Nâng chất nông sản từ OCOP
Lượt xem: 781

Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được thực hiện nhằm tìm kiếm “đặc sản” ở mỗi địa phương, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị của nông sản Việt. Chương trình được triển khai năm qua trong khắp cả nước.

 


Vào đầu năm nay, lần đầu tiên Đồng Nai đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2019. Điều này thực sự có ý nghĩa đặc biệt trong việc hoàn thiện, khẳng định uy tín của sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Qua đó giúp mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, tránh lệ thuộc vào một thị trường sẽ dễ bị thiệt hại như đợt dịch do virus Corona lần này.

 

 


Sau khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Đề án Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2035; các ngành, các địa phương trong tỉnh đã đồng loạt triển khai chương trình. Theo kết quả đánh giá, phân hạng của Hội đồng OCOP tỉnh; toàn tỉnh có 15 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao và 2 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao dựa trên các chỉ tiêu về sức mạnh cộng đồng, khả năng tiếp thị, chất lượng sản phẩm.v.v...Trong đó, huyện Định Quán có 1 sản phẩm 4 sao và 5 sản phẩm đạt 3 sao. Trong năm 2020 này, Định Quán tiếp tục đẩy mạnh chương trình này. Trong đó  có sản phẩm khô cá lìm kìm Sông Nước của hộ anh Nguyễn Văn Hoàng ở xã Phú Cường. Mỗi ngày, anh gom cá kìm tươi từ các hộ trong vùng, các địa phương khác và chế biến thành cá khô. Sản phẩm của anh được bán tại khắp các tỉnh, thành trong nước. Tham gia OCOP lần này, anh hy vọng sản phẩm của mình được đi xa hơn:

Anh Nguyễn Văn Hoàng – Hộ thực hiện Chương trình OCOP ở xã Phú Cường, huyện Định Quán: “Mong thực hiện OCOP tạo việc làm cho lao động địa phương, mong muốn sản phẩm tiêu thụ thuận lợi hơn...”

Hiện nay, tổ hợp tác khô cá lìm kìm Sông Nước xã Phú Cường có 10 thành viên được thành lập từ năm 2017. Sản phẩm được thực hiện qua nhiều công đoạn.Chỉ riêng sản phẩm của anh Hoàng đã giúp tạo việc làm ổn định cho hơn 80 lao động tại địa phương với mức thu nhập mỗi tháng thấp nhất khoảng 7 triệu đồng và cao nhất là 20 triệu đồng:
Anh Lê Văn Cường – Hộ làm nghề ủi cá lìm kìm tại xã Phú Cường, huyện Định Quán: “Trừ những ngày sóng to gió lớn, còn lại cũng kiếm 700 đến 1 triệu đồng, hy vọng công việc ổn định....”

Trong năm nay, huyện Định Quán chọn các sản phẩm của 3 đơn vị trên địa bàn huyện thực hiện chương trình OCOP. Riêng đối với các sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, 4 sao sẽ được tiếp tục hoàn thiện.

Ông Ngô Tấn Tài – Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán:“ Địa phương tiếp tục đẩy mạnh OCOP trong năm nay và tiếp tục nâng cấp lên 4 sao và 5 sao đối với những sản phẩm của địa phương đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng OCOP tỉnh chọn và UBND tỉnh công nhận...”


Phong trào OCOP của Đồng Nai đang bước trên chặng đường tiếp theo và các địa phương cùng chung tay thực hiện để các sản phẩm OCOP của nông dân sẽ đi xa hơn nữa, nâng cao đời sống của người dân nông thôn - vốn là cái gốc để phát triển một nền nông nghiệp bền vững. ( dnrtv.org.vn -Phương Trang)

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
ocop_detail-product