Tin Tức
THÀNH PHỐ LONG KHÁNH HỖ TRỢ CƠ SỞ CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN ĐẦU TƯ ĐÚNG HƯỚNG, HIỆU QUẢ

Thành phố Long Khánh là địa phương có vị trí địa thuận lợi, là cửa ngõ phía Đông của tỉnh Đồng Nai, với các đầu mối giao thông quan trọng như: quốc lộ 1A, quốc lộ 56 đi Bà Rịa - Vũng Tàu, đường sắt Bắc - Nam, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành -  Dầu Giây, Dầu Giây – Phan Thiết kết nối thành phố với các trung tâm kinh tế lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực Nam Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ rất thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì thế hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển nhanh và mạnh.

Trong năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát cùng với việc thực hiện giãn cách xã hội, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn nói chung, nhất các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, được sư quan tâm hỗ trợ giúp đỡ của các Sở, ngành của tỉnh, đặc biệt là Sở Công Thương và Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp tỉnh Đồng Nai, với các nội dung hỗ trợ từ chính sách khuyến công đã giúp các doanh nghiệp phần nào vượt qua được khó khăn trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trong tình hình khó khăn của dịch bệnh, tuy nhiên đó cũng có thể là cơ hội đối với những doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng thực tế để có chiến lược kinh doanh phù hợp, hiệu quả và nhất là sau khi được thụ hưởng chính sách khuyến công đã phát triển mạnh mẽ về sản phẩm, chất lượng và thị trường tiêu thụ. Cụ thể:

Từ chương trình khuyến công của tỉnh, qua đó đã hỗ trợ kinh phí các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố Long Khánh mạnh dạn đầu tư thiết bị, máy móc, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Điển hình là Công ty TNHH Khổ qua rừng Hiệp Vân - một trong những đơn vị được thụ hưởng từ đề án khuyến công (được hỗ trợ ứng dụng máy đóng gói trà túi lọc, máy sấy khổ qua rừng và lò nấu cao để phục vụ sản xuất, với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 290 triệu đồng).

 

 

Lò nấu cao trà khổ qua rừng của Công ty TNHH Khổ qua rừng Hiệp Vân

 

Trần Thị Hồng Vân - Giám đốc Công ty TNHH Khổ qua rừng Hiệp Vân - cho biết, nhờ được hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chất lượng sản phẩm của công ty đã được nâng cao. Trung bình mỗi ngày công ty sản xuất hơn 1.000 sản phẩm, chi phí nhân công cũng giảm khoảng 60% so với trước đây. Việc hỗ trợ kinh phí đầu tư giúp đơn vị hoàn thiện dây chuyền sản xuất, thiết bị, tăng 15% năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường và tiêu chuẩn xuất khẩu.

Bên cạnh đó, một trong những đơn vị điển hình trong năm vừa qua nhờ thực hiện tốt các chương trình khuyến công để vượt qua khó khăn vươn lên phát triển sản xuất là Cơ sở Tương Việt ở xã Hàng Gòn, Thị xã Long Khánh. Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 do ảnh hưởng chung của tình hình dịch bệnh Covid-19, việc sản xuất sản phẩm nước chấm các loại của cơ sở cũng bị ảnh hưởng. Cũng nhờ được hỗ trợ ứng dụng máy đóng gói tự động (túi nhỏ) sản phẩm nước chấm, giúp doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm đóng gói loại nhỏ để phù hợp với xu hướng thị trường trong thời điểm ảnh hưởng dịch bệnh covid-19.

          Sau khi được hỗ trợ ứng dụng thiết bị tiên tiến trong sản xuất chế biến thực phẩm từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương đã giúp cho cơ sở Tương Việt nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng suất lao động và giảm giá thành sản phẩm. Sự hỗ trợ này là đòn bẩy để doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn. Từ khi đưa dây chuyền sản xuất đóng gói nước chấm loại nhỏ đi vào hoạt động thì mức tiêu thụ sản phẩm cao hơn hẳn so với làm theo phương pháp thủ công, truyền thống và doanh thu của cơ sở cũng tăng. Từ đó cơ sở Tương Việt đã mua sắm thêm nhiều máy đóng gói mới.

Máy đóng gói nước chấm dạng túi nhỏ tự động của Cơ sở Tương Việt 

 

Ông Lê Cao Trực - Chủ cơ sở Tương Việt cho biết: “Năm 2020 là một năm khó khăn, do dịch bệnh COVID-19, đơn hàng giảm, kéo theo việc công nhân phải tạm ngưng việc luân phiên. Vì vậy, chúng tôi chọn phương pháp cải tiến sản phẩm để cho anh chị em công nhân có việc làm ổn định. Qua sự hỗ trợ ứng dụng 02 máy đóng gói tự động từ chương trình khuyến công để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong đợt dịch COVID-19, các hàng quán chỉ được bán mang về. Chính vì vậy, mặt hàng này đã giúp cho cơ sở duy trì được sản xuất và có nguồn thu để trang trải và hỗ trợ cho những anh chị em công nhân phải nghỉ trong đợt COVID-19 vừa rồi. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc hỗ trợ của chương trình khuyến công với cơ sở Tương Việt là rất kịp thời và thiết thực, động viên cơ sở chúng tôi vượt qua khó khăn ban đầu trong đợt dịch Covid-19”.

Những năm qua, các chương trình, đề án khuyến công đã phát huy được hiệu quả thiết thực là động lực, đòn bẩy giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục rà soát các chương trình, đề án khuyến công của tỉnh, Trung ương để từ đó đăng ký hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn theo phương châm “đúng quy định, đúng đối tượng và đúng thời điểm”./.

 

Zalo
news_detail-news