Khuyến công
LÀM GIÀU TỪ NGHỀ LÀM LỒNG NUÔI CHIM CẢNH

Từ lâu, chim cảnh vốn được coi là thú chơi dân dã, phù hợp với nhiều đối tượng. Đặc biệt, trong nhịp sống vội vã hiện nay thì những phút giây thư giãn với thiên nhiên, với tiếng chim hót líu lo lại càng trở nên quý giá, bởi nó tạo nên một cảm giác yên bình thư thái hiếm có cho mỗi người. Ở những đô thị hiện đại, sở thích nuôi chim cảnh giải trí của con người ngày càng nhiều, theo đó nhu cầu về lồng nuôi chim cũng phong phú hơn, lồng chim được cải biến đa dạng, sản xuất lồng chim cung dần mang tính công nghiệp hơn. Hiện nay, lồng chim bằng thép phủ nhựa rất được thị trường ưa chuộng bởi độ bền gấp nhiều lần so với lồng chim bằng tre, giá cả phù hợp, kiểu dáng đa dạng nhiều màu sắc...

Theo hướng dẫn của cán bộ phòng Kinh tế thị xã Long Khánh, chúng tôi đến thăm cở sở sản xuất lồng chim của anh Nguyễn Thành Công tại ấp Trung Tâm, xã Xuân Lập. Khác với với suy nghĩ ban đầu về cách thức làm lồng chim thủ công như trước đây, quang cảnh hoạt động sản xuất tại cơ sở này khá ấn tượng bởi sự  nhộn nhịp của vài chục con người đang miệt mài lao động cùng máy móc ứng dụng công nghiệp khá tiên tiến. sản phẩm lồng chim đa dạng chất liệu, kiểu dáng và màu sắc.

Theo lời kể của anh Công, trước đây gia đình anh làm rẫy, gia đình chủ yếu sống dựa vào mùa trái cây. Như đã trở thành quy luật “ mất mùa được giá, được mùa mất giá” cũng là nỗi lo toan cho cuộc sống bộn bề. Đến khi anh Công lập gia đình, gia đình bên vợ làm nghề làm lồng chim nhúng nhựa đã nhiều năm được nhiều người biết đến. Hai vợ chồng anh Công và chị Mỹ học nghề và thành lập cơ sở sản xuất đến ngày hôm nay. Đó như là cơ duyên cũng như thuận lợi ban đầu giúp gia đình anh đến với nghề, phát triển kinh tế gia đình bền vững, góp phần giải quyết được việc làm cho một số lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Với 500 triệu đồng đầu tư ban đầu và 15 nhân công, sau hơn 3 năm hoạt động, sản phẩm lồng chim thép phủ nhựa của cơ sở đã đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, bán phổ biến trên thị trường từ Nam ra Bắc. Cơ sở của anh Công hiện nay sản xuất ba loại sản phẩm chính là lồng chim nhúng nhựa, sơn bạc và sơn tĩnh điện với nhiều kiểu dáng và kích cỡ khác nhau, giá dao động từ 20.000 – 40.000 đồng/chiếc. Ngoài ra cơ sở còn sản xuất thêm lồng tắm chim cũng với giá từ 40.000 đồng/chiếc. Vừa qua, cơ sở đã đầu tư máy hàn lưới tự động với chi phí hơn 300 triệu đồng.

Nếu như trước đây việc làm lồng chim thủ công tốn rất nhiều thời gian đòi hỏi người lao động phải tỉ mỉ với nhiều chi tiết gắn với nhau bằng các mối hàn đơn chiếc thì hiện nay dây chuyền máy móc chuyên dùng thay thế quy trình thủ công rất hiệu quả. Để làm ra một chiếc lồng hoàn chỉnh phải trải qua khá nhiều công đoạn. Đầu tiên là khâu kéo kẽm rồi cắt theo kích thước đã định sẵn; tiếp theo là xếp kẽm, bấm hàn cố định sau đó qua máy cắt, tạo hình sản phẩm; cuối cùng là công đoạn nhúng nhựa hoặc sơn. Có nhiều loại chi tiết cầu kỳ hơn, kẽm được uốn khéo léo điểm xuyến cho chiếc lồng thêm đẹp đẻ tăng thêm giá trị. Vừa qua, sản phẩm lồng chim của cơ sở được Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn thị xã Long Khánh bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện năm 2014. Việc nắm bắt công nghệ mới ứng dụng vào sản xuất giúp giảm thiểu rất nhiều thời gian, chi phi nhân công, nguyên vật liệu đầu vào cũng được tận dụng tối đa, ít bị hao hụt. Nhờ vậy giá thành sản phẩm bán ra khá mềm, ít dao động, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Nhân công làm việc tại đây thu nhập hàng tháng từ 4 – 5 triệu đồng, ổn định quanh năm. Từ tháng 5 đến tháng 10 là thời điểm chim sinh sản nhiều nên hút hàng nhất, lượng lồng tiêu thụ khoản 10.000 chiếc/tháng với doanh thu hơn 300 triệu đồng/tháng. Đa số các đối tác có nhu cầu cầu đặt số lượng lớn xuất qua Lào và Campuchia. Vào mùa này, cơ sở còn nhận thêm lao động thời vụ chủ yếu là học sinh đang trong dịp nghỉ hè muốn kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Cảm thông và chia sẻ với hoàn cảnh học sinh nghèo hiếu học tại địa phương, anh Công và chị Mỹ còn mua sách vở tặng các em để chuẩn bị cho năm học mới.

Bên cạnh thuận lợi có được, cơ sở cũng còn không ít khó khăn vì vào những tháng còn lại trong năm, lượng hàng tiêu thụ cầm chừng, doanh thu chỉ bằng một nửa so với thời điểm hút hàng nhưng cơ sở vẫn phải duy trì mức độ sản xuất để đảm bảo việc làm cho các anh chị em công nhân tại xưởng đồng thời tích trữ hàng đảm bảo cung cấp cho bạn hàng khi vào mùa. Việc đó đòi hỏi cở sở phải có vốn và nguyên vật liệu để sản xuất trong thời điểm này vì thời gian thu hồi lâu. Mặt khác, xưởng sản xuất trong khu dân cư cũng gây nhiều ảnh hưởng về tiếng ồn đối với các hộ gia đình lân cận, mặt bằng sản xuất nhỏ không đủ diện tích để làm kho lưu trữ nguyên vật liệu. Nhận thấy tiềm năng phát triển cũng như nhu cầu tiêu thụ trên thị trường ngày càng lớn, anh Công dự kiến sẽ chuyển xưởng sản xuất ra khỏi khu dân cư với quy mô lớn hơn. Việc di dời và mở rộng mặt bằng sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị có công nghệ cao để giảm hao tốn chi phí là những điều cần thiết trước mắt của cơ sở trong khi trở ngại chính là nguồn tài chính còn nhiều eo hẹp.

Những khó khăn mà anh Công chia sẻ cũng gần giống như bao trăn trở của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn khác trên địa bàn tỉnh hiện nay. Tìm được nghề phát triển kinh tế gia đình, góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương đã khó mà tìm được hướng phát triển bền vững lâu dài lại càng khó hơn. Sự quan tâm của Nhà nước hỗ trợ kịp thời nhằm động viên khuyến khích phát triển là động lực mà các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trông đợi nhất. Trước mắt, dự án đầu tư máy hàn lưới tự động của cơ sở đã được Trung tâm Khuyến công phối hợp Phòng kinh tế thị xã Long Khánh hướng dẫn thủ tục hồ sơ xin đề nghị hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2014, những nội dung khuyến công khác sẽ được xem xét hỗ trợ cơ sở trong chương trình khuyến công năm 2015 của tỉnh Đồng Nai./.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news