Khuyến công
SẢN PHẨM THỦ CÔNG MỸ NGHỆ ĐỒNG NAI

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với những điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lao động dồi dào, Đồng Nai không chỉ được biết đến là một trong những địa phương năng động, có công nghiệp phát triển mà còn có nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ. Tuy chưa có làng nghề truyền thống nhưng ngành nghề thủ công mỹ nghệ (TCMN) của tỉnh Đồng Nai rất đa dạng và phong phú. Có thể nói sản phẩm TCMN của Đồng Nai là kết quả của sự tác động từ quá trình phát triển công nghiệp hiện đại vừa là sự giao thoa các ngành nghề truyền thống bản địa và du nhập từ các địa phương khác. Sự giao thoa văn hóa các vùng miền đã tạo ra nét văn hóa riêng và đã được kết tinh trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ qua đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân dân gian. Mỗi ngành nghề đều gắn với văn hóa riêng của từng địa phương, tên nghề gắn liền với từng địa danh như: Gốm Biên Hòa, Đá Bửu Long, Đúc gang Vĩnh Cửu, Mây tre đan Định Quán, Gỗ Mỹ nghệ Trảng Bom, Xuân Lộc, Dệt thổ cẩm Tà Lài…

( Tranh gạo - Thái Hoàng)

Vài năm gần đây trên thị trường đã xuất hiện những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có phong cách mới, lạ được nhiều người biết như: tranh ghép gốm Mosa, tranh gạo Thái Hoàng; tranh đá quý Ngọc Thơm ở TP. Biên Hòa; chậu, bình hoa, tượng làm bằng chất liệu composite của công ty TNHH Nhân Tuấn Nhân huyện Vĩnh Cửu, Công ty TNHH Văn Lê huyện Long Thành, sản phẩm tre ghép của cơ sở Tre Đại Việt huyện Cẩm Mỹ... làm cho mặt hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh Đồng Nai càng thêm phong phú, đa dạng. Giá trị sản xuất công nghiệp 09 tháng năm 2013 (theo giá 2010) của nhóm ngành thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh đạt 3.692 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động.
Xưa kia dòng gốm Biên Hoà một thời danh tiếng bởi chất liệu men độc đáo và kỹ thuật tạo hình sắc xảo với những sản phẩm đặc trưng như: tượng mỹ thuật, bình, đôn, lu, chậu, đĩa trang trí, ấm chén, đèn lồng, phù điêu …thì nay sản phẩm gốm mỹ nghệ đã cải biển rất nhiều từ phong cách sáng tác cho đến kỹ thuật chế tác. Mỹ thuật công nghiệp đã được ứng dụng rộng rãi vào thiết kế gốm mỹ nghệ, chất liệu men truyền thống nhường chỗ cho các loại men công nghiệp. Sản phẩm gốm mỹ nghệ Đồng Nai bây giờ là sự kết hợp giữa nghệ thuật gốm Biên Hòa xưa và phong cách mỹ thuật đương đại. Tiêu biểu cho dòng sản phẩm này chính là Tranh ghép gốm Đồng Nai của Công ty TNHH MTV Mosa, tọa lạc trên đường 30/4, thành phố Biên Hòa.

Tranh gốm

( Tranh gốm)

Sản phẩm tranh ghép gốm được tạo nên từ vô số mảnh gốm nhỏ nhiều sắc màu, qua bàn tay tỉ mỉ của các nghệ nhân, được ghép lại cạnh nhau theo một chủ ý nhất định và hình thành nên những tác phẩm nghệ thuật thực sự, chắc khỏe, độc đáo, có một sức thu hút khó kìm chế được. Đây là những sản phẩm bền bĩ với thời gian, có thể trưng bày cả trong nhà và ngoài trời, hay tự tạo nên những mảng tường trang trí độc đáo, phù hợp cho các công trình thể thao, văn hóa, tôn giáo…Quy trình chế tác một bức tranh ghép gốm cũng thật công phu. Bắt đầu từ ý tưởng, họa sĩ phác thảo nên bức tranh mẫu với đầy đủ sắc màu dự kiến. Căn cứ trên sắc màu này, các nghệ nhân bắt đầu pha chế men gốm. Sau khi qua lò nung ở nhiệt độ khoảng 1.200oC, các miếng gốm với đủ sắc màu cần thiết cho bức tranh hình thành. Bắt đầu công đoạn chế tác, căn cứ vào hình dạng cụ thể của từng mảng màu và tông màu, sắc độ màu của từng vị trí trên tranh, nghệ nhân dùng kềm bấm tạo hình chi tiết cho từng mảnh gốm. Một bức tranh có thể có từ vài trăm đến vài chục ngàn mảnh ghép thủ công như thế tùy theo độ phức tạp. Về màu sắc, để hoàn thiện, tác phẩm sẽ cần có từ vài chục đến vài trăm màu men khác nhau. Không có mảnh gốm nào giống nhau hoàn toàn về hình dạng và màu sắc, nhưng tất cả sau khi ghép chung với nhau, làm nên một tuyệt phẩm gốm lung linh sắc màu. 
Đây là loại hình gốm nghệ thuật mới lạ được kế thừa kỹ thuật cổ châu Âu, kinh nghiệm của người Hoa, sự khéo léo của người Việt, truyền thống men Biên Hòa, cùng với một số kỹ thuật mới và hỗ trợ của các phần mềm thiết kế chuyên nghiệp đã thu hút hàng ngàn khách tham quan với những lời ngợi khen tán tụng tại một số cuộc triển lãm nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương ở những năm gần đây. Hy vọng đây là một dòng sản phẩm sẽ tạo nên sự khác biệt, bổ sung cho truyền thống gốm Biên Hòa.
Cùng khoảng thời gian xuất hiện với nghề gốm, nghề chế tác đá ở phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa đã từng vang danh một thời. Sản phẩm được chế biến, chế tác đá xanh trong xây dựng và trang trí như: kệ đá, cột đá, đỉnh đá, voi, sấu, lân, rùa, đèn lồng, mộ bia...được thị trường trong nước và nước ngoài ưa chuộng. Nhiều năm trở lại đây, nghề này dần mai một bởi khó khăn trong việc khai thác nguồn nguyên liệu, mặt bằng sản xuất, điều kiện môi trường. Hiện chỉ còn một vài cơ sở duy trì sản xuất nhỏ lẻ hòng giữ lại nghề truyền truyền của ông cha. Cuộc sống theo dòng trào lưu giải trí, ngày nay, việc thưởng lãm nghệ thuật đòi hỏi tác phẩm phải chứa đựng những tinh tế của thiên nhiên, giá trị văn hóa trong sáng tạo ý tưởng và đôi bàn tay tài tình của người nghệ nhân Từ nghề chế tác đá truyền thống, những con người Đồng Nai đã biến tấu phát triển thêm nghề thủ công mỹ nghệ tranh đá quý, tranh đá màu, chế tác vật trang trí bằng đá quý phần nào bù trừ khoảng khuyết của nghề chế tác đá truyền thống hàng trăm năm đã gần như  mất danh.

( Tranh đá Ngọc Thơm)

 Công ty TNHH mỹ nghệ Ngọc Thơm, phường Tân Phong, TP Biên Hòa từ năm 2009 đến nay đã tung ra thị trường mặt  hàng tranh đá quý. Loại hình nghệ thuật này đã có từ rất lâu đời xuất phát từ huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, một tỉnh thuộc miền Bắc nước ta được Cô chủ trẻ Ngọc Thơm khi vào Nam lập nghiệp cô đã cất công mời những người thợ giỏi từ vùng Lục Yên, Yên Bái vào để thành lập cơ sở chế tác tranh đá. Tại hội chợ triển lãm “ Làng nghề - Công nghiệp nông thôn & thương mại” hàng chục tranh đá được ra đời tại Đồng Nai được giới thiệu triển lãm và đón nhận nhiều sự khen ngợi trầm trồ và tìm hỏi thông tin đến để đặt hàng.
Đa dạng chủ đề,đủ kích cỡ như: tranh thủy mạc, tranh chân dung, tranh gia đình... nhìn vào những bức tranh ta thấy lung linh những đường nét thăng hoa của tâm hồn, những cảm xúc dâng trào, mới thật sự khâm phục những người thợ tài hoa với sự cần cù, nhẫn nại, với đôi bàn tay khéo léo, một đôi mắt tinh tường và óc thẩm mỹ cao đã tạo ra những bức tranh nghệ thuật cho đời. Giá trị của mỗi bức tranh được vẽ nên rất tài tình bằng nhiều loại đá quý khác nhau, màu tự nhiên của đá óng ánh, rực rỡ giúp cho màu của bức tranh thêm sống động, mang đậm hơi thở của thiên nhiên. Công đoạn làm tranh cũng khá công phu, khó thực hiện từ việc chế biến nguyên liệu đến bước tạo hình, đòi hỏi người thợ phải có đầu óc tìm tòi sáng tạo và khiếu thẩm mỹ cao, phải có cái nhìn tinh tường, bao quát và  đôi bàn tay khéo léo... thì mới tạo ra được những bức tranh hoàn mỹ. Có những bức tranh đơn giản cũng phải mất 4 -5 ngày, có những bức tranh làm theo đơn đặt hàng đôi khi phải mất hàng tháng trời thì mới hoàn tất. Giá trị một bức tranh tùy theo mức độ quy mô lớn nhỏ và chất liệu đá, màu sắc của đá thấp nhất là 1,5 triệu đến 3 triệu, có những bức tranh lớn do khách đặt hàng thì giá thành lên tới 50 triệu. Vì là những tác phẩm nghệ thuật nên giá trị chênh lệch nhau rất lớn tùy theo chất liệu và ý nghĩa của bức tranh do khách hàng đặt. 
Nhu cầu tinh thần của người dân ngày một nâng cao cùng với sự phát triển của đời sống vật chất. Đây có thể nói là điều kiện rất quyết định cho sự tồn tại của dòng tranh mới này và có giá trị khá xa xỉ. Sự thâm nhập của dòng tranh đá quý đến Đồng Nai sẽ góp phần làm phong phú thêm cho thị trường mặt hàng trang trí thủ công mỹ nghệ của tỉnh nhà.
Gỗ mỹ nghệ ở huyện Trảng Bom với đặc thù sản phẩm nhỏ lắp ghép từ nhiều chi tiết và kết dính bằng keo dán, tận dụng phụ phẩm từ công nghiệp chế biến gỗ, có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển. Sản phẩm gỗ mỹ nghệ Trảng Bom có ưu thế dễ sản xuất hàng loạt, kiểu dáng phù hợp với mọi đối tượng khách hàng. Những mặt hàng gỗ thủ công mỹ nghệ như máy bay, xe tăng, môtô đủ loại, đồng hồ mỏ neo, đồng hồ bánh lái, hộp đựng nữ trang, tranh ghép gỗ,...được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Ngoài những sản phẩm trên, Trảng Bom còn có một sản phẩm độc đáo ít ai ngờ đến, đó là đàn ghita. Các loại đàn Guitar và mandoline làm từ gỗ thông và gỗ hồng đào được chăm chút kỹ lưỡng đến từng chi tiết, được sơn màu bóng loáng làm tăng thêm thẩm mỹ và giá trị cây đàn. Một cây đàn có giá từ 500.000s đồng cho đến vài triệu đồng. Kinh nghiệm sản xuất gỗ mỹ nghệ đã hỗ trợ rất nhiều cho người thợ làm đàn. Dù chưa có tên tuổi trong lĩnh vực sản xuất nhạc cụ nhưng sản phẩm đàn ghita của huyện Trảng Bom không chỉ phục vụ người tiêu dùng trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước khác nhau.
Thủ công mỹ nghệ composite chỉ mới phát triển một vài năm gần đây nhưng đã khẳng định được vị trí trên thị trường sản phẩm trang trí nội thất cao cấp. Đứng đầu về sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở Đồng Nai là Công ty TNHH Văn Lê – huyện Long Thành và Công ty TNHH Nhân Tuấn Nhân – huyện Vĩnh Cửu. Ưu điểm của sản phẩm composite là có thể tạo hình bất kỳ, dễ làm khuôn để sản xuất hàng loạt, nguyên liệu chế tác là nhựa tổng hợp có thể tùy biến theo từng chủng loại sản phẩm, thuận lợi khi tổ chức sản xuất ở qui mô công nghiệp. Công nghệ composite giúp cho phép nhà thiết kế tạo hình từ đơn giản cho đến phức tạp, pha trộn màu sắc tùy thích, sản phẩm thích nghi với mọi điều kiện khí hậu, chịu đựng được môi trường ẩm ướt, khó cháy. 

( Tranh gác bếp - Hồng Sự)

Nghề làm tranh tre gác bếp ở Thị xã Long Khánh và tranh thêu giấy dó ở xã Vĩnh Thanh Nhơn Trạch chỉ mới xuất hiện khoảng ba năm trở lại nhưng đã đưa ra thị trường những sản phẩm độc đáo mang đậm nét văn hóa dân tộc và con người Việt Nam. Tranh tre gác bếp hay tranh thêu giấy dó không phải là loại hình nghệ thuật mới nhưng ở Đồng Nai sản phẩm tranh tre gác bếp, tranh thêu giấy gió mang một phong cách riêng, từ kỹ thuật chế tác cho đến cách sử dụng cũng như phối hợp các chất liệu tạo hình. Nếu không quan sát kỹ, tranh tre gác bếp để bị nhầm lẫn với loại tranh vẽ hoặc in trên nền tre. Ở đây, kỹ thuật khắc, cạo được thực hiện chính xác gần như tuyệt đối bởi vì chỉ một sơ suất nhỏ có thể làm hỏng cả bức tranh. Những bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh hay tranh phong cảnh quê hương Việt Nam được tạo tác thật sống động và có chiều sâu. Tranh giấy dó thì hoàn toàn khác với tranh giấy dó truyền thống ở miền Bắc. Không có in hay vẽ trên chất liệu giấy dó mà ở đây tranh được tạo nên bằng phương pháp thêu tay. Nếu tranh thêu trước giờ sử dụng vải làm cốt liệu nền thì với tranh giấy dó, vải được thay bằng giấy dó. Giấy dó dễ rách nên kỹ thuật thêu phải thật tốt, các mũi thêu phải chính xác, tỉ mỉ và điêu luyện.
Điểm qua một số nghề TCMN mới xuất hiện để thấy rằng Đồng Nai là vùng đất mở, là nơi dung nạp nhiều trào lưu văn hóa gắn liền với lao động thủ công, định hình những ngành nghề thủ công mỹ nghệ đặc thù. Do những tính chất và yêu cầu riêng biệt trong chế tác, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo mới xuất hiện sau này cần có thời gian để tạo thêm những dấu ấn, sự sáng tạo không ngừng trên mỗi sản phẩm. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của các ngành, các cấp trong việc duy trì và phát triển các cơ sở thủ công mỹ nghệ sẽ tạo ra sức bật và đường nét riêng cho sản phẩm công nghiệp nông thôn Đồng Nai./.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news