Nhu cầu lắp đặt, sử dụng điện năng lượng mặt trời (ĐNLMT) ngày càng cao cũng như những chính sách mới về giá thu mua ĐNLMT đã tác động không nhỏ tới tốc độ phát triển ĐNLMT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Kinh tế ngày càng phát triển, sản xuất công nghiệp liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao đặt ra bài toán về nguy cơ thiếu điện. Đầu tư lắp đặt điện mặt trời tạo nguồn điện tại chỗ được xem là một giải pháp hữu hiệu góp phần giúp giải bài toán này.Đặc điểm của đa số các nhà xưởng, xí nghiệp là có một không gian mái che rất rộng. Với diện tích phần mái nhà xưởng sẵn có, doanh nghiệp có thể tạo ra điện năng phục vụ cho hoạt động sản xuất bằng cách lắp đặt hệ thống ĐNLMT. Không chỉ giúp giảm hóa đơn tiền điện mỗi tháng, hệ thống điện mặt trời trên mái nhà còn giúp chống nóng cho công trình, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí làm mát và tăng hiệu suất làm việc cho người lao động. Nó còn giúp doanh nghiệp sản xuất xanh theo đúng xu hướng toàn cầu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
hình minh họa |
Đồng Nai là khu vực được đánh giá có tiềm năng điện mặt trời lớn, với bức xạ mặt trời trung bình năm vào khoảng 1.849 kWh/m2/năm. Tổng số giờ nắng trung bình là 2.445 giờ/năm. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ĐNLMT. Ưu điểm của ĐNLMT là nguồn năng lượng tái tạo thân thiện môi trường và không bị cạn kiệt, giúp tiết kiệm chi phí tiền điện do không sử dụng nguồn điện lưới quốc gia, trong khi chi phí vận hành và bảo trì thấp.Sử dụng điện mặt trời phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt sẽ giúp giảm chi phí cho đơn vị và cá nhân. Do đó, điện mặt trời đang nhận được sự quan tâm lớn của doanh nghiệp và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Bạch Long, giám đốc Công ty TNHH Nam Long, xã Long An, huyện Long Thành, cho biết, công ty lắp đặt và sử dụng hiệu quả nguồn điện từ năng lượng mặt trời mái nhà từ khoảng tháng 7/2019 để phục vụ cho 02 dây chuyền sản xuất bao tay cao su công suất 40 triệu đôi/năm. Chi phí đầu tư ban đầu của hệ thống khoảng hơn 5 tỷ đồng, với nguồn pin năng lượng nhập khẩu từ châu Âu, thời gian hoàn vốn dự kiến từ 5-6 năm.Theo tính toán, việc triển khai mô hình ĐNLMT này giúp công ty tiết kiệm 40% tổng lượng điện cần sử dụng trong sản xuất so với trước đây. Nếu như trước đây, hàng tháng Công ty phải chi trả gần 300 triệu đồng tiền điện thì nay mỗi tháng Công ty đã tiết kiệm khoản chi tiền điện gần 100 triệu đồng/tháng từ nguồn ĐNLMT.
Thực hiện chính sách của Nhà nước về khuyến khích phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng điện mặt trời, với vai trò là giám đốc một doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai, ông Lê Bạch Long cho rằng không chỉ có các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm mới có trách nhiệm cùng với ngành điện giảm thiểu sự thiếu hụt nguồn điện mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần có tầm nhìn xa về nhu cầu và khả năng cung cung ứng nguồn điện trong tương lai. Sử dụng điện mặt trời đồng nghĩa với việc phát triển nguồn năng lượng xanh, chúng không chứa các chất độc hại, không tạo hiệu ứng nhà kính. Do đó không ảnh hưởng đến môi trường, tốt cho hệ sinh thái và tuyệt đối an toàn đối với người sử dụng.
Những ưu điểm lớn của điện năng lượng mặt trời áp mái đó là không tốn diện tích đất, có thể lắp đặt trên mái nhà xưởng, việc lắp tấm pin năng lượng góp phần tăng cường chống nóng hiệu quả cho các công trình, hệ thống có quy mô nhỏ và được lắp đặt phân tán nên có thể đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp hiện hữu, ngoài ra không cần phải đầu tư thêm hệ thống lưới điện truyền tải, cuối cùng là vốn đầu tư không cao và rất phù hợp với đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cũng theoông Lê Bạch Long,chi phí lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái hiện nay đã giảm khá nhiều so với trước đây nhưng vẫn còn cao đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn hạn hẹp về tài chính. Chi phí lắp đặt ĐNLMT với quy mô lớn cho nhà xưởng, doanh nghiệp, giá thành mỗi kWp phổ thông là từ 15-18tr/kWp và cao cấp là từ 18-22tr/kWp. Đây là khoản chi phí khá cao, vì thế đây là lý do khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ đắn đo khi quyết định đầu tư lắp ĐNLMT. Tuy nhiên hệ thống này với các thiết bị có tuổi thọ cao, sử dụng lâu dài trong rất nhiều năm do đó khách hàng có thể hoàn vốn nhanh sau vài năm sử dụng. Cơ chế thanh toán chi phí lắp đặt ĐNLMT cũng dễ dàng hơn với sự tài trợ tín dụng từ cac ngân hàng hoặc doanh nghiệp có thể chọn phương án cho thuê mái nhà xưởng để lắp đặt ĐNLMT.
Mô hình lắp đặt ĐNLMT phục vụ sản xuất tại Công ty TNHH Nam Long theo phản hồi từ doanh nghiệp hiện tại đang mang lại lợi ích hiệu quả kinh tế vượt trội cho doanh nghiệp so với việc sử dụng hoàn toàn điện lưới quốc gia. Để khuyến khích phát triển ĐNLMT áp mái, theo Kế hoạch số 2257/KH-UBND ngày 06/32020 của UBND tỉnh Đồng Nai về Kế hoạch Khuyến công tỉnh Đồng Nai năm 2020, dự kiến sẽ hỗ trợ tối đa 20 mô hình thí điểm áp dụng ĐNLMT áp mái tại các cơ sở công nghiệp nông thôn. Mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí đầu tư nhưng không quá 70 triệu đồng/cơ sở./.