Phát triển nghề
DUY TRÌ VÀ PHÁT TRIỂN NGHỀ GỖ THỦ CÔNG MỸ NGHỆ HUYỆN TRẢNG BOM
Nếu như trước đây, toàn huyện Trảng Bom có trên 130 cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng gỗ thủ công mỹ nghệ, thì đến nay chỉ còn trên 55 hộ sản xuất, kinh doanh mặt hàng này, trong đó tập trung chủ yếu ở xã Bình Minh, giảm 75 hộ và gần 200 lao động so với năm 2000. Nguyên nhân, là do các hộ sản xuất mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm, không có sự liên kết trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nên thường bị khách hàng ép giá. Hơn nữa những năm gần đây nền kinh tế thế giới bị suy thoái, do đó việc tiêu thụ sản phẩm càng gặp khó khăn hơn, nhiều cơ sở không duy trì được sản xuất nên phải chuyển sang ngành nghề khác. 
        Khó khăn hiện nay là, nhiều cơ sở không có vốn để đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, mà chủ yếu là những máy móc cũ kỹ, thô sơ, lạc hậu, điều kiện lao động không được cải thiện, nhiều người lao động không còn măn mà với nghề, chất lượng sản phẩm không cao, mẫu mã không đẹp mắt, nên dẫn đến khó khăn trong khâu đầu ra cho sản phẩm. Mặt khác, với lối làm ăn nhỏ lẻ, sẽ tạo ra tiềm ẩn tụt hậu trong xu thế hội nhập hiện nay là điều khó tránh khỏi, không có mặt bằng, nhà xưởng, chủ yếu làm hàng cho các cá nhân, doanh nghiệp ở TP.HCM. Chỉ có một vài cơ sở như: cơ sở Nguyễn Thành Nhân ở xã Bình Minh, cơ sở Nguyễn Đựng ở xã Sông Trầu, cơ sở Lê Văn Tuấn, cơ sở Hoài Thu ở xã Quảng Tiến là có nhà xưởng nhưng cũng chỉ là tạm bợ. 
 

 

 
 
  Đứng trước thực trạng trên, huyện Trảng Bom phối hợp với Trung tâm Khuyến công Đồng Nai xây dựng Đề án phát triển nghề gỗ mỹ nghệ trên địa bàn huyện giai đoạn ( 2008 – 2013) và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 46/QĐ-UBND ngày 07/01/2009, trong đó hình thành cụm nghề gỗ mỹ nghệ tại xã Bình Minh, về kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm được ngân sách tỉnh hỗ trợ 60% trong tổng kinh phí đầu tư của dự án, 40% kinh phí còn lại, ngân sách huyện Trảng Bom chi tạm ứng trước cho chủ đầu tư, sau đó được thu hồi lại từ các cơ sở vào cụm. Hiện nay Cụm nghề gỗ đang thi công san lấp mặt bằng và tiến hành xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Đã có 14 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gỗ mỹ nghệ trên địa bàn huyện đăng ký vào cụm, với diện tích đăng ký là 8.200 m2, chiếm tỷ lệ 91,95% trên tổng diện tích đất công nghiệp của cụm. Sau khi cụm đi vào hoạt động sẽ thu hút các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gỗ mỹ nghệ vào cụm và việc sản xuất có nhiều thuận lợi, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, từ đó hoạt động sản xuất mới có tính bền vững. Đồng thời khi cụm được hình thành và đi vào hoạt động thì sẽ thuận lợi hơn trong thực hiện liên doanh, liên kết với các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh để thu hút khách du lịch đến thăm quan và mua sắm các sản phẩm gỗ mỹ nghệ. 
Để duy trì và phát triển nghề gỗ mỹ nghệ một cách bền vững, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì các chủ cơ sở, doanh nghiệp cần phải thay đổi cách nhìn và cách làm. Điều trước tiên là tăng cường tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ mới, duy trì và mở rộng thị trường truyền thống. Từng bước xây dựng thương hiệu làng nghề, tăng cường quảng bá sản phẩm gỗ mỹ nghệ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời phải tìm nguồn đầu tư mới và sáng tạo thêm một số mẫu mã sản phẩm để thích nghi với thị trường thế giới, tăng cường đầu tư, đổi mới máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại, cải thiện điều kiện lao động, thực hiện các hình thức đãi ngộ thích hợp để thu hút người lao động, để tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. Giảm các đầu mối thu gom trung gian, tránh tình trạng sản xuất đơn chiếc nhỏ lẻ, tiêu thụ qua hình thức bán lẻ tại TP.HCM và một số tỉnh trong nước. Bên cạnh đó cần tổ chức thực hiện liên doanh, liên kết trong hoạt động sản xuất kinh doanh.Trước mắt thành lập các câu lạc bộ nghề gỗ thủ công mỹ nghệ chất lượng cao để hỗ nhau trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm được giá bán sản phẩm tốt hơn so với hiện nay và mang lại lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất, khi câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả, thì tiến tới thành lập Hiệp hội nghề gỗ mỹ nghệ để thực hiện quy mô hoạt động ngày càng lớn hơn và vươn xa hơn trong thời gian tới. 
   Với sự hỗ trợ của Nhà nước cùng sự cố gắng nỗ lực vươn lên của các chủ cơ sở, doanh nghiệp và người lao động, thì nghề sản xuất sản phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ trên địa bàn huyện Trảng Bom sẽ được duy trì và ngày càng phát triển.

 

Tin liên quan
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news