Tin Tức
Nâng cao hiệu quả thực hiện đề án mạng lưới cộng tác viên khuyến công

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/05/2012 của Chính phủ về khuyến công, đối với cấp xã (xã, phường, thị trấn) theo yêu cầu nhiệm vụ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập mạng lưới cộng tác viên khuyến công để triển khai hoạt động khuyến công đến cấp xã. Tại cấp huyện theo yêu cầu nhiệm vụ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập các chi nhánh trực thuộc Trung tâm Khuyến công và tư vấn Phát triển Công nghiệp cấp tỉnh. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế của tỉnh thì việc thành lập các chi nhánh trực thuộc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp là không khả thi. Do đó, để hỗ trợ triển khai hoạt động khuyến công đến cấp xã, giải pháp tốt nhất được lựa chọn chính là hình thành mạng lưới cộng tác viên khuyến công (viết tắt: CTV). Xuất phát từ thực tiễn trên, mạng lưới cộng tác viên khuyến công đã được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2020 theo Quyết định số 3096/QĐ-UBND ngày 25/8/2020 của UBND tỉnh Đồng Nai.


Cho tới thời điểm hiện tại số lượng CTV cả tỉnh có 65 người (bao gồm tổ trưởng và CTV), trong đó có 10 tổ trưởng và 55 CTV thuộc 11 huyện/ thành phố. Trung bình mỗi huyện/ thành phố có từ 5-6 CTV, riêng thành phố Biên Hòa phân bổ 01 CTV. Phần lớn Tổ trưởng là cán bộ lãnh đạo các phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng, các CTV còn lại đều là các cán bộ của UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Thù lao chi trả cho đội ngũ CTV theo hàng quý, căn cứ trên báo cáo của tổ trưởng/CTV về tình hình hoạt động của các cơ sở CNNT ở từng huyện/thành phố gửi về Trung tâm.
Mạng lưới CTV phân bổ tại các huyện/thành phố của tỉnh Đồng Nai được xác định là cánh tay nối dài giữa Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp đến các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) nằm trên địa bàn các huyện, thành phố trong toàn tỉnh. Thông qua sự liên kết giữa các tổ trưởng/CTV ở các huyện/thành phố đã giúp cho Trung tâm kết nối được với các cơ sở CNNT và đã kịp thời nắm bắt nhu cầu khuyến công của các cơ sở CNNT. Tính từ năm 2022 đến quý 1/2023 hoạt động cộng tác viên khuyến công giới thiệu được 93 cơ sở tiếp cận, thụ hưởng chính sách khuyến công, có 2.2013 cơ sở CNNT được tiếp cận các chính sách khuyến công thông qua việc khảo sát nhu cầu khuyến công do mạng lưới CTV thực hiện. Thu thập thông tin trích ngang của 3.815 cơ sở CNNT đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn Tỉnh Đồng Nai. 
Với sự quan tâm và phối hợp của UBND các huyện/thành phố đã xem xét, rà soát đề xuất nhân sự để bố trí cộng tác viên cấp xã và tổ trưởng. Đồng thời, điều chỉnh khi có sự thay đổi nhân sự một cách kịp thời, mà phần lớn các CTV được phân công đều là người hiện đang sinh sống ở tại địa phương đó, là người trực tiếp triển khai thực hiện công tác phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn mình đang phụ trách. Vì thế họ có thể nắm bắt được nhu cầu, đặc điểm kinh doanh của từng cơ sở sản xuất để có thể lựa chọn cách thức trao đổi và hướng dẫn một cách phù hợp nhất. Ngoài ra, các CTV thường có mối quan hệ gần gũi với các cơ sở CNNT, nên có thể dễ dàng tiếp cận nắm bắt những khó khăn giúp Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp có những đề xuất hỗ trợ kịp thời và đạt hiệu quả cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế thì cũng có những khó khăn đáng kể. Mặc dù đã qua tập huấn về nghiệp vụ công tác khuyến công, nhưng một số CTV khi thực hiện vẫn chưa đáp yêu cầu về các chỉ tiêu đo lường kết quả thực hiện công việc theo Quy chế hoạt động CTV; chưa dành nhiều thời gian tập trung thực hiện nhiệm vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng đã ký với Trung tâm về nắm bắt thông tin tình hình hoạt động sản xuất của cơ sở CNNT và nhu cầu khuyến công. Thù lao CTV ngoài khoản tiền quy định trong hợp đồng CTV ký với Trung tâm thì hiện vẫn chưa có chính sách nào để khuyến khích, hay khen thưởng cho những thành viên đạt thành tích tốt, chính vì thế mà CTV làm việc còn mang tính cào bằng, không có điểm tích cực, hay tinh thần hết mình với nhiệm vụ. 
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể kiện toàn được mạng lưới tổ trưởng/CTV chuyên nghiệp, đáp ứng được yêu cầu công việc và đạt hiệu quả cao. Trên cơ sở mục tiêu Chương trình khuyến công tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 – 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp đề xuất một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu đề ra của Chương trình khuyến công và có thể phát huy nguồn lực CTV một cách hiệu quả:
Thứ nhất, địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để tổ trưởng/CTV thực hiện tốt vai trò của mình trong công tác khuyến công tại địa phương. Bên cạnh đó, việc cập nhật kịp thời những chính sách, kế hoạch tới từng cán bộ phụ trách công tác khuyến công để có thể nắm bắt và phổ biến tới các cơ sở, doanh nghiệp tại địa phương mình phụ trách cũng hết sức cần thiết.
Thứ hai, các tổ trưởng/CTV cần phải chủ động hơn nữa để có thể kịp thời nắm bắt được tình hình hoạt động cũng như tâm tư nguyện vọng  của cơ sở, doanh nghiệp đối với nhà nước, báo cáo kịp thời về Trung tâm để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét quyết định hỗ trợ theo quy định.
Thứ ba, thường xuyên mở các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác khuyến công cho các tổ trưởng/CTV về kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết để nâng cao năng lực nắm bắt, tư vấn và hỗ trợ cho các cơ sở CNNT trên địa bàn từng huyện, thành phố.
Thứ tư, xây dựng quy trình làm việc chuẩn từ trên xuống dưới đối với tổ trưởng/CTV, lượng hóa chỉ tiêu nhiệm vụ để làm căn cứ thực hiện cũng như đánh giá hiệu quả thực hiện công việc của từng cá nhân một cách thiết thực nhất; xây dựng một môi trường làm việc hợp tác, đảm bảo có sự hợp tác hiệu quả giữa các Tổ trưởng/CTV trong mạng lưới./.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news