Khuyến công
PHÁT TRIỂN NGUỒN LỰC THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN CƠ SỞ CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN

Theo Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, năm 2024 trên địa bàn tỉnh có hơn 9.360 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), giá trị sản xuất CNNT (theo giá cố định 2010) đạt 78.667 tỷ đồng. Tuy nhiên, đa phần có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, trong đó loại hình hộ kinh doanh chiếm trên 80%.    

Đặc điểm chung của cơ sở CNNT thuộc loại hình kinh tế cá thể, tư nhân là có truyền thống của gia đình, có kinh nghiệm nghề nghiệp nhưng trình độ quản lý sản xuất- kinh doanh, tài chính, kế toán... còn thấp. Lao động chủ yếu là lao động phổ thông, ít được đào tạo, thiếu kỹ năng, trình độ văn hóa thấp. Do hạn chế về qui mô, nguồn lực nên cơ sở CNNT  luôn ở trong vòng lẩn quẩn của năng lực cạnh tranh thấp bởi thiếu vốn, nhưng khó tiếp cận tín dụng do thiếu tài sản thế chấp nên chậm đầu tư đổi mới công nghệ. Công nghệ tụt hậu đi kèm với năng lực quản lý kém nên giá thành cao, năng lực cạnh tranh thấp, ít có cơ hội tiếp cận được các đơn hàng sản xuất với giá trị gia tăng cao. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, dưới áp lực cạnh tranh gay gắt của cơ chế thị trường, không ít cơ sở CNNT phải chấp nhận thu hẹp sản xuất, tạm dừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản vì năng lực cạnh tranh còn thấp.

Qua khảo sát thực tế ở các cơ sở CNNT, chủ cơ sở thường là kỹ sư, kỹ thuật viên hoặc người trực tiếp làm nghề tự đứng ra thành lập và vận hành cơ sở, họ vừa là người quản lý, vừa tham gia trực tiếp vào sản xuất nên mức độ chuyên môn trong quản lý doanh nghiệp không cao. Trên thực tế, hầu hết những người chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa đều không tham gia vào các khóa đào tạo quản lý chính quy, chưa có đủ kiến thức về quản trị doanh nghiệp, chỉ quản lý theo kinh nghiệm và ý kiến chủ quan. Những hạn chế trong năng lực điều hành, quản lý, tiếp cận thông tin đã ảnh hưởng nhiều đến quyết định đầu tư, đổi mới, mở rộng quy mô hoạt động sản xuất hoặc phát triển sản phẩm mới của doanh nghiệp. Nâng cao khả năng cạnh tranh, đổi mới, phát triển bền vững là vấn đề không chỉ riêng các cơ sở CNNT quan tâm. Về mặt quản lý nhà nước các đơn vị liên quan đã và đang triển khai những chính sách hỗ trợ  nhằm thay đổi cơ cấu CNNT của tỉnh, hướng đến giảm loại hình hộ kinh doanh, gia tăng loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), không chỉ tăng về số lượng mà còn phải lớn về qui mô.

Nếu như trước đây, các DNNVV thường nhìn nhận công nghệ là điểm yếu của mình thì trong thời đại cách mạng công nghệ 5.0, DNNVV hoàn toàn có thể tiếp cận công nghệ tiên tiến với chi phí vừa phải. Với các tiến bộ về công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý, các DNNVV có thể sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả hơn thông qua tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng khâu tiêu thụ sản phẩm và chính sách hậu mãi. Trong điều kiện hội nhập, vấn đề đặt ra cho cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là phải tạo được năng lực và lợi thế cạnh tranh trên thị trường cả trong và ngoài nước.

Triển khai Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng  5 năm 2012 của Chính phủ về Khuyến công, trong những năm qua hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương cấp huyện theo hướng tăng dần sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công thông qua các hoạt động hỗ trợ cơ sở CNNT về đào tạo tay nghề, ứng dụng máy móc thiết bị. Bên cạnh đó chương trình tập huấn kiến thức khởi nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng hoạt động kinh doanh theo ngành, nghề của doanh nghiệp cho người đứng đầu và cán bộ quản lý chủ chốt để nâng cao chất lượng quản lý kinh doanh, tăng lợi nhuận và nâng cao năng lực cạnh tranh của cơ sở CNNT.

Trong năm 2024, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp đã triển khai 07 lớp đào tạo về khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp cho 366 học viên là chủ, cán bộ quản lý cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, doanh nghiệp tiềm năng tại các huyện Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Thống Nhất, Trảng Bom, Cẩm Mỹ, thành phố Long Khánh, đạt vượt 22 % kế hoạch.

Qua thực tiễn triển khai đề án khuyến công tại các cơ sở CNNT cho thấy, người chủ hay người quản lý sản xuất hàng ngày quản lý hàng chục công nhân làm việc nhưng đối tượng công nhân lao động tại Việt Nam lại có đặc thù chung như: nhiều vùng miền, trình độ chưa cao và không đồng đều, nhận thức và ý thức còn thấp và khác nhau, tính bè phái và cảm tính, …Do đó, quản lý sản xuất đã khó, quản lý con người, nhất là tác phong nghề nghiệp còn khó hơn, đặc biệt là môi trường công nghiệp nông thôn. Từ đó cho thấy, chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho cơ sở CNNT của Nhà nước là đúng đắn nhưng để đạt được mục tiêu và hiệu quả cao nhất thì phải triển khai đồng bộ hoạt động hỗ trợ nâng cao trình độ quản lý và hỗ trợ ứng dụng công nghệ tiến tiến áp dụng trong sản xuất, hỗ trợ phát triển sản phẩm cho cơ sở CNNT phù hợp với thực tế của từng cơ sở CNNT.

Để làm được điều đó, bên cạnh sự phối hợp đồng bộ từ cấp trung ương đến địa phương để triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nguồn lực cho cơ sở CNNT, thì cơ sở CNNT cũng chú trọng việc cải cách toàn diện mô hình hoạt động sản xuất từ nhân lực, công nghệ sản xuất. Xây dựng “văn hóa doanh nghiệp”, tạo môi trường làm việc thân thiện và chuyên nghiệp, có chế độ chính sách hợp lý để động viên, phát huy trí lực, nâng cao ý thức, nhận thức của từng công nhân vào nhận thức chung của tập thể, của cơ sở CNNT./.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news