Khuyến công
Gốm Biên Hòa - Sắc màu cuộc sống

Bắt nguồn từ sự kết hợp của hai dòng gốm Việt – Hoa vào giữa thế kỷ XVII và ứng dụng những thành tựu của Trường dạy nghề Biên Hòa (thành lập năm 1903, nay là trường Cao đẳng Trang trí mỹ thuật Đồng Nai), gốm Biên Hòa đã nhanh chóng trở thành một dòng gốm mỹ thuật đặc trưng cho đến những năm 50 của thế kỷ XX với tên gọi nổi tiếng “Gốm mỹ nghệ Biên Hòa”. Với đặc điểm nổi bật trong kỹ thuật khắc chìm và phối men nhiều màu trên sản phẩm gốm sành xốp lửa trung, kết hợp giữa trang trí và hội họa trên gốm. Từ những thể nghiệm sáng tạo đầu tiên trong sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống của gốm bản địa và kỹ thuật gốm phương Tây, gốm Biên Hòa đã nhanh chóng khẳng định ưu thế độc lập và xu hướng riêng. Cùng với gốm Lái Thiêu (Bình Dương) và gốm Cây Mai (Sài Gòn), gốm Biên Hòa đã góp phần đánh dấu một giai đoạn phát triển của nghệ thuật gốm Việt Nam mang phong cách Nam Bộ trong giai đoạn cận - hiện đại. Và cho đến ngày nay, gốm Biên Hoà trải qua hàng trăm năm lúc thăng, lúc trầm vẫn tiếp tục tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ, gia dụng phục vụ nhu cầu đa dạng của cuộc sống hiện đại, đáp ứng cả thị trường trong và ngoài nước. Nhiều sản phẩm gốm Biên Hoà đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật mang đậm hơi thở đương đại từ những đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân gốm, đem đến những giá trị mới cho một dòng gốm truyền thống độc đáo của vùng đất phương Nam.


Một số công trình nghệ thuật sử dụng chất liệu gốm Biên Hòa lưu dấu thời gian như: mái tiền đình Công trình kiến trúc Đình Tân Lân tọa lạc ở phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa. Đó là những mảng trang gốm với nhiều cảnh trí, hàng trăm tượng người, vật, bằng gốm sứ men xanh thể hiện các điển tích của văn hóa Á Đông như: Lưỡng long tranh châu, Lý ngư hóa long, Bát tiên quá hải, Quan Công phò thị tẩu, Múa hát cung đình, Nhật, Nguyệt… Các tượng được các nghệ nhân tài hoa thể hiện một cách sống động, qua bao thời gian vẫn vẹn nguyên sắc màu, đường nét; Di tích Đài kỷ niệm, còn gọi là Đài Chiến sĩ, ở phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa là công trình kiến trúc đặc sắc mô phỏng theo kiểu ngọ môn Huế thời nhà Nguyễn. Công trình có hai trụ đá với những mảng trang trí tinh tế. Trên thân trụ đá có câu đối chữ Hán được thực hiện công phu bằng màu sắc hài hòa. Bên chân hai trụ có hình tượng lân chầu bằng gốm. Bốn góc chân đài có hình ảnh của tượng rồng làm bằng gốm men xanh Biên Hòa tỏa xuất ra bốn hướng; Di tích Nhà hội Bình Trước ở phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa có kiến trúc khá độc đáo, được xây dựng bởi những nghệ nhân về nghề xây dựng, gốm Biên Hòa. Một trong những nét nổi bật của di tích này là những mảng trang trí bằng gốm nghệ thuật, những bức phù điêu gồm với đề tài truyền thống xã hội Việt Nam được thực hiện công phu, sắc sảo...
Sản phẩm gốm Biên Hòa rất đa dạng về thẩm mỹ bởi cách thể hiện và tài hoa của mỗi nghệ nhân là khác nhau. Có người ảnh hưởng từ nghệ thuật gốm ngoài Bắc, có người Hoa người Khơ me ở tứ xứ nên làm gốm càng đa dạng hơn từ các hoa văn, hình ảnh.
Theo Nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến – Giám đốc Công ty TNHH Gốm Hiến Nam cho biết, việc sản xuất các sản phẩm gốm tại cơ sở cũng nghiên cứu thị trường gốm trong nước là chính, vì dòng sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công chủ yếu hướng đến các dòng khách hàng tiêu thụ để trang trí nội thất ở Việt Nam. Gốm Hiến Nam hiện tại chuyên sản xuất các sản phẩm về gốm mỹ thuật phục vụ quà tặng, quà lưu niệm; gốm phục chế phục vụ tại các đình, chùa; làm khuôn mẫu cho Công ty CP Gốm Việt Thành và các cơ sở và công ty sản xuất gốm khác trên địa bàn thành phố Biên hòa. 
Mặc dù đã có nhiều công nghệ mới ra đời nâng cao hơn nghệ thuật sản xuất gốm nhưng đối với các nghệ nhân gốm, họ vẫn luôn giữ lại cách làm gốm thủ công truyền thống sáng tạo ra những tác phẩm mang hồn cốt của gốm Biên Hòa xưa. Gốm mỹ nghệ Biên Hòa ngày nay dù sáng tạo nhiều kiểu mẫu màu sắc so với trước đây nhưng màu men luôn giữ được nét đặc trưng của gốm Biên Hòa xưa. Tuy nhiên, việc cải tiến công nghệ sản xuất, chuyển đổi kỹ thuật nung gốm từ lò củi sang lò ga nhằm bảo vệ môi trường cũng mang lại nhiều khó khăn cho các cơ sở gốm đen, các cơ sở sản xuất mất rất nhiều thời gian để điều chỉnh kỹ thuật làm sao sản phẩm gốm làm ra vẫn giữ được nét đặc trưng của gốm nung củi và thuyết phục được sự hài lòng của khách hàng.
Là một cơ sở có 5 đời gắn bó với dòng gốm đen của Biên Hòa, Công ty TNHH TM-SX-XNK Gốm Phong Sơn cũng là một trong những cơ sở đang nổ lực tìm cách cải tiến công nghệ lò nung gốm đất đen chuyển sang đốt bằng ga để bảo vệ môi trường nhằm duy trì dòng gốm truyền thống bên cạnh dòng gốm đất trắng dùng để sản xuất hàng mỹ nghệ trang trí. Dù trải qua nhiều thăng trầm, cơ sở vẫn luôn nỗ lực để giữ nghề. Sản phẩm lu, hũ, chậu sành của doanh nghiệp xuất khẩu qua Châu Âu, Nhật bản, Hoa Kỳ trung bình mỗi tháng khoảng 3 container, giải quyết việc làm và thu nhập cho hơn 50 lao động. Ông Hứa Mỹ Chiêu – Giám đốc Công ty TNHH TM-SX-XNK Gốm Phong Sơn chia sẻ: “Sản phẩm gốm nung củi rất đặc trưng về tính chất thủ công, màu sắc tự nhiên do độ nóng của lửa đốt củi và cấu trúc lò nung tạo thành, khi chuyển qua nung ga chất lượng sản phẩm chỉ đạt khoảng 90% so với nung củi, về màu sắc thì khá đều màu có sự công nghiệp hóa nên không được tự nhiên trong khi thị hiếu của khách hàng nước ngoài lại thích những sản phẩm thô mộc tự nhiên của Việt Nam trước kia. Vì vậy, doanh nghiệp cố gắng cải tiến nhiều về mọi mặt để tối ưu hóa chất lượng sản phẩm để khách hàng chấp nhận sản phẩm mới. Hiện nay, tại Gốm Phong Sơn còn đang sản xuất dòng gốm men chà và đạt bước khả quan ban đầu khi được sự đón nhận của khách hàng”.

 

 
Sản phẩm gốm đen tại cơ sở gốm Phong Sơn


Theo một số cơ sở sản xuất, gốm mỹ nghệ là ngành nghề truyền thống lâu đời thể hiện văn hóa, lịch sử và con người Đồng Nai. Do đó để bảo tồn phát triển nghề gốm cần xác định gốm mỹ nghệ là ngành nghề được ưu tiên khuyến khích đầu tư phát triển. Để vực dậy gốm Biên hòa cần có sự chung tay của chính quyền địa phương với nhiều chính sách hợp lý cùng những người có tâm huyết với nghề gốm. Năm 2017, để bảo tồn phát triển nghề gốm Biên Hòa, tỉnh đã thành lập Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh tại phường Tân Hạnh để các cơ sở gốm di dời vào nhằm thuận lợi hơn cho việc sản xuất kinh doanh và quảng bá gốm Biên Hòa. 
Ngoài chế tác đá, sự tồn tại của nghề gốm là minh chứng cho giá trị văn hóa địa phương trong suốt lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Biên Hòa. Ngày 26/6/2019, nghề gốm mỹ nghệ Biên Hòa chính thức UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống và là nghề truyền thống duy nhất trên địa bàn tỉnh được công nhận cho đến thời điểm này. 
Bên cạnh sự quan tâm tạo điều kiện của nhà nước, các cơ sở, doanh nghiệp gốm cần áp dụng công nghệ sản xuất phù hợp, tiết kiệm năng lượng, đảm bảo các tiêu chí về môi trường. Song song đó chủ động nghiên cứu, nâng cao giá trị, đa dạng mẫu mã các sản phẩm gốm, có phương án để giữ chân các nghệ nhân, đào tạo lao động, tăng cường các chương trình, hoạt động quảng bá thương hiệu… để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao thu nhập, đời sống người lao động. Và hơn hết là bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc gốm Biên Hòa – Đồng Nai./.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news