Khuyến công
GÓP PHẦN NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CHO CƠ SỞ CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN

Trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù tình hình hoạt động sản xuất của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang dần phục hồi và có bước tăng trưởng tích cực nhưng vẫn còn không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã khẳng định “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Ngày 07/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 54-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7 khóa X tiếp tục khẳng định “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài và là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta”.


Theo Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 10.000 cơ sở CNNT, đa phần có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, trong đó loại hình hộ kinh doanh vẫn chiếm đa số với tỷ lệ trên 85%. Qua khảo sát thực tế ở nhiều cơ sở CNNT, người trực tiếp làm nghề tự đứng ra thành lập và vận hành cơ sở, họ vừa là người quản lý, vừa tham gia trực tiếp vào sản xuất nên mức độ chuyên môn trong quản lý doanh nghiệp không cao. Về công nghệ sản xuất, hầu như sử dụng công nghệ cũ đã tụt hậu. Do hạn chế về qui mô và nguồn lực nên cơ sở CNNT luôn ở trong vòng lẩn quẩn khi đối mặt với áp lực cạnh tranh trên thi trường. 
Một thực tế khác là nhiều cơ sở CNNT chỉ quan tâm đến việc làm trước mắt để duy trì chứ chưa quan tâm đúng mức đến cải thiện năng lực cạnh tranh. Mặt khác, việc tiếp cận thông tin còn hạn chế nên hầu hết các cơ sở CNNT chưa nắm bắt được các chủ trương, chính sách cũng như định hướng phát  triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương.  
Trong điều kiện hội nhập, vấn đề đặt ra cho cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là phải củng cố và nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời khai thác triệt để lợi thế hiện có để tạo ra sức cạnh tranh cho riêng mình. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ như hiện nay, nếu biết năm bắt và khai thác tốt sẽ giúp cơ sở CNNT sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả hơn, tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm. Nâng cao khả năng cạnh tranh, đổi mới, phát triển bền vững là vấn đề không chỉ riêng các cơ sở CNNT quan tâm. Phát triển công nghiệp trên địa bàn nông thôn đã và đang được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, là hướng đi đúng đắn, tích cực để đẩy mạnh công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại khu vực nông thôn và góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Nhằm phát triển mạnh mẽ CNNT, với mục tiêu là hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế ở khu vực nông thôn đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong những năm qua, các nội dung hoạt động khuyến công quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ đã và đang được Sở Công Thương triển khai hiệu quả, khẳng định được vai trò quan trọng trong phát triển CNNT và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:
- Giai đoạn 2016-2021, tổng nguồn kinh phí khuyến công đã thực hiện là 54 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia là 0,5 tỷ đồng (chiếm 0,92% tổng kinh phí) kinh phí khuyến công địa phương là 40,6 tỷ (chiếm 74,86% tổng kinh phí). Tổng vốn đối ứng của các tổ chức cá nhân tham gia thực hiện và thụ hưởng chương trình trong giai đoạn 2016-2020 là gần 12,22 tỷ đồng. 
- Hỗ trợ 01 cơ sở CNNT xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cho 37 cơ sở CNNT; hỗ trợ tổ chức các lớp đào tạo khởi sự doanh nghiệp, tăng cường khả năng kinh doanh cho 1.269 học viên. Tổ chức 5 cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh và tham gia 3 kỳ bình chọn cấp khu vực, 2 kỳ bình chọn cấp quốc gia. Theo đó, đã tôn vinh 91 sản phẩm phân theo 05 nhóm thủ công mỹ nghệ, chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm, thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí, nhóm sản phẩm khác được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Tỉnh, 18 sản phầm đạt cấp Khu vực, 09 sản phẩm đạt cấp Quốc Gia.

 


- Hỗ trợ gần 12 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm trong nước và hỗ trợ đầu tư hạ tầng 01 cụm công nghiệp tại huyện Nhơn Trạch. Công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá về hoạt động khuyến công đã được quan tâm và đa dạng các hình thức tuyên truyền như bản tin, brochure, truyền hình. Trong đó một trong những nội dung tập trung tuyên truyền là các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo sự lan tỏa, nhân rộng trong cộng đồng cơ sở CNNT.
Việc triển khai chính sách khuyến công đã hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới. Các nội dung của hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở CNNT có hướng đầu tư đúng, hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất - kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường./.

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news