Tin Tức
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN HÀNG THỦ CÔNG MỸ NGHỆ ĐỒNG NAI

Dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ ngoài giá trị tiêu dùng còn có giá trị tinh thần ẩn chứa trong đó bởi sản phẩm làm ra mang đậm dấu ấn bàn tay tài hoa của người thợ và phong vị độc đáo riêng biệt, truyền thống của vùng miền sản sinh ra nó. 
Tính đến nay, theo số liệu của Cục thống kê tỉnh Đồng Nai.Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 503 cơ sở sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ tập trung ở các ngành gỗ mỹ nghệ, gốm mỹ nghệ, mây tre đan và chế tác đá, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong các năm 2019 là 68.838.000 USD, qua năm 2020 là 69.938.000USD tăng 2%, đến năm 2021 là 77.063.000USD giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.

Nghề làm tranh gạo – Cơ sở tranh gạo Thái Hoàng


 Thực tế nhiều năm qua hàng thủ công mỹ nghệ mẫu mã thiếu sự đa dạng, hình thức thiếu sự đổi mới, chậm cập nhật xu hướng thị trường và giá thành kém sự cạnh tranh. Các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh thường là tự phát, nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Hình thức tiêu thụ trong nước chủ yếu qua bán lẻ trực tiếp cho khách hàng hoặc ký gửi các cửa hàng bán sản phẩm lưu niệm nên hiệu quả về kinh tế chưa cao. Mặt khác, do quy mô nhỏ, các cở sở chưa có sự liên kết kinh doanh nên chưa đủ điều kiện để nhận các đơn đặt hàng trực tiếp từ đối tác nước ngoài. Đáng nói hơn, đa số kiểu dáng sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ dựa trên những chi tiết kỹ thuật của khách hàng cung cấp và sử dụng nhãn mác sản phẩm của khách hàng để xuất khẩu. Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm duy trì phát triển khôi phục nghề nhưng các mặt hàng thủ công mỹ nghệ chưa thật sự tạo dấu ấn riêng, rõ rệt, hướng đến một thị trường cụ thể để nó chiếm lĩnh. Vì vậy, rất cần những giải pháp thực sự đột phá từ phía các cơ sở sản xuất cũng như từ Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển nghề thủ công mỹ nghệ có nền tảng, có đầu tư và luôn giữ nét tinh hoa văn hóa dân tộc.
- Thay đổi tư duy thiết kế:
Thiếu tính sáng tạo, thiếu tìm hiểu thị trường, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết là rào cản lớn nhất đối với sự phát triển nghề thủ công mỹ nghệ. Nếu như trước đây, hàng thủ công mỹ nghệ rất được khách hàng nước ngoài ưa chuộng do tính chất lạ và rẻ thì đến nay, sức hấp dẫn đã bị giảm nhiều mà nguyên nhân chính là trong suốt thời gian qua rất nhiều mẫu mã không có sự thay đổi. Bên cạnh đó một số cơ sở lại chỉ chú tâm vào các thiết kế sản phẩm mang tính “độc nhất” và tính chất “riêng biệt” luôn được đề cao, trong khi khả năng ứng dụng và tính thương mại chưa được chú ý nhiều. Vì vậy nhà sản xuất và kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ cần chú trọng tìm hiểu kỹ hơn về đặc điểm của thị trường từ kích thước, kiểu dáng phù hợp với điều kiện khí hậu, đặc trưng văn hóa, tập quán sinh hoạt, độ tuổi, mức thu nhập theo từng đối tượng, yêu cầu thời trang kết hợp với ý tưởng độc đáo, sáng tạo. Việc xâm nhập vào thị trường đủ mạnh và đủ sức cạnh tranh với các “đối thủ” thì nhà sản xuất nên chủ động tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng để sáng tạo ra những sản phẩm phù hợp là rất cần thiết.
- Hình thành các mối liên kết phát triển nghề thủ công mỹ nghệ:
Mang nặng phương thức nhỏ lẻ của các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ ảnh hưởng lớn đến sự đồng đều về chất lượng sản phẩm. Vì vậy, việc liên kết kinh doanh giữa các cơ sở sản xuất cùng chung lĩnh vực, hoặc khác lĩnh vực và gắn kết cơ sở với làng nghề sẽ giúp các cơ sở nhỏ thay đổi tư duy trong thiết kế mẫu mã sản phẩm, sự chuyên nghiệp trong sản xuất, đáp ứng được những đơn hàng lớn.
Quan hệ liên kết giữa các cơ sở sản xuất với nhau sẽ tạo nên mối quan hệ hợp tác sản xuất, trong đó có sự chuyên môn hóa các mặt hàng theo đúng sở trường kỹ thuật từng cơ sở. Đặc biệt, sự liên kết giữa các nghề khác nhau còn tạo ra khả năng phối hợp các chất liệu, các kỹ thuật gia công trên cùng một sản phẩm, khắc phục sự đơn điệu của sản phẩm. 
Hình thành làng nghề hoặc cụm làng nghề thủ công mỹ nghệ có lợi thế về gắn kết vùng nguyên liệu tại chỗ, khâu vận chuyển nguyên liệu, giá thành rẻ, tạo việc làm cũng như tạo ra các mối liên hệ chặt chẽ trong việc tập hợp, thu gom và tìm đầu ra cho sản phẩm.
- Chiến lược quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ, xây dựng mô hình  du lịch làng nghề.
Hiện nay, hầu như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ chỉ sản xuất dựa trên các mẫu thiết kế của khách hàng mang tới và cũng không ít các cơ sở sản xuất theo kiểu sao chép của người khác mà không có ý tưởng mới. Đến khi có cơ hội thì cũng không thể nắm bắt được để quảng bá sản phẩm khiến cho khách hàng nhớ đến. Ngoài việc sản phẩm đáp ứng được yêu cầu về đầu tư ý tưởng sáng tạo, phù hợp với nhu cầu thì thiết kế trang web thủ công mỹ nghệ riêng cho doanh nghiệp là con đường thuận tiện và nhanh nhất để quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước. Các hình thức tham gia trưng bày tại các hội chợ triển lãm, khu du lịch làng nghề cũng thu hút khách hàng ấn tượng và biết đến sản phẩm nhiều hơn. Việc đầu tư đúng mức các quầy hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ kết hợp tái hiện lại làng nghề truyền thống thu nhỏ giúp quan khách không chỉ được tham quan, mua sắm mà còn được tự tay làm ra những sản phẩm mình ưa thích. Đồng Nai có rất nhiều có nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ, có nhiều quang cảnh đẹp như Cù lao Ba xê, Cù Lao Hiệp Hòa, Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Văn Miếu Trấn Biên, khu du lịch Bửu Long, thác Giang Điền, thác Mơ, núi Chứa Chan, Rừng Nam Cát Tiên... Nếu mô hình khu du lịch gắn với làng nghề được các cấp chính quyền triển khai đồng bộ và hiệu quả trên địa bàn tỉnh thì các mặt hàng thủ công mỹ nghệ sẽ có thêm cơ hội được bảo tồn, duy trì và phát triển, tìm được thị trường tiêu thụ ổn định.
- Quan tâm đội ngũ kế thừa, bảo tồn và phát huy nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Đồng Nai

Giá trị của một sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở chỗ được tạo ra từ chính đôi bàn tay người nghệ nhân làm ra. Trở thành một nghệ nhân phải xuất phát từ lòng đam mê và phải qua một quá trình học tập rèn luyện lâu dài và không ngừng cải tiến. Vì vậy quan tâm bồi dưỡng, truyền nghề cho thế hệ “hậu bối” là thật sự cần thiết. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống mang ý nghĩa giáo dục về tinh hoa văn hóa dân tộc từ đó có ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Các nghệ nhân bên cạnh việc giữ gìn vốn cổ, cần có sự nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu để sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
- Tạo động lực từ Chính sách Khuyến công:
Hỗ trợ phát triển các cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc các ngành, nghề có khả năng cạnh tranh, có tiềm năng phát triển thị trường trong nước và có thế mạnh xuất khẩu, trong đó có nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống là một trong những mục tiêu tổng quát của Chương trình Khuyến công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo Nghị định 45/2012/NĐ-CP của Chính Phủ. Được sự chỉ đạo của UBND Tỉnh, Sở Công Thương và sự phối hợp với các Sở ban ngành liên quan, sau nhiều năm triển khai hoạt động, Trung tâm Khuyến công đã đạt được những kết quả nhất định. 
Thực hiện chương trình phát triển hoạt động tư vấn và cung cấp thông tin bằng hình thức thu thập, cập nhật thông tin, nhiều hành ảnh, hoạt động, thông tin các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ được đăng tải trên trang Website Trung tâm Khuyến công, nhằm tư vấn giới thiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Các chuyên đề Khuyến công, các bài viết được đăng định kỳ trên Đặc san Công Thương và Bản tin Khuyến công đều phản ánh được tình hình hoạt động thuận lợi và khó khăn của của các cơ sở SX CNNT, từ đó định hướng giải pháp phát triển ổn định lâu dài của các ngành nghề TCMN trong giai đoạn hiện nay. Thông qua các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, công tác khuyến công đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn tìm kiếm các đối tác kinh doanh và xây dựng cơ sở vệ tinh trong trong và ngoài tỉnh.
Các chương trình tổ chức Xét tặng danh hiệu Nghệ nhân, Thợ giỏi, Người có công đưa nghề về địa phương – Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh hàng năm không chỉ nhằm phát hiện các sản phẩm có giá trị chất lượng, sáng tạo, có tiềm năng phát triển và tôn vinh những thợ giỏi, nghệ nhân có tay nghề kỹ thuật cao, góp phần tích cực nâng cao khả năng cạnh tranh để tiếp cận thị trường thế giới mà qua đó nhấn mạnh được quyền lợi và các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước mà các tổ chức, cá nhân được công nhận một trong các danh hiệu.
Phát triển hàng thủ công mỹ nghệ không chỉ dựa vào sự nổ lực từ các cơ sở sản xuất mà cần có sự quan tâm tạo điều kiện từ phía Nhà nước thông qua các chính sách hỗ trợ gián tiếp lẫn trực tiếp. Xác định đúng vai trò, vị trí và tầm quan trọng của ngành nghề thủ công mỹ nghệ trong quá trình đô thị hóa là rất cần thiết nhằm phát triển nghề vươn lên xứng tầm với những tiềm năng mà nó đang có. Hàng thủ công mỹ nghệ hướng đến và ổn định thị trường xuất khẩu không chỉ đóng góp vào phát triển kinh tế toàn tỉnh mà còn mang cả “hồn” dân tộc Việt đến các dân tộc anh em trên thế giới.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news