Hoạt động tư vấn
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công nghiệp: Doanh nghiệp cần chủ động

Mục tiêu kỳ vọng

Ngành công nghiệp Việt Nam chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia. Trong đó, chế biến thực phẩm là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng cũng là ngành tiêu thụ năng lượng hàng đầu. Đến năm 2020 cả nước có trên 7.500 doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, tổng công suất khoảng 120 triệu lần nguyên liệu/năm và chiếm 19,2% tổng tiêu thụ năng lượng công nghiệp của Việt Nam.

Tương tự, với ngành công nghiệp hỗ trợ, đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ dự kiến đáp ứng 70% nhu cầu và chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề chung của ngành là quy mô nhỏ và năng lực sản xuất khiêm tốn, thiếu nguồn lực nâng cao nhận thức và công nghệ để thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công nghiệp: Doanh nghiệp cần chủ động

Hội thảo khởi động Dự án “Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam”

Từ thực trạng trên, Dự án “Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam” được triển khai tại 2 khu vực phía Bắc và phía Nam - tập trung nhiều doanh nghiệp của Việt Nam với nhiều mục tiêu kỳ vọng.

Chia sẻ về mục tiêu này, tại Hội thảo khởi động Dự án “Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Điều phối dự án, Ban quản lý dự án, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin: Nâng cao hiệu quả năng lượng (EE) trong ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến thực phẩm thông qua nâng cao nhận thức của khu vực công và tư nhân về Năng lượng Tái tạo & Thực hành EE, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính cho các khoản đầu tư EE, kết nối doanh nghiệp sản xuất, tổ chức tài chính ngân hàng và Công ty Dịch vụ Năng lượng (ESCO), thí điểm đánh giá tiêu chuẩn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho hai ngành và xây dựng lộ trình thành lập Hiệp hội ESCO tại Việt Nam.

Dự án cũng hướng đến 5 kết quả cụ thể gồm: Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và công nghiệp hỗ trợ nhận thức được các giải pháp EE và cách cải thiện mức tiêu thụ năng lượng trong các cơ sở sản xuất (thông qua đầu tư hoặc hợp tác với các ESCO). Thiết lập mạng lưới gồm các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến thực phẩm, ESCO, tổ chức tài chính, ngân hàng và các bên liên quan.

Thí điểm công cụ đánh giá chuẩn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho hai ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến thực phẩm. Xây dựng lộ trình thành lập Hiệp hội cho các ESCO tại Việt Nam. Đồng thời, đưa ra các khuyến nghị chính sách về tài trợ cho các dự án EE và phát triển kinh doanh mô hình kinh doanh ESCO.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng cho hay: Đầu ra lớn nhất của Dự án là đóng góp cho Chương trình Tiết kiệm năng lượng Quốc gia giai đoạn 2019-2030 và quá trình triển khai mô hình kinh doanh ESCO tại Việt Nam. Cụ thể, dự kiến có 100 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến thực phẩm được cải thiện các phương thức quản lý để tiêu thụ năng lượng hiệu quả hơn trong sản xuất và sử dụng tốt hơn các nguồn năng lượng sẵn có.

Cùng đó, 10 nhà máy được hỗ trợ phát triển các dự án tiết kiệm năng lượng khả thi; 3 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu suất năng lượng; 1 mạng lưới EE; lộ trình thành lập Hiệp hội ESCO.

“Chúng tôi mong muốn cùng xây dựng nên cộng đồng doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, từ đó, liên kết với các nhà tài trợ và dự án khác. Sau khi kết thúc, Dự án sẽ có tác động và hấp dẫn được thêm các đối tác tham gia với quy mô lớn hơn”, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền nói.

Doanh nghiệp chủ động

Thảo luận tại Hội thảo, các chuyên gia và diễn giả đều đồng tình có nhiều rào cản cho triển khai Dự án nói riêng cũng như thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong doanh nghiệp nói chung.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công nghiệp: Doanh nghiệp cần chủ động
Ông John Robert Cotton - Quản lý Chương trình Cấp cao, ETP

Ông John Robert Cotton - Quản lý Chương trình Cấp cao Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) cho biết, tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và công nghiệp trợ đang gặp nhiều khó khăn trong áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng do còn thiếu thông tin về năng lượng hiệu quả, tính bền vững và sản xuất xanh. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất có xu hướng bỏ qua các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do hạn chế về tài chính, kỹ thuật, năng lực kiểm toán mức tiêu thụ năng lượng, năng lực phát triển các dự án để tiếp cận các nguồn tài chính đầu tư phù hợp. ESCO là mô hình kinh doanh khá mới và chưa được nhiều doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam tiếp cận.

Với những thách thức này, để giải quyết cần sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự chung tay của Nhà nước và các tổ chức tài chính.

Riêng về giải pháp tài chính cho doanh nghiệp trong áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đại diện Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD) cho hay, sẽ cung cấp thông tin về giải pháp tài chính ưu đãi của AFD dành cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chiến lược hoạt động của AFD chỉ có một mục tiêu duy nhất là hỗ trợ Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh An - Trưởng ban Chuyển đổi năng lượng, AFD mong muốn mở rộng tài trợ cho các dự án xanh thông qua các ngân hàng thương mại Việt Nam. AFD cấp các hạn mức tín dụng xanh cho các ngân hàng và ngân hàng cấp tín dụng cho doanh nghiệp, đồng thời có thể cấp bảo lãnh cho ngân hàng để chia sẻ rủi ro.

AFD đang xây dựng chương trình tiết kiệm năng lượng toà nhà, Việt Nam và Campuchia là đối tượng thụ hưởng chính. Tuy nhiên với vai trò chủ thể chính, các doanh nghiệp và đơn vị tư vấn cần đồng hành xây dựng các dự án tốt để triển khai”, bà Nguyễn Thị Thanh An nói. ( Nguồn website congthuongvn)

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news