Khuyến công
TRÀ PHÚ HỘI XƯA VÀ NAY

Theo Địa chỉ Đồng Nai và qua lời kể của các lão niên ở huyện Nhơn Trạch, cây trà Phú Hội đã có từ khi mở đất, lập làng với những cây trà cao ngang đầu người, mọc hiên ngang ở gò đồi. Cách đây gần 100 năm, diện tích trồng trà ở Phú Hội lên đến hàng trăm ha và trở thành nguồn sống chủ yếu của người dân. Thời bấy giờ, nhà nào cũng trồng trà ở khắp đồi cao, cả vườn trước, ngõ sau từ vài ngàn mét vuông đến một, hai ha đất. Nhờ thổ nhưỡng phù hợp, dòng nước ngầm Mạch Bà nuôi dưỡng, những vườn trà trở nên xanh tốt và tạo nên hương vị đặc trưng. Thương hiệu trà Phú Hội cũng nổi tiếng từ đó và được phân phối khắp miệt Biên Hòa, Chợ Lớn. 

Điểm đặc trưng làm nên danh tiếng trà Phú Hội

Một trong những điều làm nên sự khác biệt trong hương vị của trà Phú Hội là cách chế biến dân dã của người dân nơi đây. Lá trà sau khi được thu hoạch vào sớm mai sẽ được phơi héo dưới ánh nắng trong 1 - 2 giờ. Sau đó, lá trà được vò bằng tay để làm xoắn lại và tiếp tục mang đi phơi nắng trong 6 - 8 giờ đến khi thật khô. Công đoạn chế biến trà như thế được xem là hoàn tất và có thể cho vào túi bảo quản, dùng dần. 

Trà Phú Hội có thể trải qua thêm công đoạn sao rang trên bếp than và để nguội. Công đoạn này giúp gia tăng hương vị nhưng vẫn đảm bảo giữ được những dưỡng chất có trong mỗi lá trà. Ngoài ra, trong quá trình phơi và rang nhẹ, người dân Phú Hội còn ướp hương cho trà bằng cách trộn vào các loại lá được thái nhỏ như: lá dứa, lá ba ren, lá trà phật,...

Theo nhiều người dân địa phương, trà Phú Hội chỉ ngon khi được pha với nước Mạch Bà, như là sự hòa quyện không rời, lẽ dĩ nhiên khi kết hợp tinh hoa giữa đất - trời. Mạch Bà là một hệ thống mạch nước ngầm chảy qua địa bàn xã Phú Hội đã góp phần hình thành nên những miệt vườn cây ăn trái và cây trà. Bên cạnh đó còn có những đoạn lộ thiên được dùng để phục vụ sinh hoạt cho người dân. Gọi Mạch Bà bởi nơi đây có mạch nước ngọt rất lớn, từ mạch nước ấy sinh ra nhiều mạch con, mạch cháu…Mạch nước lúc thì rướn mình lên khỏi lòng đất, lúc thì chạy ngầm rả rích khắp vùng, tưới tắm nên nhưng đồi chè xanh tốt và vị ngọt thanh đặc trưng của trà Phú Hội.

Khác với trà Thái Nguyên, Lâm Đồng hay những dòng trà danh tiếng vùng rẻo cao miền Bắc, trà Phú Hội không chát đầu, ngọt hậu mà có vị ngon rất riêng biệt. Vị ngọt của trà không đậm gắt mà nhẹ nhàng, dịu mát. Lá trà tươi khi hãm với dòng nước Mạch Bà cho ra màu vàng xanh đẹp mắt, còn lá trà khô khi pha có màu đỏ nâu.

Nỗ lực tìm cách giữ hương cho trà Phú Hội

Theo anh Nguyễn Huy Sang – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội, vào những năm 1980 - 1990 diện tích trà Phú Hội đạt khoảng 50ha nhưng do quyết định thay thế cây trà của nông dân bằng cây ăn trái vì lợi ích kinh tế đã vô tình làm mất đi phần lớn diện tích trà ngày nay và đó cũng là điều mà anh Sang và những người trồng trà tại xã Phú Hội cảm thấy tiếc nuối. Những năm gần đây, Trà Phú Hội lại được người dân trong và ngoài địa phương tìm đến với mong muốn được thưởng thức lại hương vị năm xưa, nhất là những người xa quê đang định cư tại nước ngoài vẫn nhớ mãi hương vị ngọt thanh của trà Phú Hội. Vào dịp tết, nhu cầu tiêu thụ trà tăng cao, có người vừa mua để sử dụng vừa làm quà biếu tết đã làm cho người trồng trà và kinh doanh trà tại xã Phú Hội thấy được tiềm năng, giá trị kinh tế mà cây trà mang lại. Hiện tại, trà Phú Hội được bán với mức giá khá cao, từ 600 – 900 ngàn đồng/kg trà thành phẩm, nhờ đó mà nông dân trồng trà có thêm thu nhập, ổn định kinh tế gia đình. Khi giá trị của cây trà ngày càng tăng, các hộ nông dân mới tìm mọi cách để hồi sinh lại cây trà bằng các phương pháp như chiết cành, nhân giống và chăm sóc thường xuyên.

Cơ hội tìm lại hương cho trà Phú Hội được mở ra khi địa phương triển khai Chương trình OCOP. Biết được chủ trương của huyện và địa phương về việc định hướng khôi phục lại giá trị của trà Phú Hội. anh Nguyễn Huy Sang – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội đồng thời cũng là người tiên phong đưa sản phẩm Trà Phú Hội tham gia Chương trình OCOP đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng khôi phục vùng nguyên liệu trà Phú Hội. Và đây là bước tạo đà mạnh mẽ nhằm mang thương hiệu trà Phú Hội trở lại và tiến xa hơn trên thị trường cả nước.

Trao đổi với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp tại Lễ tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023 tổ chức vào ngày 28/12 vừa qua, anh Sang phấn khởi cho biết: “Sản phẩm trà Phú Hội được được UBND tỉnh chứng nhận và khen thưởng sản phẩm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023 mang lại niềm vinh dự cho tập thể bà con tổ hợp tác trồng trà ở làng Phú Hội. Phát huy thành quả đạt được, hộ kinh doanh Phúc Bảo sẽ tiếp tục hoàn thiện và giới thiệu đến người tiêu dùng sản phâm bột trà Matcha và Trà túi lọc từ cây trà Phú Hội. Những sản phẩm này sẽ hướng đến phân khúc khách hàng là nhân viên văn phòng, những người bận rộn với công việc nhưng vẫn có điều kiện thưởng thức được trà ngon”. 

Anh Sang dự định trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh công tác vận động các hộ dân mở rộng diện tích trồng trà, đồng thời tang cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khâu chế biến để nâng cao chất lượng trà Phú Hội. Theo anh Sang, được công nhận về chất lượng chính là chìa khóa để trà Phú Hội tiến vào một thị trường mới rộng lớn hơn, đa dạng hơn và tiềm năng hơn, đồng thời cũng là đòn bẩy đưa các sản vật đặc trưng của huyện Nhơn Trạch đến với người tiêu dùng trên cả nước./.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news