Khuyến công
TRE ĐẠI VIỆT

Từ bao đời, trong tâm thức của người Việt, cây tre đã trở nên quen thuộc và gần gũi với con người. Từ măng tre ngọt bùi trong những bữa ăn đến bẹ tre làm nón, cho đến thân, rể tre dùng làm vật liệu trong xây dựng, sản xuất hàng gia dụng và nguyên liệu cho các ngành công nghiệp. Tre có nhiều tính năng đắc dụng đối với người Việt chúng ta, sử dụng phổ biến làm nhà cửa, bàn ghế, giường chõng, tủ bếp (gác-măng-rê), quang gánh, khung cưởi, cái rổ, cái sàng, cái rế, cái quạt, đôi đũa, cái tăm… và nhiều lắm những vật dụng đời thường của mỗi gia đình.

Trong xu thế phát triển hiện nay, do nguồn nguyên liệu gỗ quý ngày càng trở nên khan hiếm nên nhiều nhà sản xuất kinh doanh quay sang tìm nguồn nguyên liệu khác để thay thế, trong đó tre là đối tượng chủ yếu để khai thác. Tre được chế tác ra nhiều tác phẩm nghệ thuật vừa làm vật dụng, vừa làm trang trí nội thất cho nhà ở, các tụ điểm vui chơi, giải trí, khu sinh thái nghỉ dưỡng. Đặc biệt các mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm từ tre luôn thu hút được sự quan tâm thích thú của nhiều người bởi tính độc đáo và tinh tế của nó. Người nghệ nhân khi chế tác thường cố gắng giữ nguyên màu sắc tự nhiên, hình dáng vốn có của cây tre để sản phẩm làm ra không thể lẫn lộn với chất liệu nào khác được.

Tại Cuộc thi sáng tạo kiểu dáng hàng thủ công mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai năm 2012 do Trung tâm Khuyến công Đồng Nai tổ chức, ông Trần Nam Quý ở xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai đã đến cuộc thi những sản phẩm làm từ tre thật ấn tượng và độc đáo. Sản phẩm của ông được ban tổ chức, ban giám khảo cuộc thi đánh giá cao về giá trị thẩm mỹ, tính công dụng cũng như ưu thế phát triển sản xuất và đạt được giải cao của cuộc thi với 01 giải ba, 01 giải khuyến khích. Nói về cơ duyên đã đưa mình đến với sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, ông Quý bộc bạch: Là người thợ thủ công lâu năm từng chế tác ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng nhiều chất liệu khác nhau, tình cờ trong chuyến đi thăm người quen quê ở Bình Dương vào năm 2008 thấy rừng tre đang bị san ủi bật cả gốc để giải phóng mặt bằng quy hoạch khu công nghiệp, ông thấy tiếc và đã nhặt một số cây về để cạnh bên nhà. Một ý tưởng trong ông để bắt đầu trong công việc chế tác thêm một loại hình nghệ thuật mới từ tre. Nghĩ là làm, ngay hôm sau ông thu xếp công việc ở Cẩm Mỹ, sang Bình Dương thuê một nơi ở nhỏ gần rừng tre và bắt tay ngay vào công việc tìm tòi, lựa chọn từng bụi cây tre ưng ý, ông đã dành cả khối óc tinh tế và đôi tay tài hoa ngày ngày đục đẽo, gọt, chạm trổ để thổi hồn vào tre. Từ những gốc tre thô sơ, gần như vô giá trị nhưng  với niềm đam mê sáng tạo và đầu tư công sức Ông đã biến hoá thành những kiệt tác nghệ thuật đẹp và độc đáo, đa dạng mẫu mã. Giá bán cũng dao động nhiều mức, thấp nhất là trăm ngàn đồng, cao nhất là vài chục triệu đồng. Sản phẩm làm ra chủ yếu bán cho người địa phương, một số sản phẩm làm theo đơn đặt hàng của khách. Tùy thuộc vào kiểu dáng từng bụi tre mà ông có ngẫu hứng sáng tác ra những kiểu dáng khác nhau, tuy nhiên ông cũng hết sức quan tâm đầu tư nghiên cứu những mẫu sản phẩm có khả năng sản xuất với số lượng nhiều khi khách hàng có yêu cầu.

Nhận ra tre là nguồn nguyên liệu dồi dào, vùng miền nào cũng có và dễ trồng, nhanh phát triển, thu hoạch trong thời gian ngắn, tuổi thọ của bụi tre sống rất lâu, bản thân tre khi đưa vào sản xuất dể dàng, không đầu tư công sức nhiều, sản phẩm làm ra có độ thẩm mỹ cao, độ bền chắc. Đầu năm 2013, ông đem nghề về quê nhà lập cơ sở Tre Đại Việt ở xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Hiện cơ sở đã hoạt động sản xuất, bước đầu lao động chỉ có hai thợ chính và năm thợ phụ đang được học nghề. Thuận lợi cho cơ sở là vùng đất Cẩm Mỹ nói riêng và khu vực Đồng Nai nói chung có nguồn tre dồi dào nên tận dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương cũng có phần giảm bớt chi phí. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới thành lập, cơ sở còn gặp nhiều khó khăn về vốn, về lao động, sản phẩm còn trong giai đoạn tìm kiếm thị trường đầu ra  cũng làm ông có nhiều trăn trở. Tâm huyết của ông là phát triển mạnh mẽ nghề thủ công mỹ nghệ tre tại địa phương, sản phẩm Tre Đại Việt có được thị trường tiêu thụ rộng rãi trong nước và tương lai là thị trường ngoài nước.

Sản phẩm Tre Đại Việt có giá trị văn hoá cao, bên cạnh yếu tố nghệ thuật, sản phẩm còn mang ý nghĩa kinh tế góp phần cải thiện đời sống cho người lao động cũng như tận dụng nguyên liệu tại địa phương. Những người thợ thủ công có tay nghề lâu năm, lòng nhiệt huyết trong sáng tạo nghệ thuật như ông Quý trong điều kiện hiện nay thật đáng trân trọng và tôn vinh. Cơ sở Tre Đại Việt hoạt động hiệu quả sẽ góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho người dân ở địa phương, góp phần phát triển công nghiệp nông thôn của huyện Cẩm Mỹ. Với những chương trình khuyến công, chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn do các Sở, ngành, UBND huyện Cẩm Mỹ phối hợp triển khai, tin rằng những hoạch định phát triển nghề của ông Quý sắp tới sẽ dễ dàng thực hiện hơn. Kết bài xin dành cho ông Trần Nam Quý những lời chúc tốt đẹp và mong cho những công việc ông đang làm được nhiều thuận lợi, đạt được kết quả tốt đẹp./.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news