Tin Tức
CƠ SỞ CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN TRƯỚC XU THẾ PHÁT TRIỂN CỦA THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Đại dịch COVID-19 đã tạo tiền đề cho lĩnh vực bán lẻ, mua sắm online bùng nổ mạnh mẽ do quá trình giãn cách xã hội và tư duy giảm tiếp xúc trong đại bộ phận người dân. Các doanh nghiệp theo đó buộc phải thích ứng tình hình chung bằng cách triển khai hình thức cửa hàng trực tuyến. Việc mua sắm trực tuyến cho phép khách hàng xem trước và mua sản phẩm thông qua các nội dung livestream đã trở thành lựa chọn của đông đảo người tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa với việc ngành thương mại điện tử (TMĐT) cũng được hưởng lợi, sự tăng trưởng vượt lên theo cấp lũy tiến.  

Trong bối cảnh ngày càng tăng cường độ cạnh tranh và nhu cầu mua sắm tiện ích của người tiêu dùng, việc tham gia các sàn TMĐT trong và ngoài nước đã trở thành xu thế không thể phớt lờ đối với doanh nghiệp. Đây là một cơ hội vô cùng quan trọng để doanh nghiệp trong nước nói chung, cơ sở công nghiệp nông thôn nói riêng tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng thời cũng giúp nâng cao tầm nhìn và định vị thương hiệu trên phạm vi quốc tế. Những cơ sở, doanh nghiệp tham gia TMĐT có cơ hội tiếp cận hàng triệu khách hàng tiềm năng, tận dụng các công nghệ và dịch vụ hiện đại để tối ưu hóa quy trình kinh doanh và tăng cường hiệu quả.

Tại nước ta, mua sắm trực tuyến đã trở nên quen thuộc với nhiều người, nhất là kể từ sau đại dịch COVID-19. Mua, bán hàng hóa qua các sàn TMĐT Shopee, Lazada, Sendo, Voso, Tiki, Postmart,... không còn mới mẻ và xa lạ với người tiêu dùng Việt hiện nay. Để nâng cao vai trò của TMĐT và phát triển kinh tế miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, trong thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cũng đặc biệt quan tâm và đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền thông qua thương mại điện tử. Trong đó, nhiều hoạt động phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương với những nền tảng TMĐT lớn như Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada, Postmart,... đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa trên các sàn TMĐT. Nhờ vậy, nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã được đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh TMĐT, từ đó mang đến làn sóng mới trong sản xuất kinh doanh và giảm sự phụ thuộc vào phương thức bán hàng truyền thống.

Tại hội thảo quản lý và phát triển TMĐT toàn quốc do Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) tổ chức tại tỉnh Bình Định trong tháng 9/2023, đại diện Sở Công Thương đã có phần trình bày chia sẻ kinh nghiệm quản lý và phát triển TMĐT tại Đồng Nai trong thời gian qua. Trong đó, tập trung vào các nội dung như: hỗ trợ gian hàng trên sàn giao dịch TMĐT để thực hiện giới thiệu, quảng bá, bán hàng trực tuyến, điều tra thống kê về TMĐT.

Tại Đồng Nai sàn TMĐT (ecdn.vn) chính thức được ra mắt từ cuối năm 2021. Điểm nổi bật của ecdn.vn là sàn TMĐT đầu tiên ở các địa phương trên cả nước ứng dụng, tích hợp thanh toán trực tuyến, kết hợp với dịch vụ logistics… Đến nay, Sở Công Thương đã kết nối, hỗ trợ miễn phí cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tham gia đưa hàng hóa lên sàn để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Theo nhiều doanh nghiệp, cở sở CNNT đã đưa hàng hóa lên trang ecdn.vn, các sở, ngành, đơn vị liên quan đã có nhiều hỗ trợ để kết nối đưa sản phẩm lên sàn cũng như đăng tải thông tin, hình ảnh về sản phẩm, hỗ trợ thanh toán, vận chuyển đơn hàng… Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán) Liu Thị Yến cho biết, công ty đã được hỗ trợ đưa trên 12 mặt hàng lên sàn TMĐT Đồng Nai. Về ưu điểm, hiện sàn đã được tích hợp hỗ trợ thanh toán bằng mã QR như các sàn TMĐT lớn, khách hàng khi đặt hàng cần thanh toán trước. Hơn thế nữa, đây là sàn TMĐT của địa phương nên độ uy tín, chất lượng hàng hóa được đảm bảo, được hỗ trợ miễn phí việc đưa hàng hóa lên sàn.

Buổi lễ  sàn TMĐT Đồng Nai (ecdn.vn) chính thức được ra mắt từ cuối năm 2021

Tương tự, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (H.Nhơn Trạch) Nguyễn Thị Bích Lệ cho biết, Hợp tác xã đã được Sở Công Thương hỗ trợ đưa sản phẩm lên trang ecdn.vn. Việc đưa hàng hóa lên sàn đã mang lại hiệu ứng tích cực cho việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Khi nhiều người biết đến sản phẩm của Hợp tác xã thì sẽ nâng cao tỷ lệ giao dịch qua sàn TMĐT, bà Nguyễn Thị Bích Lệ, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát khẳng định.

Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, bên cạnh việc nâng cấp chức năng mua sắm hàng hóa trên thiết bị điện thoại di động (Android, iOS) đối với các giao dịch trên sàn TMĐT Đồng Nai, Sở sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền về sàn TMĐT Đồng Nai; tăng cường hỗ trợ các DN, HTX, nhất là các chủ thể sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP trên địa bàn đưa hàng hóa lên sàn; đồng thời, thường xuyên tổ chức các chương trình, lớp tập huấn nhằm xây dựng thương hiệu và cách thức quảng bá sản phẩm hiệu quả trên môi trường trực tuyến; nâng cao kỹ năng quản trị gian hàng trên sàn TMĐT Đồng Nai; nâng cao việc kinh doanh online hiệu quả trên các kênh TMĐT phổ biến hiện nay./.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news