Công tác xét tặng danh hiệu Nghệ nhân, Thợ giỏi, Người có công đưa nghề về địa phương tỉnh Đồng Nai là một trong những nội dung hoạt động khuyến công trọng tâm trong Chương trình Khuyến công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020, được tổ chức mỗi năm một lần theo Quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân, Thợ giỏi, Người có công đưa nghề về địa phương tỉnh Đồng Nai ban hành kèm theo Quyết định số 38/2015/QĐ-UBND ngày 04/11/2015 của UBND tỉnh Đồng Nai và Quyết định số 20/2018/QĐ-UBND ngày 10/4/2018 của UBND tỉnh Đồng Nai về sửa đổi bổ sung một số điều của Quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân, Thợ giỏi, Người có công đưa nghề về địa phương tỉnh Đồng Nai ban hành kèm theo Quyết định số 38/2015/QĐ-UBND ngày 04/11/2015 của UBND tỉnh Đồng Nai.
Anh Hoàng Ngọc Hiến được UBND tỉnh Đồng Nai phong tặng danh hiệu Nghệ nhân gốm mỹ nghệ năm 2017
Mục đích xét tặng các danh hiệu trên nhằm ghi nhận, biểu dương và tôn vinh công lao đóng góp của những nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề về địa phương trong việc góp phần gìn giữ và phát triển ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Khuyến khích, động viên nghệ nhân, thợ giỏi thi đua nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Ảnh minh họa: Hoạt động xét tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề về địa phương
Công tác xét tặng danh hiệu Nghệ nhân, Thợ giỏi, Người có công đưa nghề về địa phương tỉnh Đồng Nai được UBND tỉnh, Sở Công Thương quan tâm chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp Đồng Nai tổ chức triển khai định kỳ mỗi năm một lần. Đây là hoạt động khuyến công đặc thù của tỉnh Đồng Nai. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp đã chủ động, tích cực triển khai đến các huyện, các Cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2016-2020 đã có 02 cá nhân phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú; 06 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân (trong đó 01 cá nhân đang hoạt động nghề gốm mỹ nghệ; 03 cá nhân đang hoạt động nghề gỗ mỹ nghệ và 02 cá nhân đang hoạt động nghề đá mỹ nghệ); 290 cá nhân được phong tặng danh hiệu Thợ giỏi (trong đó phân theo ngành nghề thì ngành gỗ là 53, đá mỹ nghệ là 07, cơ khí là 29, đúc gang là 13, may là 128, đan lát là 24, chế biến nông sản thực phẩm là 15, ươm tơ tằm là 05, làm đàn ghita là 04 và điêu khắc ứng dụng là 01).
Như vậy có thể thấy thì số lượng cá nhân được phong tặng danh hiệu chiếm nhiều nhất là ngành may công nghiệp, kế đến là ngành gỗ và xếp thứ 3 là ngành cơ khí, thứ 4 là đan lát. Ngoài các ngành nghề truyền thống của tỉnh Đồng Nai thì đã xuất hiện một số ngành nghề mới như ươm tơ tằm và điêu khắc ứng dụng tuy nhiên số lượng không đáng kể. Tuy nhiên số lượng cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân không nhiều, nguyên nhân là theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 38/2015/QĐ-UBND thì chỉ xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân đối với cá nhân hoạt động sản xuất trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ nhưng hiện nay với xu hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nên một số ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống thế mạnh của Tỉnh như gốm mỹ nghệ, đá mỹ nghệ đã dần mai một nên số lượng cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này giảm đáng kể, chủ yếu các địa phương đề nghị đối với các cá nhân hoạt động nghề may (may gia công quần áo, giày dép).
Trong quá trình triển khai gặp một số khó khăn, hạn chế như hồ sơ đăng ký cấp tỉnh thường chậm trễ so với thời gian quy định; cơ sở công nghiệp nông thôn với tâm lý e ngại thủ tục hành chính, e ngại ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị nên chưa thực sự quan tâm đến chính sách này; đối với cá nhân người lao động thì việc đề nghị xét tặng chủ yếu xuất phát từ sự vận động của phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng, từ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp; sự tác động của danh hiệu được phong tặng đến sự phát triển của cơ sở công nghiệp nông thôn cũng như tay nghề, hoạt động nghề của cá nhân được phong tặng không đáng kể.
Giai đoạn 2021-2025, công tác xét tặng danh hiệu Nghệ nhân, Thợ giỏi, Người có công đưa nghề về địa phương tỉnh Đồng Nai tiếp tục được triển khai thực hiện theo Chương trình Khuyến công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh đã phê duyệt tại Quyết định số 558/QĐ-UBND ngày 09/02/2021. Để tiếp tục thực hiện công tác này có hiệu quả cần phải thực hiện một số giải pháp sau:
- Tập trung, tăng cường công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng phát huy đội ngũ cộng tác viên khuyến công với hình thức tuyên truyền trực tiếp đến cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh;
- Tập huấn cho cán bộ làm công tác khuyến công các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác xét tặng danh hiệu Nghệ nhân, Thợ giỏi, Người có công đưa nghề về địa phương tỉnh Đồng Nai.
- UBND cấp huyện tích cực quan tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm trong đó có nội dung hoạt động khuyến công về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân, Thợ giỏi, Người có công đưa nghề về địa phương và bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời cho phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng để triển khai thực hiện./.