Khuyến công
Thành lập và duy trì mạng lưới cộng tác viên khuyến công tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai là một trong những địa phương của cả nước có ngành công nghiệp phát triển mạnh và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đồng Nai cũng là địa phương tiên phong trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với kết quả hoàn thành thắng lợi nhiệm xây dựng nông thôn mới ở 133/133 xã trong toàn tỉnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2019 của tỉnh là 9,1% . Tuy nhiên, công nghiệp chỉ mới phát triển mạnh ở địa bàn đô thị hóa cao như thành phố Biên Hòa và các huyện Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch (tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của các huyện này chiếm 93% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh), giá trị sản xuất công nghiệp các huyện còn lại chiếm tỷ trọng không đáng kể. Với 9.806 (tính đến tháng 9 năm 2020) cơ sở sản xuất nhưng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) tỉnh Đồng Nai chỉ chiếm 9,2% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Thực tế năng lực cạnh tranh của CNNT trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp và tồn tại nhiều vấn đề như: quy mô nhỏ, phát triển chưa đều về ngành, địa phương; trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống quản lý chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất trong tiến trình hội nhập; khả năng tiếp cận nguồn vốn kể cả hỗ trợ ưu đãi còn nhiều hạn chế.

Thực hiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất CNNT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 05 năm 2012 của Chính phủ về Khuyến công, các hoạt động khuyến công triển khai trên địa bàn tỉnh đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Thông qua hoạt động khuyến công, vai trò, vị trí của các cơ quan quản lý nhà nước về Công Thương ở địa phương được nâng cao, tạo sự gắn kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp. Hoạt động khuyến công có hiệu quả, là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, sự vào cuộc của các cấp, các ngành của Tỉnh, sự phối hợp với các địa phương trong đó có vai trò nòng cốt trong tham mưu, quản lý nhà nước của Sở Công Thương và công tác triển khai thực hiện của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Nai.

Từ khi thành lập và hoạt động đến nay, tổ chức bộ máy hoạt động khuyến công chỉ có ở cấp tỉnh là Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp, không có chi nhánh trực thuộc ở huyện. Đối với cấp huyện, phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng phân công 01 công chức kiêm nhiệm theo dõi công tác khuyến công, cấp xã không có cán bộ chuyên trách theo dõi công tác khuyến công mà nhiệm vụ này được kiêm nhiệm bởi cán bộ theo dõi công nghiệp-thương mại. Do chưa có hệ thống cán bộ khuyến công từ tỉnh đến cấp xã, số lượng biên chế của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp có hạn nên trong quá trình tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai chính sách khuyến công và nắm tình hình hoạt động của các cơ sở CNNT.

Do đó, nhằm thực hiện nhiệm vụ khuyến công hàng năm đạt hiệu quả cao, trong quá trình triển khai các hoạt động khuyến công đảm bảo được sự phối hợp đồng bộ của cơ quan, các cấp thẩm quyền, đồng thời giải quyết khó khăn về nguồn nhân lực phục vụ triển khai hoạt động khuyến công đến cấp xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp đã tham mưu Sở Công Thương xây dựng đề án Thành lập và duy trì mạng lưới cộng tác viên khuyến công tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020 – 2025 và trình UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt theo Quyết định số 3096/QĐ-UBND ngày 25/8/2020. Theo đó, việc hình thành mạng lưới cộng tác viên khuyến công chia hai giai đoạn. Giai đoạn 2020 -2021 thực hiện thí điểm phân bổ cộng tác viên ở 03 địa phương Xuân Lộc, Trảng Bom, Nhơn Trạch gồm 20 người, gồm 01 lãnh đạo phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng phụ trách công thương làm tổ trưởng và cộng tác viên khuyến công cấp xã của mỗi huyện từ 05-06 người, ưu tiên bố trí cho các xã đã và đang phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Giai đoạn từ năm 2022 đến hết năm 2025 mở rộng đến 65 cộng tác viên phân bổ ở các huyện, thành phố còn lại của tỉnh.

Bắt đầu từ tháng 10/2020 mạng lưới cộng tác viên khuyến công giai đoạn 1 chính thức đi vào hoạt động. Kỳ vọng việc thành lập mạng lưới cộng tác viên khuyến công sẽ tạo ra đầu mối triển khai các hoạt động khuyến công và tham gia tư vấn, hướng dẫn cơ sở CNNT tiếp cận chính sách khuyến công tại địa phương phụ trách; giúp UBND cấp huyện, cấp xã, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp triển khai chính sách khuyến công được kịp thời, hiệu quả. Nắm bắt tình hình các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, lập kế hoạch và đề xuất các hoạt động khuyến công cụ thể phù hợp với nhu cầu và năng lực của các cơ sở CNNT theo định hướng chương trình, kế hoạch khuyến công của tỉnh. Góp phần thúc đẩy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm, nhất là các sản phẩm CNNT tiêu biểu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ. Giúp các cơ sở sản xuất CNNT nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tăng doanh thu và lợi nhuận, tăng thêm các nguồn thuế đóng góp cho ngân sách địa phương./.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news