Phân hạng rõ hơn sản phẩm OCOP theo bộ tiêu chí đánh giá mới
Lượt xem: 419

Năm 2023, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Đồng Nai đạt kết quả đáng ghi nhận khi có 74 sản phẩm OCOP của 53 chủ thể được đánh giá, công nhận, tăng 19 sản phẩm mới so với năm 2022. Đáng chú ý, đây là năm đầu tiên tỉnh thực hiện bộ tiêu chí đánh giá OCOP mới; trong đó phân cấp cho UBND cấp huyện đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Với bộ tiêu chí mới này, việc phân hạng giữa sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao được thể hiện rất rõ. Trong đó, các tiêu chuẩn, yêu cầu với sản phẩm OCOP 4 sao do Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định, bình xét có yêu cầu cao, khắt khe hơn nhiều so với trước.

Năm 2023, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Đồng Nai đạt kết quả đáng ghi nhận khi có 74 sản phẩm OCOP của 53 chủ thể được đánh giá, công nhận, tăng 19 sản phẩm mới so với năm 2022. Đáng chú ý, đây là năm đầu tiên tỉnh thực hiện bộ tiêu chí đánh giá OCOP mới; trong đó phân cấp cho UBND cấp huyện đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Với bộ tiêu chí mới này, việc phân hạng giữa sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao được thể hiện rất rõ. Trong đó, các tiêu chuẩn, yêu cầu với sản phẩm OCOP 4 sao do Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định, bình xét có yêu cầu cao, khắt khe hơn nhiều so với trước.

* Tăng sản phẩm OCOP do cấp huyện đánh giá

Trong năm 2023, cả 11/11 địa phương trên địa bàn tỉnh đều đã tổ chức đánh giá 74 sản phẩm OCOP của 53 chủ thể lần đầu tham gia thực hiện chương trình OCOP. Kết quả thực hiện đánh giá cấp huyện, có 3 sản phẩm không đủ điều kiện để công nhận 3 sao; 67 sản phẩm đạt 3 sao và 4 sản phẩm có tiềm năng 4 sao trình hội đồng cấp tỉnh tổ chức đánh giá.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 221 sản phẩm OCOP của 120 chủ thể, 22 HTX, 39 doanh nghiệp... Trong đó có 159 sản phẩm OCOP 3 sao, 45 sản phẩm OCOP 4 sao, 17 sản phẩm đề nghị Hội đồng cấp tỉnh đánh giá 4 sao gồm cả sản phẩm mới và sản phẩm tái chứng nhận.

Theo đánh giá của Phó giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Thắng, việc phân cấp xét công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cho cấp huyện đã tạo được sự thuận lợi, chủ động đối với các địa phương. Nhờ đó, năm 2023 dù thực hiện bộ tiêu chí mới với nhiều yêu cầu khó và khắt khe hơn nhưng toàn tỉnh vẫn tăng 19 sản phẩm OCOP mới so với năm 2022. Có được kết quả này là nhờ các sở, ngành, địa phương đã tích cực triển khai hiệu quả chương trình.

Ông Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm: “Hiện Đồng Nai có nhiều sản phẩm được gắn sao OCOP có chất lượng rất tốt, mẫu mã của một số sản phẩm bắt mắt, sang trọng, phù hợp với thị hiếu quà biếu, quà tặng. Chương trình đã thu hút sự tham gia và phát huy tốt vai trò của phụ nữ nông thôn, các HTX nông nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương”.

Gỡ khó cho OCOP 4 sao

Chương trình OCOP năm 2023 thu hút đông chủ thể tham gia với lượng sản phẩm OCOP đạt chứng nhận cao hơn nhiều so với năm 2022 nhưng cả năm, toàn tỉnh chỉ có 4 sản phẩm tiềm năng 4 sao trình hội đồng cấp tỉnh tổ chức thực hiện đánh giá. Kết quả chỉ có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao, thấp hơn nhiều về số lượng so với mọi năm.

Theo các địa phương phản ánh, khó khăn, vướng mắc trong công tác rà soát hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP chủ yếu do đây là năm đầu tiên phân cấp đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao ở cấp huyện, nhiều địa phương còn lúng túng trong công tác đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Đây cũng là nguyên nhân khiến một số địa phương bị chậm tiến độ trong đánh giá sản phẩm OCOP. Đặc biệt, bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP mới có điều chỉnh, bổ sung một số nội dung, nhất là sản phẩm OCOP 4 sao cần phải đạt 10 tiêu chí cứng, trong đó có tiêu chí về môi trường, sở hữu trí tuệ, chứng nhận chất lượng tiên tiến của Việt Nam như VietGAP/GlobalGAP/hữu cơ/ HACCP/ISO 22000… là những tiêu chí khó và cần nhiều thời gian để thực hiện.

Đại diện Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Sức Khỏe Vàng (H.Long Thành) chia sẻ, doanh nghiệp hiện bị vướng tiêu chí chung là có thương hiệu được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhưng theo quy định, từ khi nộp đến khi được cấp ít nhất phải mất 2 năm. Thời gian này quá lâu, kiến nghị các cơ quan chức năng có liên quan nên rút ngắn thời gian cấp chứng nhận này cho doanh nghiệp.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh, việc có quá ít sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 4 sao trong năm nay, các cơ quan chức năng cần rút kinh nghiệm trong kế hoạch triển khai nhiệm vụ trong những năm tiếp theo. Đặc biệt về hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thường cần thời gian 2-3 năm mới được cấp, ngoài việc các cơ quan chức năng liên hệ thúc đẩy nhanh việc cấp chứng nhận; về phía chủ thể OCOP cũng phải chủ động triển khai sớm những tiêu chí cần thời gian dài. Trong kế hoạch triển khai nhiệm vụ những năm tiếp theo, hội đồng thẩm định, bình xét sản phẩm OCOP cấp tỉnh cũng cần sự tham gia của đại diện lãnh đạo các địa phương để nắm rõ tình hình, những điều còn vướng mắc, chưa triển khai được để thực hiện tốt ngay từ địa phương. Các sở, ngành cần tích cực hỗ trợ, quan tâm đến công tác tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ theo từng lĩnh vực; có kênh thông tin để các chủ thể có thể tìm hiểu, được hướng dẫn quy trình thực hiện cho từng tiêu chí của sản phẩm, từ đó chủ động triển khai thực hiện các tiêu chí trong quy trình sản xuất…

Bình Nguyên – Báo Đồng Nai

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Zalo
ocop_detail-product