Khuyến công
NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC NGÀNH CÔNG THƯƠNG QUA TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG KHUYẾN CÔNG

Công nghiệp nông thôn (CNNT) là một bộ phận của kết cấu ngành công nghiệp.Khuyến khích phát triển CNNT là nhằm giảm bớt những rào cản pháp lý, khoa học công nghệ, tay nghề lao động, trình độ quản lý, giúp cho chủ thể sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khai thác những tiềm năngsẵn có để tạo lợi thế cạnh tranh của cơ sở sản xuất kinh doanh nói riêng và lợi thế cạnh tranh của địa phương nói chung. Phát triển CNNT không chỉ trực tiếp góp phần vào phát triển ngành công nghiệp mà còn kéo theo sự phát triển của các ngành dịch vụ khác, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, từ đó giảm bớt sự chênh lệch về phát triển kinh tế, về thu nhập giữa thành thị và nông thôn, giữa các địa phương, tăng thêm lượng hàng hóa và gia tăng tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Tuy nhiên, thực tế năng lực cạnh tranh của CNNT trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp và tồn tại nhiều vấn đề như: quy mô nhỏ, phát triển chưa đều về ngành, địa phương; trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống quản lý chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất trong tiến trình hội nhập; khả năng tiếp cận nguồn vốn kể cả hỗ trợ ưu đãi còn nhiều hạn chế. Với trên 9.800 cơ sở (trong đó hộ kinh doanh đã chiếm gần 86% tổng số cơ sở CNNT) nhưng tỷ trọng giá trị sản xuất CNNT chỉ khoảng 9%giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Hội nghi ra mắt cộng tác viên khuyến công giai đoạn 2020-2021

Thực hiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất CNNT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 05 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công, các hoạt động khuyến công triển khai trên địa bàn tỉnh đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Vai trò, vị thế công tác khuyến công từng bước được khẳng định trong cộng đồng cơ sở CNNT, không chỉ thực hiện chức năng tư vấn, trợ giúp cơ sở CNNT mà quan trọng hơn hết là phục vụ quản lý Nhà nước ngành công thương đối với lĩnh vực khuyến công.

Thực hiện Công văn số 8985/UBND-ĐT ngày 24/08/2018 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh và không kinh doanh ngoài khu công nghiệp, để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất CNNT, trên cơ sở Thông báo số 2886/TB-SCT ngày 01/8/2019 của Sở Công Thương về hướng dẫn thủ tục đầu tư, môi trường cho các cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2019, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp (Trung tâm) tiếp tục phối hợp Phòng Kinh tế/ Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện rà soát điều kiện thụ hưởng kinh phí khuyến công của cơ sở CNNT trước khi lập hồ sơ đề án, nhiệm vụ khuyến công năm 2020 trình Sở Công Thương thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thẩm định đề án hỗ trợ UDTB trong sản xuất chế biến thực phẩm tại cơ sở Tương Việt

Nhằm đảm bảomục tiêu phát triển CNNT tạo ra lợi thế ngành gắn với quy hoạch phát triển kinh kế - xã hội của địa phương, Sở Công Thương yêu cầu đơn vị thụ hưởng chính sách khuyến công phải là cơ sở CNNT sử dụng đất sản xuất phi nông nghiệp được giới thiệu địa điểm hoặc được phê duyệt chủ trương đầu tư. Trường hợp cơ sở CNNT sử dụng đất ở, nhà ở hợp pháp để đầu tư sản xuất, phải có cam kết môi trường được UBND cấp huyện xác nhận hoặc văn bản của Phòng Tài nguyên Môi trường đối với trường hợp không thuộc đối tượng phải làm cam kết môi trường.Đối với các cơ sở CNNT chưa đáp ứng điều kiện pháp lý trong hoạt động sản xuất theo quy định về thủ tục đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy, Trung tâm phối hợp với Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện tư vấn, hướng dẫn cơ sở CNNT hoàn thiện các thủ tục đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy theo quy định. Trong năm 2020, riêng đối với nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến, Trung tâm đã phối hợp với Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng tư vấn, hướng dẫn cho 07 cơ sở CNNT được UBND cấp huyện đề xuất là đơn vị thụ hưởng chính sách sách khuyến công hoàn thiện các thủ tục về đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy trước khi trình đề án khuyến công. Các đơn vị được tư vấn, trợ giúp gồm có: Công ty THHH Hiệp Vân, Công ty THHH Liên Khanh, cơ sở Tương Việt (thành phố Long Khánh); cơ sở Toàn Dương, cơ sở vang Thanh Long ANNA (huyện Thống Nhất), Hợp tác xã DVNN Trường Phát (huyện Nhơn Trạch); Công ty TNHH Hoàn Mỹ I (huyện Vĩnh Cửu).

Việc siết chặt điều kiện thụ hưởng sẽ khiến nhiều cơ sở CNNT có nhu cầu nhưng không thể tiếp cận được chính sách khuyến công do chưa hoàn thiện các thủ tục liên quan đến đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy nhưng về lâu về dài sẽ đảm bảo được mục tiêu phát triển công nghiệp theo đúng chủ trương của Tỉnh, đảm bảo sự công bằng trong thụ hưởng chính sách khuyến công giữa đơn vị thực hiện tốt các quy định của pháp luật và các đơn vị chưa thực hiện tốt quy định của pháp luật. Điều này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước ngành công thương đối với lĩnh khuyến công mà còn nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước của UBND cấp huyện đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh ngoài khu, cụm công nghiệp.Bước sang năm 2021, Trung tâm tiếp tục kiến nghị Sở Công Thương có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố Long Khánh, thành phố Biên Hòa rà soát điều kiện pháp lý đối với hoạt động của các cơ sở CNNT được UBND cấp huyện đề xuất là đơn vị thụ hưởng chính sách khuyến công./.

 

 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news