Khuyến công
Mô hình sản xuất nông thôn giá trị cao từ phụ phẩm của ngành công nghiệp chế biến

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có trên 9.400 cơ sở CNNT, đóng góp gần 9% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Trong đó, chế biến gỗ và chế biến thực phẩm là 02 ngành có giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng cao nhất tuần tự là 22,9% và 15,1%. Đây cũng là những ngành sản sinh ra nhiều phụ phẩm trong quá trình chế biến, lãng phí và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nếu không được xử lý đúng mức.


Sản xuất gỗ mỹ nghệ từ phế phẩm của ngành chế biến gỗ gia dụng


Đồng Nai là một trong những địa phương có thế mạnh về chế biến gỗ, bao gồm gỗ mỹ nghệ. Trong các nhà máy chế biến gỗ luôn có các phụ phẩm chế biến gỗ ở các dạng khác nhau. Từ hơn 20 năm trước, mô hình tái chế phế phẩm từ các nhà máy chế biến gỗ mang lại lợi ích, giá trị về kinh tế đã góp phần xây dựng thương hiệu gỗ mỹ nghệ Trảng Bom hiện giờ. Sự phát triển của các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã tạo cơ hội cho  nghề gỗ mỹ nghệ ở xã Bình Minh phát triển nhờ một lượng lớn gỗ phế phẩm thải ra. Nhờ sử dụng được các phụ phẩm chế biến gỗ để tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ có giá trị xuất khẩu cao, trong những năm qua làng nghề gỗ mỹ nghệ xã Bình Minh đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, góp phần tạo môi trường xanh, sạch, không gây ô nhiễm môi trường.
Từ chỗ chỉ là phế liệu, phế phẩm, qua bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, các mẫu gỗ vụn đã trở thành những mô hình gỗ mỹ nghệ độc đáo xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới nhiều năm qua. Việc sử dụng phế phẩm, phụ phẩm của ngành chế biến gỗ đề làm nguyên liệu sản xuất là một đặc thù của ngành gỗ mỹ nghệ huyện Trảng Bom. Các sản phẩm mô hình phong phú và đa dạng từ xe xích lô, mô tô, ô tô, xe tăng, máy bay Boeing, trực thăng, tàu thuyền, tàu chiến đến mô hình các vũ khí, vật dụng trang trí... có giá từ vài chục đến vài triệu đồng/sản phẩm được các nghệ nhân ở làng nghề gỗ mỹ nghệ Bình Minh chế tác là những món quà lưu niệm, quà tặng, vật phẩm trang trí nội thất được khách hàng trong và ngoài nước ưa thích, tìm mua. 
Tại cơ sở Thành Nhân (ấp Tân Bắc, xã Bình Minh), cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ lớn nhất với hàng trăm mẫu mã đồ gỗ trang trí trong nhà và có lượng sản phẩm xuất khẩu chiếm trên 90% sản phẩm gỗ mỹ nghệ huyện Trảng Bom, những đống gỗ phế liệu cao gần bằng đầu người phủ kín cả khoản sân phía trước cơ sở. 
Theo ông Nguyễn Thành Nhân, chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ Thành Nhân: “Nguyên liệu sản xuất mặt hàng gỗ gia dụng đều là những loại gỗ tốt, nếu tận dụng làm mặt hàng mỹ nghệ, sản phẩm làm ra sau khi xử lý, sơn phủ sẽ có chất lượng và dộ thẩm mỹ cao so với các loại gỗ thông thường. Vùng Hố Nai vốn là thủ phủ gỗ gia dụng nên làng nghề không phải lo thiếu nguyên liệu”.


Theo thống kê, phụ phẩm gỗ chiếm tỷ lệ khối lượng khá cao trong các công đoạn sản xuất, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Thay vì bỏ các phụ phẩm, hiện nay phế liệu gỗ tại các nhà máy đã được dùng để cung cấp nhiệt cho nồi hơi, lò hơi thay cho sử dụng than đá hoặc dầu như trước đây, giúp bảo vệ môi trường và giảm khí thải CO2 hoặc được thu gom, bán lại cho các cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ, doanh nghiệp sản xuất viên nén năng lượng vừa giúp tăng lợi nhuận và vừa giảm thiểu chi phí xử lý môi trường.
Ông Nguyễn Sỹ Thất, chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Trảng Bom cho biết, thời hoàng kim huyện Trảng Bom có trên 50 cơ sở, gia đình làm hàng gỗ mỹ nghệ. Trải qua bao thăng trầm, sóng gió, giờ chỉ còn khoảng 10 cơ sở đang hoạt động, tập trung nhiều nhất ở xã Bình Minh. Mặc dù lịch sử hình thành và phát triển chỉ khoảng 50 năm trở lại đây nhưng sản xuất đồ mỹ nghệ từ phế liệu gỗ từ lâu đã được xem là nghề truyền thống của huyện Trảng Bom.

 
Thức uống dinh dưỡng từ phụ phẩm chế biến xoài 


Mới đây, Công ty TNHH MTV Hoàng Thanh Thuỷ tại xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc đã giới thiệu ra thị trường sản phẩm “Mật xoài” với thành phần 100% đường gluco được trích ly từ dung dịch đường trong quy trình điều vị sản phẩm xoài sấy dẻo. Công đoạn điều vị giúp mùi vị được đồng nhất, thơm ngon hơn, tăng thời gian bảo quản của sản phẩm xoài sấy dẻo được thực hiện bằng cách ngâm xoài trong dung dịch đường 3-5% và bảo quản trong kho lạnh. Sau thời gian điều vị, xoài lát được vớt ra và sắp lên khay để ráo trước khi đưa vào sấy, phần dung dịch đường còn lại nếu không tái sử dụng sẽ phải bỏ đi. Dung dịch đường ngâm xoài thải ra môi trường lâu ngày sẽ phân hủy, phát sinh nhiều chất độc hại, gây hôi thối, vừa lãng phí vừa ảnh hưởng đến môi trường. Qua gợi ý của các chuyên gia trong lĩnh vực chế biến thực phẩm cùng với sự tư vấn, góp ý của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Công nghiệp tỉnh Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Hoàng Thanh Thuỷ đã mạnh dạn đầu tư thiết bị tách đường gluco trong dịch đường ngâm xoài tạo ra loại thức uống thơm ngon, dinh dưỡng, giá thành cực kỳ hợp lý.
Việc sản xuất thức uống có giá trị dinh dưỡng cao từ dịch đường ngâm xoài đã mở ra một hướng đi mới cho ngành chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh nói chung và Công ty TNHH MTV Hoàng Thanh Thuỷ nói riêng. Đây là mô hình mới cần được giới thiệu nhân rộng để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong chế biến xoài, đa dạng hóa sản phẩm, tăng lợi nhuận cho cơ sở CNNT, giải quyết được vấn đề môi trường trong các cơ sở chế biến xoài trên địa bàn.
Gần đây khái niệm mô hình kinh tế tuần hoàn hay kinh tế tuần hoàn trong sản xuất công nghiệp đã bắt đầu được đề cập, quan tâm, được đánh giá là nền tảng của phát triển sản xuất bền vững. Trên địa bàn tỉnh tuy chưa có những mô hình tuần hoàn đầy đủ, đúng nghĩa trong lĩnh vực công nghiệp nhưng đã có những biểu hiện hình thành và phát triển,  chẳng hạn như mô hình sản xuất gỗ mỹ nghệ từ phế phẩm của ngành chế biến gỗ gia dụng hay sản xuất thức uống dinh dưỡng từ phụ phẩm trong quy trình chế biến xoài sấy dẻo tại các cơ sở CNNT./.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news