Vẽ tranh trên kính rất khó, bởi phải vẽ ngược. Dụng cụ dùng để vẽ là cọ, màu sử dụng là sơn dầu nên khi vẽ trên kính thì dễ bị trôi hoặc nhòe đi. Do đó phải luyện cho bàn tay đạt đến mức mạnh, nhanh mà uyển chuyển. Do vẽ trên kính màu lâu khô, nên yêu cầu người vẽ phải vẽ liên tục, không được dừng, vẽ cho đến khi xong bức tranh thì thôi. Nếu vẽ đứt đoạn, nghỉ dừng tùy ý thì bức tranh cũng đậm nhạt, đứt đoạn lôi thôi.

 


Họa sĩ Võ tấn Thành bên các tác phẩm của mình

Nói về ý tưởng đưa tác phẩm vẽ ngược chất liệu tranh sơn dầu vẽ trong chai các loại, họa sỹ Võ Tấn Thành cho biết, ông đã ấp ủ ý tưởng này từ những năm 70 thế kỷ trước, khởi nguồn từ việc muốn có một bức tranh chân dung Bác Hồ, vị cha già dân tộc mà họa sỹ Võ Tấn Thánh vô cùng kính yêu. Thời đó, việc làm này rất nguy hiểm, vì nếu  bị phát hiện chắc chắn sẽ bị tra tấn, tù đày. Để qua mắt kẻ địch, ông đã nghĩ ra cách vẽ hai bức chân dung lên cùng một mặt chai. Một trong, một ngoài. Nhìn bên ngoài là chân dung của người thân trong gia đình nhưng nếu xoay lại mặt sau chính là chân dung Bác Hồ. 
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, họa sỹ Võ Tấn Thành tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật vẽ chân dung trong chai, vừa là thú vui tao nhã, vừa để nâng cao tay nghề hội họa. Họa sỹ Võ Tấn Thành cho biết, ông đã vẽ rất nhiều chân dung, nhìn mặt trước của chai là người nam, xoay lại nhìn mặt sau là người nữ hoặc nhìn mặt trước là Tề thiên mặt sau là Trư Bát Giới.... Vẽ chân dung trong chai đã khó, vẽ hai chân dung trên cùng một mặt vỏ chai sao cho đường biên của hai bức chân dung trùng với nhau lại càng khó gấp bội, không phải ai cũng làm được.
Bằng sự sáng tạo, kiên trì lao động nghệ thuật, họa sỹ Võ Tấn Thành đã thực hiện thành công hình tượng 12 con giáp bằng nhựa cứng đặt vào trong những chai pha lê, xem rất lạ mắt và sinh động. Theo họa sỹ, dây là sản phẩm mới được tạo ra bởi kỹ thuật chế tác do chính ông nghiên cứu, chưa có trên thị trường. 
Hiện nay trên thị trường sản phẩm thủ công mỹ nghệ rất phong phú, đa dạng, nhiều cơ sở sản xuất khác nhau, đưa ra rất nhiều chủng loại có giá thành từ vài trăm đến vài triệu đồng tùy thuộc vào chất lượng sản phẩm. Đối với sản phẩm độc lạ, có tính mới, ít người làm ra thì dù giá thành có hơi cao khách hàng cũng sẵn sàng dốc hầu bao để mua vì không đụng hàng. Chất liệu để làm ra sản phẩm hiện nay trên thị trường cũng rất phong phú, thuận lợi để tác giả thực hiện sản phẩm. Tuy nhiên, để thực hiện ý tưởng và các tác phẩm chế tác trong vỏ chai đòi hỏi người thực hiện phải kiên nhẫn, tập trung cao độ mới đạt kết quả. Do vậy, sản phẩm đưa ra thị trường sẽ không lo bị đạo nháy mẫu mã vì  đây là kỹ thuật khó không phải dễ bắt chước.
Hiện tại, công việc chính của họa sỹ Võ Tấn Thành là phục dựng chân dung theo lời kể. Ông là cộng tác viên “ruột” của Phân viện Khoa học Hình sự phía Nam (Bộ Công an) và đã có công rất lớn trong việc tái hiện chân dung hung thủ giống đến 80%, giúp lực lượng công an phá hàng chục vụ trọng án. Đã có rất nhiều bài báo viết về biệt tài tìm lại chân dung qua lời kể của họa sỹ Võ Tấn Thành, từ báo giấy cho đến báo điện tử. Khoảng hai mươi năm trở lại đây, do nhu cầu bức thiết về việc tâm linh, phong tục thờ cúng Tổ tiên, Ông Bà, Cha Mẹ của người Việt, người thân của gia đình đã quá cố mà chưa có hình ảnh để thờ cúng và lưu niệm, nhiều khách hàng ở xa đã tìm đến nhờ họa sỹ Võ Tấn Thành giúp đỡ, đặc biệt là các gia đình liệt sỹ đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Và chỉ qua lời kể và sự miêu tả của người thân, bạn bè người quá cố, họa sỹ Võ Tấn Thành đã phục dựng được hàng trăm chân dung liệt sỹ được các gia đình, người thân đang thờ phụng. Một công việc thầm lặng nhưng dầy mang ý nghĩa nhân văn và cũng là niềm tự hào của người dân vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai.
Được biết, giải pháp “Căn bản họa hình mô tả chân dung” của họa sỹ Vỗ Tấn Thành đã đạt được giải nhì tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Đồng Nai, giải ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc năm 2008, được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng khen, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cấp hai bằng Lao động sáng tạo, Bộ Công An tặng kỷ niệm chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc, Liên hiệp hội văn học nghệ thuật Việt nam tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, đồng thời được UBND tỉnh Đồng Nai tặng nhiều bằng khen. Riêng về vẽ tranh, ảnh trong chai đã đạt được giải ba tại Hội thi “Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai tổ chức, giải khuyến khích Cuộc thi Sản phẩm Thủ công Mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai năm 2015 do Sở Công Thương tổ chức./.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news