Khuyến công
NGHỀ ĐIÊU KHẮC GỖ MỸ NGHỆ ĐỐI VỚI NGHỆ NHÂN ƯU TÚ ĐẶNG CÔNG LỘC: “ĐẾN LÀ DUYÊN, GÌN GIỮ NGHỀ LÀ TÂM HUYẾT CẢ ĐỜI”

Bén duyên với nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ từ năm 1992, tiếng đục, tiếng gõ lách cách, mùi gỗ đã trở nên quen thuộc không thể thiếu đối với Ông Đặng Công Lộc như là hơi thở. Từ những gốc cây trơ trụi, kích thước to nhỏ, sần sùi, Ông đã "thổi hồn" cho chúng trở thành những tác phẩm nghệ thuật sống động, hình dáng đa dạng như phật Di Lặc, tượng Phúc Lộc Thọ cho đến các hình chim thú, rồng, ngựa, sư tử…

Cơ sở Minh Toàn Lộc, đóng chân trên địa bàn xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc nơi tập trung nhiều cơ sở điêu khắc gỗ mỹ nghệ, là đứa con tinh thần quý giá mà Ông Đặng Công Lộc gầy dựng và tâm huyết nhất. Nơi đây, Ông cùng những người thợ, những lứa học trò thỏa sức thể hiện niềm đam mê sáng tạo, khéo léo và tài hoa tạo ra những sản phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ tinh xảo, có giá trị nghệ thuật cao. Đây cũng là cách mà Ông Đặng Công Lộc muốn lưu giữ nghề cho các bạn trẻ có mong muốn học nghề và tạo việc làm cho lao động tại địa phương. Đến nay đã có nhiều người được Ông Đặng Công Lộc đào tạo và cùng ông đưa ra thị trường những sản phẩm đặc sắc được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã. Trong đó, có nhiều sản phẩm đã được khách hàng nước ngoài đặt mua. Việc này đã góp phần cho làng nghề gỗ Xuân Tâm ngày càng phát triển và tăng thêm nhiều tiềm năng mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đối với mỗi tác phẩm làm ra, Ông Đặng Công Lộc đều dồn vào đó rất nhiều tâm sức. Tùy vào từng tác phẩm, thời gian hoàn thành gần 01 tháng, nhưng cũng có những bộ sản phẩm phải hơn 01 năm mới hoàn thành. Bắt đầu một tác phẩm, ông phải mất thời gian khoảng 1-2 tuần nghiên cứu để đưa ra ý tưởng tạo hình phù hợp, sau đó mới đục đẽo cắt ghép để tạo ra sản phẩm. Đơn cử là để làm được 14 bức phù điêu cho một nhà thờ, tất cả các chi tiết đều được chạm khắc thủ công nên ông phải mất thời gian hơn 02 năm mới hoàn thành. Làm tượng, tranh phù điêu từ gốc rễ cây đòi hỏi tính sáng tạo, thẩm mỹ, kỹ thuật thể hiện cao hơn nhiều so với làm từ gỗ khối. Vì vậy, người theo nghề phải có năng khiếu và đôi bàn tay khéo léo mới làm ra được những tác phẩm có hồn.

Theo Ông Đặng Công Lộc cho biết, làng nghề gỗ mỹ nghệ Xuân Tâm phát triển cũng do có tính đặc thù riêng không giống với nghề mộc thông thường hay nghề chạm trổ, điêu khắc gỗ khối. Thợ tạc tượng gỗ khối có thể tạo ra hàng trăm pho tượng giống nhau được, nhưng sản phẩm ở đây lại phụ thuộc vào hình thù của mỗi gốc, rễ cây và tự nó gần như đã là một tác phẩm". Ông còn cho biết thêm lao động ngành gỗ mỹ nghệ ở đây hầu hết chưa được đào tạo qua trường lớp bài bản, hình thức học nghề chủ yếu truyền nghề, người đi trước chỉ người đi sau. Nhưng điểm đặc biệt ở họ là sự chuyên tâm với nghề, rất sáng tạo, tỉ mỉ và khéo tay. Một người thợ mới học nghề sẽ được hướng dẫn những chi tiết từ đơn giản đến phức tạp. Để kỹ năng đạt đến độ tinh xảo và có thể tự làm một sản phẩm hoàn chỉnh thời gian học nghề cũng phải mất từ 4-5 năm. Hiện nay, để đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng đòi hỏi những sản phẩm gốc cây phải đa dạng và tinh xảo. Nhu cầu sản xuất nhiều, nguồn nguyên liệu trở nên khan hiếm, có khi những gốc cây khi mang về chưa diễn đạt hết ý tưởng của người nghệ nhân. Vì vậy khi nghĩ ra đề tài, nếu các rễ cây chưa giống định hình sẵn có, phải ghép sao cho giống, quan trọng phải luôn giữ được nét tự nhiên. Tài hoa là ở chỗ người thợ luôn kiên trì, sáng tạo, luôn khám phá, nghiên cứu những đề tài mới. Đó chính là thứ quan trọng, cốt yếu làm nên các tác phẩm, tạo thương hiệu cũng như sự trường tồn của nghề gỗ mỹ nghệ Xuân Tâm.

 

 

 

 Tài năng, tay nghề của Ông Đặng Công Lộc đã được Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều danh hiệu, cụ thể là năm 2012, Ông đã được UBND Tỉnh Đồng Nai phong tặng danh hiệu Nghệ nhân. Và đặc biệt năm 2020, Ông Lộc được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ Nhân Ưu tú trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ. Đây là phần thưởng cao quý, đáng trân trọng nhằm ghi nhận và tôn vinh những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ trên toàn quốc đã có công gìn giữ, phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ. Đối với Cơ sở Minh Toàn Lộc do Ông làm chủ đã làm nên nhiều sản phẩm đạt nhiều giải thưởng như: Năm 2013, sản phẩm “Tượng dân gian” được Chủ tịch UBND Tỉnh công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; sản phẩm “Tượng lão vọng” bằng tre đạt giải khuyến khích Cuộc thi Sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai.

 


Nghệ nhân ưu tú Đặng Công Lộc đang hoàn thiện tác phẩm điêu khắc gỗ Phật Quan Âm

Việc đào tạo, truyền dạy cho các bạn trẻ để duy trì, phát triển nghề gỗ mỹ nghệ luôn là tâm huyết của Nghệ nhân ưu tú Đặng Công Lộc. Được học nghề miễn phí, lại kiếm được thu nhập từ những sản phẩm làm ra nên ông Lộc hy vọng ngày càng có thêm nhiều các bạn trẻ có đam mê theo học và tiếp tục giữ lửa cho nghề điêu khắc gỗ từ gốc cây này. Bởi khi nói đến nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ thì theo ông “Đến với nghề là duyên, gìn giữ nghề là tâm huyết cả đời”./

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news