Tin Tức
Tình hình công nghiệp - Thương mại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai quý 1 năm 2023
Tình hình sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong quý I/2023 tiếp tục gặp khó khăn do lạm phát các nước vẫn ở mức cao, hàng hóa tiêu thụ chậm, mặc khác doanh nghiệp chưa ký kết được nhiều đơn hàng mới nên phải thu hẹp sản xuất; ngoài ra trong quý có thời điểm diễn ra dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp, cơ sở SXKD phải tạm ngừng hoạt động để giải quyết cho người lao động nghỉ tết từ 7-10 ngày, thậm chí nhiều doanh nghiệp do không có đơn hàng nên kéo dài thời gian nghỉ tết. Từ đó đã ảnh hưởng đến tình hình tăng trưởng công nghiệp, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:
 
- Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2023 ước tăng 0,98% so cùng kỳ, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm 2021 và 2022 (quý I/2021 +5,85%; quý I/2022 +6%). Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành đóng góp chính cho tăng trưởng chung chỉ tăng 1,06%.
 
Trong các ngành công nghiệp cấp II, có 18/27 ngành tăng so cùng kỳ, một số ngành tăng cao hơn bình quân chung như: khai khoáng +1,91%; sản xuất chế biến thực phẩm +4,4%; sản xuất đồ uống +4,55%; dệt +1,19%; sản xuất trang phục +1,57%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất +1,64%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic +3,81%; sản xuất xe có động cơ +5,5%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu +3,69%. Trong 9/27 ngành giảm, một số ngành có mức giảm sâu như: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ -4,38%; sản xuất sản phẩm điện tử -8,88%; sản xuất phương tiện vận tải khác -11,23%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế -16,57%.

 
Khu Công nghiệp Biên Hòa 2
 
-  Kim ngạch xuất khẩu quý I/2023 ước đạt 4,86 tỷ USD, giảm 23,14% so cùng kỳ (quý I/2021 +19,87%; quý I/2022 +13,86%). Trong đó kinh tế nhà nước ước đạt 108,6 triệu USD, giảm 26,57%; kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 1,19 tỷ USD, giảm 17,15%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 3,55 tỷ USD, giảm 24,92%.
 
Ngoài 02 mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu tăng so cùng kỳ là cà phê và cao su (lần lượt tăng 11,65% và 1,81%) thì hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều giảm, như: giày dép các loại -23,58%; dệt may - 19,56%; sản phẩm gỗ -47,83%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện - 31,83%; máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng -17,95%; phương tiện vận tải và phụ tùng -12,69%; xơ sợi dệt các loại -35,73%; sản phẩm từ chất dẻo -34,78%; sản phẩm từ sắt thép -18,96%.
 
- Kim ngạch nhập khẩu quý I/2023 ước đạt 3,66 tỷ USD, giảm 19,42% so cùng kỳ (quý I/2021 +27,9%; quý I/2022 +5,08%), nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu nguyên liệu của doanh nghiệp giảm trong bối cảnh thiếu vắng đơn hàng. Trong đó kinh tế nhà nước ước đạt 47,99 triệu USD, giảm 25,59%; kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 530,29 triệu USD, giảm 46,16%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 3,08 tỷ USD, giảm 11,83%.
 

 
Công nhân Công ty TNHH Nestlé Việt Nam trong giờ sản xuất
 
Phần lớn các mặt hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất đều có kim ngạch nhập khẩu giảm so cùng kỳ: chất dẻo nguyên liệu -31,67%; hóa chất -31,27%;
bông các loại -25,3%; xơ, sợi dệt các loại -35,54%; vải các loại -22,47%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày -24,68%; cao su -27,71%; gỗ và sản phẩm từ gỗ -46,14%.
 
- Cán cân thương mại toàn tỉnh trong quý I/2023 dự ước xuất siêu 1,19 tỷ USD (quý I/2021 xuất siêu 01 tỷ USD; quý I/2022 xuất siêu 1,52 tỷ USD).
 
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch quý I/2023 ước đạt 64,37 ngàn tỷ đồng, tăng 16,56% so cùng kỳ, đây là mức tăng khá so cùng kỳ các năm 2021 và 2022 (quý I/2021 +6,52%; quý I/2022 +12,79%). Trong đó: Ngành thương mại bán lẻ ước đạt 47,18 ngàn tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 73,3%), tăng 13,95%; ngành khách sạn, nhà hàng ước đạt 6,1 ngàn tỷ đồng (chiếm 9,49%), tăng 23,55%; ngành du lịch lữ hành ước đạt 16,55 tỷ đồng (chiếm 0,03%), tăng 9,5 lần; ngành dịch vụ khác ước đạt 11,06 ngàn tỷ đồng (chiếm 17,19%), tăng
 
24,66%.
 
Trước tình hình khó khăn trên, Ngành Công Thương đã, đang và sẽ thực hiện một số nội dung hỗ trợ doanh nghiệp sau:
 
- Về phía Bộ Công Thương:
 
Tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường thế giới, tham mưu, đề xuất các khung khổ hợp tác, các giải pháp để đồng thời phát triển thị trường truyền thống và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết khai thác hiệu quả các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu…
 
Tổ chức các Hội nghị xúc tiến thương mại hàng tháng để cung cấp các thông tin thị trường và tìm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
 
Tập trung các giải pháp phát triển thị trường, nhất là khu vực Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ Latin… và các thị trường mới còn nhiều dư địa khai thác. Đồng thời, thúc đẩy đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới như FTA với các nước khối Mercosur (Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) để đưa FTA này thành động lực khai thác thị trường Mỹ Latinh. Tranh thủ sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực ASEAN và một số nước châu Á để đẩy mạnh xuất khẩu.
 
Đánh giá toàn diện các biện pháp mở cửa trở lại của Trung Quốc, tranh thủ, tận dụng cơ hội giao lưu hợp tác giữa hai bên để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa không phải kiểm nghiệm COVID. Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan tại cửa khẩu.
 
- Về phía ngành Công Thương tỉnh Đồng Nai:
 
Tập trung triển khai hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh, cụ thể trong năm 2023 sẽ tiếp tục thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối giao thương trong nước; song song đó, sẽ tiếp tục hỗ trợ xúc tiến thương mại thị trường nước ngoài thông qua các chương trình như: tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Đồng Nai và doanh nghiệp Australia; tổ chức đoàn xúc tiến thương mại tại thị trường Ấn Độ; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Hội chợ Quốc tế Campuchia; hỗ trợ các Hội, Hiệp hội tham gia hội chợ tại Trung Quốc, CHLB Đức, Dubai.
 
Ngoài ra, vào ngày 31/3 tới đây, UBND tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị gặp gỡ và đối thoại doanh nghiệp khối FDI trên địa bàn tỉnh để nắm bắt và tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp./.

 

 

 

 

 

 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news