Hoạt động tư vấn
SẢN XUẤT SẠCH HƠN VÀ TỐI ƯU HÓA QUY TRÌNH SẢN XUẤT.
ÁP DỤNG CÁC KỸ THUẬT SXSH ĐỂ TỐI ƯU HÓA QUÁ TRÌNH SẢN XUẤT
1.     Quản lý nội vi:
      Quản lý nội vi là một loại giải pháp đơn giản nhất của sản xuất sạch hơn. Quản lý nội vi không đòi hỏi chi phí đầu tư và có thể được thực hiện ngay sau khi xác định được các giải pháp. Các ví dụ của quản lý nội vi có thể là khắc phục các điểm rò rỉ, đóng ván nước hay tắt thiết bị khi không sử dụng để tránh tổn thất. Mặc dù quản lý nội vi là đơn giản nhưng vẫn cần có sự quan tâm của ban lãnh đạo cũng như việc đào tạo nhân viên. Quản lý nội vi nhằm mục đích:
-       Giảm thất thoát nguyên vật liệu & năng lượng.
-       Duy trì tình trạng làm việc ổn định của máy móc/thiết bị.
-       Sử dụng hiệu quả mặt bằng & không gian làm việc.
-       Giảm lãng phí nguyên vật liệu rơi vãi, hỏng... do bảo quản và lưu kho không đúng cách. Giảm/ngăn ngừa các thất thoát lãng phí điện, nước, hơi...
-       Ban hành các quy định tạo thói quen làm việc tốt.
-       Tận dụng chiếu sáng tự nhiên.
2.     Kiểm soát quá trình:
       Kiểm soát quá trình tốt hơn để đảm bảo các điều kiện sản xuất được tối ưu hoá về mặt tiêu thụ nguyên liệu, sản xuất và phát sinh chất thải. Các thông số của quá trình sản xuất như nhiệt độ, thời gian, áp suất, pH, tốc độ... cần được giám sát và duy trì càng gần với điều kiện tối ưu càng tốt. Cũng như với quản lý nội vi, việc kiểm soát quá trình tốt hơn đòi hỏi các quan tâm của ban lãnh đạo cũng như việc giám sát ngày một hoàn chỉnh hơn. Kiểm soát quá trình nhằm mục đích:
-       Chuẩn hóa các điều kiện vận hành
-       Kiểm soát chất lượng & tổ chức sản xuất hiệu quả để giảm lãng phí, thất thoát.
-       Duy trì môi trường sản xuất đáp ứng các yêu cầu chất lượng.
3.   Thay thế nguyên vật liệu:
     Thay đổi nguyên liệu là việc thay thế các nguyên liệu đang sử dụng bằng các nguyên liệu khác thân thiện với môi trường hơn. Thay đổi nguyên liệu còn có thể là việc mua nguyên liệu có chất lượng tốt hơn để đạt được hiệu suất sử dụng cao hơn. Thông thường lượng nguyên liệu sử dụng, chất lượng của nguyên liệu và sản phẩm có mối quan hệ trực tiếp với nhau.
Ví dụ: - Sử dụng hợp kim hàn nhôm chất lượng cao để nâng cao chất lượng mối hàn trong quy trình sản xuất tụ điện cao thế.
- Sử dụng hợp kim Bimetal thép-nhôm trong công nghiệp tàu thủy để giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ và tăng vận tốc của tàu. 
4.  Cải tiến thiết bị/máy móc:
      Cải tiến thiết bị là việc thay đổi thiết bị đã có để nguyên liệu tổn thất ít hơn. Việc cải tiến thiết bị có thể là điều chỉnh tốc độ máy, là tối ưu kích thước kho chứa, là việc bảo ôn bề mặt nóng/lạnh, hoặc thiết kế cải thiện các bộ phận cần thiết trong thiết bị. Một ví dụ của mạ điện là lắp đặt cẩu vớt để thu hồi phần rơi vãi từ các chi tiết được mạ.
    Cải tiến thiết bị là những giải pháp từ đơn giản đến phức tạp với mục tiêu là cải tiến hệ thống máy móc / thiết bị hiện có để nâng cao hiệu suất sử dụng nguyên vật liệu, năng lượng và năng suất.
5.  Áp dụng công nghệ mới:
      Công nghệ sản xuất mới là việc lắp đặt các thiết bị hiện đại và có hiệu quả hơn, ví dụ như lắp đặt nồi hơi hiệu suất cao hơn hay lắp đặt máy nhuộm Jet sử dụng dung tỷ thấp hơn. Giải pháp này yêu cầu chi phí đầu tư cao hơn các giải pháp sản xuất sạch khác, do đó cần phải được nghiên cứu cẩn thận. Mặc dù vậy, tiềm năng tiết kiệm và cải thiện chất lượng có thể cao hơn so với các giải pháp khác. Áp dụng công nghệ mới nhằm mục đích:
-       Sử dụng các công nghệ / thiết bị tiên tiến hơn / hiệu suất cao hơn.
-      Là giải pháp SXSH tốn kém nhất nhưng có nhiều tiềm năng tiết kiệm và nâng cao chất lượng sản phẩm
6.  Tuần hoàn & tái sử dụng/chế tại chỗ và đưa vào sử dụng lại:
     Có thể tuần hoàn các loại dòng thải không thể tránh được trong khu vực sản xuất hoặc bán ra như một loại sản phẩm phụ;  Tận dụng hơi nóng của máy nén khí để sấy gỗ . Tận dụng sản phẩm hỏng để làm gạch kê trong lò nung gốm sứ
7.  Tạo ra các sản phẩm phụ khác
    Tạo ra các sản phẩm phụ là việc thu thập (và xử lý) "các dòng thải" dể có thể trở thành một sản phẩm mới hoặc bán ra cho các cơ sở sản xuất khác. Lượng men bia dư thừa có thể được sử dụng làm thức ăn cho lợn, cho cá hay làm các chất độn thực phẩm. Tận dụng bã mía để đốt lò hơi chạy máy phát điện; Tận dụng xi măng thu gom trong quá trình sản xuất để làm gạch block
8.  Cải tiến sản phẩm:
    Cải thiện chất lượng sản phẩm để làm giảm ô nhiễm cũng là một ý tưởng cơ bản của sản xuất sạch hơn.
    Đổi mới sản phẩm là việc xem xét lại sản phẩm và các yêu cầu đối với sản phẩm đó. Nếu có thể thay một cái nắp dậy kim loại đã được sơn bằng một cái nắp dậy bằng nhựa cho một số sản phẩm nhất định thì đã tránh được các vấn dề về môi trường cũng như các chi phí để sơn hoàn thiện nắp dậy dó. Cải thiện thiết kế sản phẩm có thể đem lại tiết kiệm về tiêu thụ nguyên liệu và lượng hoá chất độc hại sử dụng.
   Cải tiến bao gói có thể là quan trọng. Vấn đề cơ bản là giảm thiểu bao bì sử dụng, đồng thời bảo vệ được sản phẩm. Một ví dụ trong nhóm giải pháp này là sử dụng bìa cac-tông cũ thay cho các loại xốp để bảo vệ các vật dễ vỡ.
   Trên đây là những tóm lược chung nhất để vận dụng SXSH, tối ưu hóa quá trình sản xuất, giúp doanh nghiệp có thể gặt hái được những thành quả khi áp dụng SXSH. Hi vọng những tóm lược này sẽ giúp ích cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện SXSH./.
 

Nguồn tin: Trung tâm tư vấn công nghiệp Đồng Nai
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news