Khuyến công
GỐM VIỆT - TINH HOA BẢN SẮC VIỆT

Nếu ngoài Bắc có 3 trung tâm gốm cổ truyền (Bát Tràng, Thổ Hà, Hương Canh) thì miền Nam cũng có hai trung tâm gốm lớn, một trong số đó là gốm Đồng Nai. Gốm Đồng Nai (hay còn quen gọi là gốm Biên Hoà) là một trong những làng nghề truyền thống nổi danh đã có ở Đồng Nai trên 300 năm. Từ cuối thế kỷ XIX, và nhất là đầu thế kỷ XX, công nghệ gốm ở đây mới thực sự phát triển mạnh khi mặt hàng gốm mỹ nghệ được mở ra, tạo bước ngoặt cho gốm Đồng Nai. Mỗi lò gốm đều có sản phẩm riêng của mình. Các sản phẩm gốm Biên Hòa cũng rất phong phú về kiểu dáng, đa dạng về chủng loại. Có lò chuyên làm bát, đĩa, ấm, chén... có lò lại chuyên làm nậm, lũ, lu, ang, vại, lại có lò chuyên làm đồ gốm trang trí, như: đôn, thống, chậu hoa... với trăm ngàn mẫu mã khác biệt dễ vừa lòng với mọi khách hàng. Một trong những dòng sản phẩm gốm Biên Hòa được ưa chuộng nhất là tượng. Tượng gốm được các nghệ nhân chú trọng khai thác, sáng tạo bằng tất cả sự ngưỡng vọng và tâm hồn hướng tới chân – thiện – mỹ. Gốm Đồng Nai, có đặc trưng chung là thường dùng men trắng, trang trí hoạ tiết rực rỡ, có một số mẫu mã gốm dùng men xanh làm nền, thường dùng cho các sản phẩm gốm trổ thủng như: đôn, thống, voi sứ... Sản phẩm gốm sứ Đồng Nai, được xuất khẩu sớm, chiếm uy tín cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

Hoạt động trong lĩnh vực gốm mỹ nghệ được hơn 10 năm nay, công ty Cổ Phần Gốm Việt đóng tại xã Hóa An – TP. Biên Hòa lại chọn cho mình một hướng đi mới. Ngay từ khi mới thành lập công ty đã chủ trương đẩy mạnh khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm làm thế mạnh của mình. Sản phẩm của Gốm Việt chủ yếu là hàng lưu niệm, gia dụng, trang trí, mỹ thuật để cung cấp cho thị trường trong nước là các khách sạn, resort 5 sao, khách du lịch nước ngoài và xuất khẩu, các sản phẩm đều mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt, không pha tạp với bất cứ dòng sản phẩm nào. Khách nước ngoài hay trong nước khi nhìn vào sản phẩm là biết gốm Việt Nam. Từ phong cảnh vịnh Hạ Long đến hình ảnh đôi trai gái thổi khèn ở Sa Pa, nữ sinh đạp xe trước nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn, từ những chiếc áo tứ thân, nón lá, chú tễu, chú mục đồng đến những em bé thổi sáo ngồi trên mình con trâu, tất cả các sản phẩm đó đều khoác lên mình những nét đặc trưng của con người, phong tục tập quán của người Việt Nam.

Sản phẩm của Gốm Việt thuộc hàng cao cấp nên tất cả các chi tiết, hoa văn, màu sắc đều phải đẹp. Để có được một bộ tượng phải mất từ 3 - 4 tháng nghiên cứu, làm đi làm lại rất nhiều lần. 4 yếu tố quan trọng của sản phẩm để tạo nên thương hiệu Gốm Việt là kiểu dáng, chất liệu, màu sắc và tính nghệ thuật, từ đó gửi đến khách hàng một thông điệp về giá trị Việt. Hiện nay, ngoài các khách hàng quen thuộc như tại Mỹ và các nước Châu Âu, công ty đã tổ chức được mang lưới bán hàng trên cả nước ở cả 3 miền để giới thiệu sản phẩm của mình đến người tiêu dùng. Có lẽ nhờ vào sản phẩm độc đáo nên doanh nghiệp duy trì sản xuất khá tốt, doanh thu mỗi tháng của công ty hiện vẫn đạt 65 - 70 ngàn USD tạo việc làm và đời sống ổn định cho hơn 30 lao động đang làm việc tại công ty. Hầu hết lao động tại đây đều là những người có tay nghề cao và gắn bó với công ty từ ngày đầu mới thành lập cho tới bây giờ.

Trong 5 năm trở lại đây, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động, công ty Cổ Phần Mỹ Thuật Gốm Việt đã đầu tư hệ thống máy sản xuất chén dĩa tự động cung ứng cho thị trường với các khách hàng như khu nghỉ dưỡng, khách sạn…. Sản phẩm của công ty sau 2 năm có mặt trên thị trường đã được nhiều khách hàng đón nhận, hiện nay các sản phẩm này đã xuất hiện trên bàn ăn của nhiều nhà hàng, khách sạn… nổi tiếng tại Sài Gòn, Phan Thiết, Đà Nẵng, Đà Lạt…. Tuy là dây chuyền mới song lại mang lại doanh thu gần tương đương với dòng sản phẩm lưu niệm của công ty.

Trong tình trạng khó khăn chung hiện nay của ngành gốm cùng với sự cạnh tranh mạnh mẽ của thị trường, công ty CP Mỹ Thuật Gốm Việt đã chọn được hướng đi đúng của mình để phát triển thương hiệu của công ty trong nước cũng như thị trường quốc tế, tạo việc làm ổn định cho người lao động, góp phần vào làm nên thành công chung cho ngành gốm nói chung và gốm Đồng Nai nói riêng./.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news