Phát triển nghề
NGUY CƠ MAI MỘT NGHỀ TRÁNG BÁNH XÃ THẠNH PHÚ

Bánh tráng Thạnh Phú vang danh một thời:
Ngược về lịch sử gần 100 năm, đây là thời điểm hình thành “làng nghề” bánh tráng Thạnh Phú, đóng tại ấp 3, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu. Nói là nghề chứ thực chất là việc làm tay trái của bà con nông dân trong vùng những lúc nông nhàn. Nguyên liệu làm bánh là hạt lúa thu hoạch từ ruộng nhà. Do vậy người làm bánh nắm rất rõ nguyên liệu ngon dỡ thế nào, để cho ra lò những mẻ bánh tráng gạo thơm ngon. Một mẻ bánh hoàn thành phải qua sáu công đoạn đòi hỏi kỹ thuật và khéo tay, kết hợp bí quyết riêng của từng lò. Chính vì thế danh tiếng bánh tráng Thạnh Phú dần vang xa, không chỉ trong tỉnh mà người ngoài tỉnh cũng tìm mua. 

Thời điểm “làng nghề” phát triển hưng thịnh nhất có trên dưới 50 lò bánh hoạt động với hàng trăm lao động theo nghề. Riêng dịp cận tết thì con số này đông hơn, bánh tráng Thạnh Phú được xem là món quà biếu có ý nghĩa được tiêu thụ mạnh dịp này, muốn mua phải đặt hàng từ trước. Sở dĩ bánh tráng Thạnh Phú được ưa chuộng vì được chế biến từ nguyên liệu gạo của địa phương, các chủ lò không pha trộn bất cứ loại bột nào khác. Ngoài ra, tay nghề của người thợ quyết định  chất lượng bánh. Muốn có một chiếc bánh ngon thì người tráng bánh phải đổ bột nhanh, tráng đều, mỏng mà bánh lại không rách. Mặt khác người phơi bánh cũng phải biết canh nắng, nắng to hay nhỏ thì phơi bao lâu. Bánh mà thiếu nắng thì sượng, thừa nắng lại giòn quá, người tiêu dùng cũng chê. Do vậy muốn làm nghề này cũng phải mất vài ba năm mới có thể thuần thục, song không phải ai cũng có thể học nghề được. Trải qua gần 100 năm hình thành, làng bánh Thạnh Phú hôm nay đã có nhiều thế hệ tiếp nối nghề. Có không ít lò đã truyền nghề cho ba, bốn thế hệ, chẳng hạn lò Ba Thọ, lò bà Ba Rô. 
Dù đã có một quãng thời gian dài phát triển, bánh tráng Thạnh Phú ngon nức tiếng gần xa, song hiện nay làng nghề hoạt động co cụm rất nhiều. Theo thống kê, con số lò còn hoạt động chỉ chiếm chưa đầy 10% so với trước. Không ít lò chỉ đỏ lửa khi vào vụ bánh tết. 
Ông Lê Văn Vịnh – Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Phú cho biết: xã Thạnh Phú sau những năm mới giải phóng, đa số nhân dân sống bằng nghề nông kết hợp sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp như nghề chằm nón lá, làm bún, đúc gang và tráng bánh gạo. Từ năm 1979 trở về nay thì khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển mạnh, thu hút nhiều lao động nên người dân ở đây bỏ nghể lao động thủ công chuyển sang làm công nhân ờ các công ty. Các nghề sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp truyền thống  của người dân Thạnh Phú theo đó cứ mai một dần.
Trăn trở trước nguy cơ thất truyền nghề tráng bánh Thạnh Phú:
Nguy cơ thất truyền nghề làm bánh tráng Thạnh Phú thấy rất rõ, nguyên do là nghề này khá cực nhọc mà thu nhập lại bấp bênh. 
Lò bánh tráng gạo của bà Lại Thị Ba là một trong số ít lò tại làng bánh tráng gạo Thạnh Phú duy trì hoạt động quanh năm. Do đã có khách lấy mối thường xuyên nên đầu ra bà cũng không đáng ngại. Bình quân mỗi ngày bà giao cho khách năm đến sáutrăm bánh. Nhưng nếu mối có yêu cầu số lượng lớn hơn thì bà cũng khó đáp ứng bởi lò này hiện chỉ có haivợ chồng bà đảm nhiệm hết các khâu. Để có một chiếc bánh người làm bánh phải ngâm gạo từ bốn  đến năm tiếng, sau đó vo gạo cho sạch nước đục rồi cho vào cối xay thành bột. Song, bột cũng phải ngâm qua đêm sáng hôm sau mới tráng được. Nghề tráng bánh nhọc nhằn hơn vào mùa mưa, phụ thuộc vào thời tiết. quan quan sát hôm nào không có nắng để phơi thì ngưng hoạt động vì sợ bánh sượng. Với năm sáu trăm bánh ra lò mỗi ngày, trừ các chi phí, còn lại là tiền công sức của hai ông bà chỉ có 100 nghìn đồng/ngày, tuy nhiên, nếu chẳng may bánh không phơi được thì mẻ bánh đó xem như bỏ và lỗ cả công lẫn vốn. Nhìn bề ngoài, bánh tráng sượng không khác gì bánh phơi có nắng, nhưng theo bà, làm nghề phải có cái tâm, bánh đã sượng thì không giao cho khách. Mặc dù nghề tráng bánh khá cực nhọc nhưng vợ chồng bà Lại Thị Ba vẫn nặng lòng với nghề vì một phần là kiếm thêm thu nhập phụ giúp con cái, phần vì yêu nghề. Tính đến nay, bà cũng có gần 60 năm tráng bánh


Cũng có thâm niên theo nghề như bà Ba, bà Nguyễn Thị Tưởng cũng tìm thấy được niềm vui trong nghề tráng bánh. Do tuổi cao nên bà không còn tráng bánh nữa mà chỉ giúp con cháu phần nào việc đếm bánh. Đảm nhận việc tráng bánh hiện do người con gái của bà đảm nhận. Lò bánh này đến nay vẫn duy trì hoạt động nhờ tìm khách hàng ổn định tại thành phố Hồ Chí Minh và Biên Hòa, nhưng do hạn chế về nhân công nên lượng bánh không nhiều, do đó khâu quảng bá ra thị trường để tăng sản lượng tiêu thụ hiện còn bỏ ngõ. Do vậy hoạt động của các lò cũng chỉ cầm chừng. Lò bánh của chị Trinh được đánh giá là lớn ở trong vùng, gia đình cũng đã xây dựng 02 lò có thể hoạt động cùng lúc vào mùa giáp tết. Ngày thường thì chỉ có 01 lò hoạt động, với sản lượng trên dưới một nghìn bánh. 
Hiện làng bánh tráng Thạnh Phú chỉ còn ba bốn lò hoạt động thường xuyên. Lý giải vì sao số lượng các lò tráng bánh ở đây hiện giảm nhiều so với các năm trước, nhiều người cho rằng nguyên nhân là do việc tráng bánh cực nhọc song thu nhập thì lại bấp bênh. Chính vì thế, lớp trẻ của làng bánh tráng Thạnh phú hiện không mặn mà theo nghề, số khác cũng chuyển nghề, tìm thu nhập ổn định hơn. Nguy cơ mai một nghề tráng bánh ở xã Thạnh Phú là khá cao. 
Ứng dụng công nghệ tráng bánh tự động vào làng nghề truyền thống:
Để chủ động hơn trong sản xuất, lò ông Lại Văn Thảo (em ruột của bà Lại Thị Ba) mạnh dạn đầu tư vốn trên 300 triệu đồng để chuyển đổi phương thức tráng bánh thủ công sang công nghệ tráng bánh tự động. Từ khi đầu tư dây chuyền tráng bánh này, gia đình ông đã rút ngắn khâu tráng bánh rất nhiều, chỉ một giờ chạy máy, lượng bánh có thể gấp năm lần tráng thủ công. Từ ngày đầu tư máy tráng bánh, gia đình ông Thảo có thể chủ động hơn trong khâu phơi bánh, tận dụng triệt để thời gian có nắng vào mùa mưa, bánh làm ra có độ mỏng đều nhau. 
Tuy nhiên, khâu tiêu thụ cũng là một hạn chế, không tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm để hộ ông Thảo có thể đẩy mạnh sản lượng, mỗi ngày hộ ông bán ra thị trường được trên một nghìn bánh. Ngoài mối nhập bánh để làm chả ở Hố Nai, và gửi tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn xã Thạnh Phú  thì chưa tìm được thị trường nào khác, Dù đã đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến nhưng cũng chỉ hoạt động chưa đến 1/10 công suất. 
Trải qua nhiều thế hệ trong gia đình có truyền thống làm nghề tráng bánh, trước nguy cơ mai một của một làng nghề, dù kinh tế gia đình của ông Thảo giờ đây tương đối khá giả nhờ thu nhập chính từ lương giáo viên và sản xuất nông nghiệp, nhưng ông luôn trăn trở và là người tiên phong mạnh dạn đầu tư số vốn khá lớn của gia đình đề cải tiến phương thức sản xuất nhằm duy trì nghề dù biết rằng sẽ gặp không ít trở ngại, khó khăn.
 Đề giữ được nghề tráng bánh truyền thống xã Thạnh Phú, bên cạnh sự nỗ lực của bà con làm nghề, cần thiết có sự hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền, sở ngành liên quan hỗ trợ xây dựng các chính sách quy hoạch, phát triển, hỗ trợ cho bà con từ công nghệ sản xuất, xây dựng thương hiệu đến thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện được như vậy mới có thể vực dậy thương hiệu “bánh tráng Thạnh Phú” đã từng một thời vang danh mang đậm hương vị gạo địa phương, và uy tín trong buôn bán với bạn hàng./.

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news