Theo số liệu từ Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 933 hộ nuôi chim yến với 1.002 nhà yến; tập trung nhiều ở các huyện: Trảng Bom, Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán và TP.Long Khánh. Theo những người nuôi yến có kinh nghiệm lâu năm, chỉ tính riêng ở Đồng Nai có cả trăm cơ sở nuôi yến mới xây hoặc lâu năm nhưng vẫn chưa khai thác được vì yến không về hoặc về quá ít. Hiện nhiều vùng nhà yến mọc lên san sát càng tăng thêm rủi ro đầu tư không hiệu quả. Chính vì vậy, khi quyết định đầu tư nuôi yến, người nuôi phải khảo sát kỹ để chọn được nơi làm nhà yến phù hợp chứ không phải ở đâu cũng có thể đầu tư.
Đóng trên địa bàn huyện xuân lộc phía tây giáp ranh với tỉnh lâm Đồng và phía bắc giáp ranh với tỉnh Bình Thuận, Dương Vũ là một trong những cơ sở tiên phong nuôi chim yến đầu tiên ở xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. Với khát vọng làm giàu, ông đã đi khắp mọi nơi để đeo đuổi mô hình nuôi chim yến với hy vọng phát triển kinh tế mới, làm chủ khoa học – công nghệ. Đặc biệt hơn, đã áp dụng công nghệ cao vào các khâu ấp trứng, nuôi nhân tạo, di đàn, xây nhà yến, dẫn dụ, khai thác tổ yến với quy mô lớn, chế biến sâu; xây dựng trung tâm kiểm định chất lượng tổ yến, sử dụng phần mềm để quản lý nhà yến uy tín, xây dựng mã định danh quốc gia cho chủ nhà yến cho từng nhà yến, sản xuất sản phẩm theo chuỗi truy xuất được nguồn gốc phục vụ cho xuất khẩu
Qua 11 năm gầy dựng và trưởng thành, thành công lớn nhất của Dương Vũ là tham gia xây dựng Chương trình “Mỗi xã một sản phầm OCOP” trong Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương và được công nhận sản phẩm OCOP 3 Sao với các sản phẩm Nước yến đóng chai.
Trong vòng 02 năm trở lại đây, để có năng lực sản xuất, công ty Dương Vũ đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho khâu chế biến và đóng gói thành phẩm. Tuy nhiên, khi tham gia ngành chế biến thực phẩm, doanh nghiệp này phải thực hiện bản cam kết an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh yến sào. Cụ thể, địa điểm và cơ sở vật chất phải phải nằm ở vị trí đảm bảo vệ sinh, cách xa các nguồn ô nhiễm; có thiết kế và bố trí phù hợp, đảm bảo các khu vực sạch sẽ, thông thoáng và không bị nhiễm bẩn; trang thiết bị, dụng cụ sử dụng trong quá trình chế biến, bảo quản và kinh doanh phải được làm từ vật liệu an toàn, dễ vệ sinh và không gây ô nhiễm cho thực phẩm.
Về quy trình sản xuất và chế biến, doanh nghiệp đã xây dựng và thực hiện quy trình sản xuất, chế biến an toàn, đảm bảo không có sự xâm nhập của các yếu tố gây ô nhiễm như vi khuẩn, nấm mốc, hóa chất độc hại. Các quy trình này cần được kiểm tra và giám sát định kỳ để đảm bảo luôn tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong quá trình quá trình sản xuất, chế biến, người lao động phải thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay, mặc đồ bảo hộ khi làm việc. Ông Dương Văn Dự - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư TM-DV yến sạch Dương Vũ xã Xuân Bắc, Xuân Lộc, Đồng Nai cho rằng “chủ thể sản xuất kinh doanh phải giữ chữ tín, tôn trọng và bảo vệ lợi ích của khách hàng; thực hiện đúng nghĩa vụ và cam kết với khách hàng; trung thực, trách nhiệm trong kinh doanh; không sản xuất kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng; không quảng cáo cường điệu, sai sự thật, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhãn mác và xuất xứ hàng hóa”. Và đây cũng là triết lý kinh doanh của thương hiệu Dương Vũ.
Hiện nay đang trong giai đoạn sản xuất hàng loạt, công ty Dương Vũ luôn nhận thức rằng, an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất yến hũ không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn là quyền lợi của người tiêu dùng. Bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt và quy trình kiểm soát chất lượng, nhằm cam kết rằng mỗi hũ yến đến tay người dùng đều an toàn và chất lượng./