Khuyến công
Vinh danh người nghệ nhân hoạt động nghề làm tranh ghép gỗ

Từ lâu nay, tranh nghệ thuật bằng gỗ đóng vai trò tô điểm, làm sinh động, tăng tính thẩm mỹ trong trang trí nội thất. Khác với các loại tranh gỗ nghệ thuật đa phần đơn điệu một màu sắc thì tranh ghép gỗ là một loại hình nghệ thuật kết hợp màu sắc của nhiều loại gỗ tự nhiên khác nhau tạo thành một sản phẩm đẹp và bắt mắt.

Cơ sở tranh ghép gỗ Nguyễn Đựng được xem là “cây đa cây đề” trong làng gỗ thủ công mỹ nghệ ở huyện Trảng Bom bởi các sản phẩm vô cùng độc đáo và rất khác biệt. Các sản phẩm được sản xuất trên công thức cơ bản là tạo hình các chi tiết rồi ghép nối thành một khối sản phẩm hoàn chỉnh theo từng chủ đề khác nhau. Mặt hàng ở đây phong phú về mẫu mã, kiểu dáng, mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng dân gian như: tranh phật, phúc lộc thọ, mã đáo thành công, mai lan cúc trúc, nàng tiên cá, hộp đựng nữ trang, các phù điêu, logo…và được du khách nước ngoài ưa chuộng. Duy trì sản xuất hơn 20 năm qua, thị trường tiêu thụ chủ yếu của cơ sở tại TP.Hồ Chí Minh và đều đặn xuất khẩu đi các thị trường lớn trên thế giới như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước châu Âu... doanh thu mang lại khoảng 1,2 tỷ đồng/năm. Cơ sở sản xuất đã tạo việc làm cho 15 lao động, thu nhập ổn định khoảng 5-6 triệu đồng/tháng, góp phần thúc đẩy ngành thương mại - dịch vụ phát triển ở địa phương.

Người gầy dựng nên cơ sở tranh ghép gỗ bằng cả tâm huyết, tốn nhiều công sức và thời gian là anh Nguyễn Đựng, người nghệ nhân đa tài. Sinh ra và lớn lên tại vùng quê Quảng Nam xa xôi, quanh năm ảnh hưởng của thời tiết thiên tai khắc nghiệt, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào công việc đồng áng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vô cùng khó khăn. Năm 1987, dừng lại việc học khi mới 18 tuổi, chọn câu “Li nông, li hương” anh Đựng khăn gói vào miền Nam và chọn đất Sài Gòn làm nơi lập nghiệp. Trải qua cuộc sống mưu sinh với nhiều nghề vất vả, cuối cùng anh xin vào làm việc tại một cơ sở tranh ghép gỗ. Nhìn những mảnh gỗ vụn phế thải được người thợ làm thủ công từ khâu đo vẽ, cưa xẻ, mài gọt đến lắp ghép thành những bức tranh có đường nét rất nghệ thuật, anh Đựng đã tìm được sự đam mê với nghề. Nhờ bản tính siêng năng, nhiệt tình thêm sự sáng tạo, tỉ mỉ và khéo léo, nên chỉ một thời gian ngắn anh đã thạo nghề và trở thành một trong những thợ chính ở cơ sở này.

Năm 1997, qua tìm hiểu anh biết được ở tỉnh Đồng Nai có nhiều hộ làm nghề cưa xẻ gỗ, sản xuất mộc dân dụng, đặc biệt là khu vực huyện Trảng Bom. Nguồn gỗ phế thải rất dồi dào, có thể mua với giá rẻ và có thể tận dụng triệt để với loại hình sản xuất tranh ghép gỗ. Hình thành ý tưởng và được sự hỗ trợ của người Bác ruột về mặt bằng, anh Đựng bắt đầu mở xưởng sản xuất tại huyện Trảng Bom. Bước đầu, sản phẩm sản xuất ra được anh Đựng đem đi ký gửi ở các nơi bán hàng lưu niệm trên thành phố Hồ Chí Minh. Một thời gian sau, tranh của anh được nhiều người biết đến và yêu thích, các nơi bán tranh của anh đặt hàng với số lượng ngày càng tăng. Thấy công việc anh làm ngày càng có thu nhập ổn định, bà con sống lân cận không có việc làm, đặc biệt là thanh thiếu niên nghèo không đủ điều kiện học hành tìm đến anh xin học nghề. Cũng từ đó anh vừa đảm đương vai trò của người thợ chính của cơ sở vừa là người thầy trong nghề, nhiệt tình truyền đạt lại những kinh nghiệm cho những người đi sau. Đến nay, số lượng học trò anh Đựng truyền nghề cũng lên đến vài chục người, một số người cũng ra mở cơ sở sản xuất riêng.

Năm 2009, với những đóng góp nhất định cho sự phát triển ngành nghề mới trên địa bàn huyện Trảng Bom nói riêng và của tỉnh Đồng Nai nói chung, anh Đựng được UBND tỉnh phong tặng 02 danh hiệu “Thợ Giỏi” và “Người có công đưa nghề về địa phương”. Được sự giúp đỡ và tạo điều kiện của chính quyền địa phương huyện Trảng Bom và sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công (nay là Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp Đồng Nai) tranh ghép gỗ của cơ sở Nguyễn Đựng đã đạt được nhiều giải thưởng tại cuộc thi sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ được tổ chức hàng năm của tỉnh, tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, góp phần quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ. Năm 2019, anh Đựng tiếp tục được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân”. Đến nay, Nghệ nhân Nguyễn Đựng tiếp tục phát huy tay nghề đóng góp cho ngành gỗ mỹ nghệ Trảng Bom nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung./.

Nguồn: Trung tâm KC&TVPTCN Đồng Nai

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
news_detail-news