Khuyến công
“TỶ PHÚ NÔNG DÂN” TRƯƠNG THANH KHOAN VỚI NGHỀ TẠO TRẦM HƯƠNG TỪ CÂY DÓ BẦU

Trầm hương được biết đến là loại nguyên liệu có chất thơm, quý hiếm. Tinh dầu chiết xuất từ trầm hương được sử dụng làm chất định hương cao cấp cho các loại nước hoa và mỹ phẩm đắt giá điển hình của các nước phương Đông. Trong y học cổ truyền, trầm hương là một vị thuốc dược quý có tác dụng chữa bệnh. Trong phong thuỷ, trầm hương được biết tới nhiều nhất vì nó được xem là vật hút linh khí của trời và đất để tạo ra hương thơm tự nhiên, nên sử dụng các vật phẩm tạo ra từ trầm hương như vòng đeo tay hay trưng bày trong nhà sẽ mang lại nhiều may mắn trong cuộc sống, giúp chủ nhân thuận lợi trong khoa cử, công việc thăng tiến thuận lợi, kinh doanh buôn bán hanh thông…

Khoảng chục năm trở lại đây, hai xã Phú Sơn và Phú Trung của huyện Tân Phú được mệnh danh là thủ phủ Trầm hương không chỉ của địa phương, mà còn có tiếng trong và ngoài tỉnh Đồng Nai. Để làm nên danh tiếng đó, không thể không nhắc đến lão nông Trương Thanh Khoan, ngụ tại ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, người đầu tiên tạo ra chế phẩm vi sinh kích thích tạo trầm hương trên cây dó bầu đã được Cục Sở Hữu Trí Tuệ Bộ Khoa Học Công Nghệ cấp bằng “độc quyền sáng chế phương pháp kích thích cây dó để tạo trầm”, cùng với “Giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa chế phẩm tạo trầm”.

Vẫn với dáng vẻ đôn hậu của người nông dân chất phác, chú Trương Thanh Khoan kể về quá trình tự tìm tòi làm nghề tạo trầm hương từ cây dó bầu khiến cho những ai được nghe đều phải thán phục. Là người nông dân nghèo, rời quê hương từ miền Bắc đến lập nghiệp tại vùng đất Tân Phú, tỉnh Đồng Nai từ năm 1958, cuộc sống bươn chải, ngày qua ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn không sao khá ni. Đến năm 1979, cũng như nhiều người ôm giấc mộng đổi đời với trầm hương, chú Khoan cùng những phu trầm băng rừng, lội suối, vượt đèo dốc vào tận rừng sâu để tìm trầm. Chú đã đi rất nhiều nơi từ Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm Đồng... để tìm cây dó và khai thác trầm hương. Trong thực tế lúc đó cây dó thì có rất nhiều loại, không phải cây nào cũng có trầm. Các phu trầm khai thác bừa bãi, lâu ngày dẫn đến cạn kiệt gần như tuyệt chủng. Đến năm 1983, chú chuyển sang mua bán trầm hương nhỏ lẻ tại địa phương, rồi đem đến các công ty và thương lái ở TP.HCM bán để kiếm lời.

Có lẽ với cây dó, trầm hương đối với chú Khoan dường như có một cái duyên rất lớn. Chú tâm sự: “Trong lòng lúc nào cũng nghĩ đến cây dó và tin tưởng chỉ có có cây dó mới có thể đem lại nguồn kinh tế đột phá cho gia đình”. Trong những năm 1999-2000, chú đã quyết định quay lại rừng tìm những cây dó con mang về thuần dưỡng và chăm sóc. Song song đó chú cũng mua một số ít cây dó đã lai tạo để trồng xen với với cây dó rừng của mình. Khi cây được 8-9 năm tuổi, chú tìm hiểu mua một số hoá chất về khoan tạo, lột vỏ quét nhưng kết quả không như mong muốn, dó không tạo ra trầm hương. Thế nhưng không dễ dàng bỏ cuộc chú vẫn có niềm tin vững vàng với công việc tạo trầm hương từ cây dó bầu mà nhiều người cho rằng “ không bình thường” . Nhớ lại những ngày tháng trong rừng tìm trầm, chú chợt nhớ lại một điều vô cùng độc đáo, sau này nó là bí quyết giúp chú thành công với nghề đến bây giờ. Đó là những cây dó mang trầm trong tự nhiên, hầu như thân cây đều có vết tỳ hoặc lỗ bọng và đều có kiến trú ngụ ở đó. Cũng từ đó, chú đã nghiên cứu sâu về con kiến, thuần dưỡng nó để lấy dịch, cộng với những kiến thức về hóa lý của người con trai lớn đang học Đại học chuyên ngành công nghệ sinh học trợ giúp, để chế tạo ra một dung dịch được gọi là TTK (bao gồm dịch từ kiến, các chất đa trung vi lượng, chất điều hòa sinh trưởng, chất xúc tác, chất dung môi, chất dẫn, vi khuẩn, kháng khuẩn v.v..), sau đó khoan lỗ vào cây dó có đường kính từ 10cm – 15cm (tương đương 8, 9 năm tuổi) gây vết thương hỡ, rồi bơm dung dịch TTK vào, đây gọi là phương pháp nội sinh, khi thu hoạch trầm tích tụ toàn thân cây. Chỉ sau 7 tháng 14 ngày khi cắt cây dó soi sỉa đã cho ra trầm hương, chú Khoan đã gửi mẫu về Hội Trầm Hương Việt Nam, được Hội đánh giá đây là thời gian nhanh nhất từ trước đến nay để có thể tạo ra trầm có chất lượng như vậy.

Với những kết quả bước đầu mang lại, chú Khoan càng quyết tâm hơn, bỏ ra nhiều công sức, tiền của và trí tuệ hơn để duy trì và phát triển rộng rãi trên khắp các vùng miền trong cả nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài, điển hình như Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan v.v...Theo chú Khoan hiện chế phẩm này đã có thể tiến hành cấy trên cây dó có tuổi đời chỉ 4 năm tuổi, chỉ sau 12 tháng cấy là có thể thu hoạch được, tuy nhiên sản phẩm cho ra chỉ có thể là trầm loại 5, loại 6, nếu để lâu sẽ cho ra trầm loại chất lượng cao như loại 3 hay loại 4. Nhưng 4 đến 6 tháng phải bơm thêm chế phẩm vào các lỗ đã khoan, chế phẩm sẽ tấn công mạnh vào tế bào gỗ cây dó, cây dó sẽ tiết ra nhựa bao lại vết thương, lâu ngày sẽ cho ra sản lượng cũng như chất lượng tốt. Tránh được hiện tượng trầm bị lại da sau này. Chú Khoan cho biết với hàng ngàn cây dó trong vườn rẫy đang thời kỳ kinh doanh, mỗi năm gia đình thu lợi hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó còn tạo ra công ăn, việc làm cho hàng chục lao động nhàn rỗi ở địa phương với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. 

Là người có nhiều sáng chế tiêu biểu để phát triển kinh tế hộ gia đình, nhiều năm liền là hộ nông dân tiêu biểu được vinh danh tại các hội thi sáng tạo tỉnh Đồng Nai do Sở KH&CN Đồng Nai tổ chức và hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2013 tại Hà Nội, là nhà nông sáng chế được tặng nhiều bằng khen và giấy khen của Trung ương đến địa phương. Mới đây, lão nông này đã mạnh dạn thành lập hẳn một công ty, với tên gọi công ty TNHH – MTV Trương Thanh Khoan và là một Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ ở ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. 

Không chỉ bán các sản phẩm trầm hương theo trọng lượng, công ty còn chế tác sản phẩm thành cây cảnh, khô mộc dùng để trưng bày. Theo chú Khoan, dòng sản phẩm này hiện được rất nhiều người ưa chuộng và có giá không hề rẻ. Mỗi khô mộc trưng bày có chiều cao từ 1 - 1,5m có giá trên dưới 20 triệu đồng. Đối với những cây có nhiều điểm tích tụ trầm, màu sắc đẹp, thế đẹp có giá từ 50 đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, để tận thu nguồn nguyên liệu trầm hương, chú Khoan cũng tiến hành xây dựng lò chưng cất tinh dầu trầm. Sau khi đục đẽo, phân loại sản phẩm trầm, những thớ gỗ dó bầu có trầm kém hơn sẽ được xay nhuyễn rồi cho vào nồi chưng cất. Quá trình này vừa không tốn chi phí sản xuất vừa loại bỏ gỗ dó bầu thừa. Năm 2016, sản phẩm Trầm cảnh của công ty TNHH – MTV Trương Thanh Khoan được UBND Tỉnh ban hành quyết định công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Đồng Nai và được đánh giá là sản phẩm có nhiều tiềm năng phát triển.

Giá trị trầm hương từ cây dó bầu đã khẳng định được giá trị. Với một doanh nghiệp Khoa học công nghệ nuôi trồng, khai thác và chế tác sản phẩm từ trầm hương như Công ty TNHH – MTV Trương Thanh Khoan đã thay đổi diện mạo mới cho vùng đất xã miền núi Phú Sơn, Tân Phú, góp phần thực hiện mục tiêu nông thôn mới trên địa bàn nói riêng và của toàn huyện Tân Phú nói chung./.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news