Khuyến công
CẢI THIỆN CÔNG TÁC LẬP KẾ HOẠCH KHUYẾN CÔNG

Trong thời gian qua, hoạt động khuyến công bằng nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp đã hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CSCNNT) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút và giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong các ngành dệt may, giày da, chế biến gỗ, mây tre đan, gốm mỹ nghệ, chế biến nông sản thực phẩm... Các CSCNNT thụ hưởng chính sách khuyến công đã tăng trưởng đáng kể về doanh thu, nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực. Qua khảo sát đánh giá hiệu quả chương trình, đề án giai đoạn 2011-2016 do Sở Công Thương tổ chức với sự tham gia của các sở, ngành liên quan trong tháng 9 vừa qua cho thấy các đề án hỗ trợ đều mang lại hiệu quả cho CSCNNT, nhất là đào tạo nghề theo nhu cầu của cơ sở công nghiệp và ứng dụng máy móc tiên tiến. Một số doanh nghiệp đã tăng trưởng đáng kể sau ba năm kể từ khi   được hỗ trợ khuyến công và đã vượt ra khỏi nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ với tổng nguồn vốn tại thời điểm khảo sát từ 120 tỷ đồng trở lên như Công ty TNHH Giày Tuấn Việt – huyện Long Thành, Công ty TNHH Giày Dép Tân Hợp – huyện Vĩnh Cửu, Công ty TNHH MTV sản xuất thức ăn chăn nuôi Bình Minh – huyện Thống Nhất.

 

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng trong thực tế phát triển công nghiệp nông thôn và thực thi chính sách khuyến công trên địa bàn tỉnh vẫn còn những vấn đề tồn tại chưa thể giải quyết triệt để. Trao đổi với Ban biên tập Bản tin Khuyến công về tình hình hoạt động 9 tháng năm 2017, ông Lâm Quang Liêm – Giám đốc Trung tâm Khuyến công Đồng Nai cho biết trong số 17 đề án khuyến công trình phê duyệt với tổng kinh phí thực hiện hơn 3,5 tỷ đồng chỉ có 06 đề án được triển khai ngay từ 6 tháng đầu năm, còn lại 11 đề án triển khai từ quý 3/2017 và trong quý 4/2017 sẽ tiếp tục trình phê duyệt và triển khai không dưới 05 đề án nữa. Nguyên nhân của việc tập trung nhiệm vụ của cả năm chủ yếu vào 6 tháng cuối năm là do khâu xây dựng kế hoạch khuyến công của UBND cấp huyện chưa đảm bảo theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-UBND ngày 30/12/2015 v/v quy định về việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-UBND, hàng năm căn cứ chương trình khuyến công đã được phê duyệt, Trung tâm Khuyến công (TTKC) hướng dẫn các địa phương xây dựng, đăng ký kế hoạch khuyến công trên cơ sở các đề án khuyến công đăng ký. Kế hoạch này được gửi về TTKC vào tháng 5 để tổng hợp, trên cơ sở đó Trung tâm Khuyến công xây dựng kế hoạch khuyến công năm sau bao gồm: kế hoạch khuyến công địa phương (bao gồm các đề án khuyến công thực hiện bằng nguồn kinh phí khuyến công địa phương) trình UBND tỉnh phê duyệt hoặc kế hoạch khuyến công quốc gia (bao gồm các đề án khuyến công thực hiện bằng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia) trình Bộ Công Thương phê duyệt. Do vậy, các địa phương cần phải chủ động đảm bảo chất lượng, tiến độ xây dựng kế hoạch khuyến công.

Kế hoạch khuyến công được lập trên cơ sở báo cáo đánh giá kết quả thực hiện công tác khuyến công năm trước, tình hình thực hiện kế hoạch khuyến công của năm hiện tại, mục tiêu và định hướng công tác khuyến công của năm sau đối với từng địa phương. Kèm theo đó là biểu tổng hợp các đề án khuyến công do các cơ sở công nghiệp nông thôn đăng ký và bổ sung thêm các đề án của UBND cấp huyện, kèm theo hồ sơ các đề án khuyến công theo quy định. UBND huyện chịu trách nhiệm thẩm tra sơ bộ về đối tượng, ngành nghề, nội dung hoạt động khuyến công trước khi gửi hồ sơ về TTKC. Sau đó,  TTKC sẽ thẩm tra hồ sơ đề án khuyến công của các địa phương và bổ sung thêm các đề án, nhiệm vụ của Trung tâm Khuyến công để tổng hợp kế hoạch khuyến công trình Sở Công Thương thẩm định.

Để công tác lập kế hoạch khuyến công đảm bảo yêu cầu đề ra, các địa phương và cơ sở công nghiệp nông thôn cần chú ý lựa chọn đề án khuyến công xem xét trên các phương diện:

- Các điều kiện pháp lý của đề án khuyến công: Hồ sơ có đủ theo quy định và có hợp lệ không? Tư cách pháp nhân và năng lực của đơn vị thực hiện đề án có đảm bảo không.

- Mục tiêu của đề án khuyến công: Xem xét trên các khía cạnh là có phù hợp với nội dung hoạt động khuyến công hay không? Có phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương hay không?

- Tài chính của đề án khuyến công: Kiểm tra các chỉ tiêu của đề án về tính hợp lý, tính thực tiễn của đề án. Kiểm tra các phép tính toán đã hợp lý chưa? Đã phù hợp với chế độ tài chính hiện hành chưa?...

- Về mặt kinh tế xã hội: Đề án có sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, có tạo công ăn việc làm, năng cao thu nhập, cải thiện đời sống?...

- Khâu tổ chức triển khai thực hiện đề án khuyến công: phải đảm bảo có sự tham gia thực sự của các thành phần quản lý, thực hiện, phối hợp và thụ hưởng.

Các đề án khuyến công phù hợp với tiêu chí đặt ra được lựa chọn là căn cứ để xây dựng kế hoạch khuyến công. Kèm theo kế hoạch khuyến công do UBND cấp huyện lập là các hồ sơ đề án khuyến công do đơn vị thụ hưởng lập, gồm 02 bộ:

- Công văn đề nghị của đơn vị thụ hưởng;

- Bản sao hợp lệ Giấy đăng ký kinh doanh;

- Bảng cân đối kế toán gần nhất (đối với doanh nghiệp, hợp tác xã)

- Đề án khuyến công và các tài liệu kèm theo. Tùy theo từng dạng đề án Sở Công Thương sẽ quy định các tài liệu kèm theo để phục vụ công tác thẩm định./.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news